Tự chủ đại học đã xóa bỏ được cơ chế xin - cho?

06/01/2020 - 10:35

PNO - “ĐH Kinh tế Quốc dân khi được trao tự chủ thì có quyền quyết định đào tạo gì; đồng nghĩa xóa bỏ xin - cho”, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị định hướng dẫn và triển khai một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng nay 6/1 (gọi tắt là Nghị định 99), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu.

Những năm gần đây đặc biệt năm 2019 giáo dục đại học có nhiều khởi sắc trên nền tảng của tự chủ đại học mặc dù trong bối cảnh đầu tư có hạn, còn nhiều khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, năm 2019, ngành giáo dục đã nâng 12 bậc và xếp thứ 68/196 nước và vùng lãnh thổ, dù chưa nhiều nhưng Việt Nam đã cải thiện nhiều thứ hạng rõ nét trong bảng xếp hạng danh tiếng thế giới như QS quốc tế, QS châu Á, 1.000 trường tốt nhất thế giới…”.

Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018/QH14) và Nghị định 99 đặt ra nhiều vấn đề quan trọng đối với cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra một số nhóm vấn đề để trường tập trung làm rõ như:

Một là cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường đại học trong đại học, điều kiện để từ trường đại học sang đại học…

Hai là, liên quan đến thiết chế đó là Hội đồng trường. “Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ khi thực quyền thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện nhiều Hội đồng trường chưa thực quyền nhưng khi luật hóa như hiện nay thì không thể còn tình trạng này. Đặc biệt cơ quan chủ quản tránh tình trạng can thiệp hành chính vào Hội đồng trường vì tính tự chủ, trách nhiệm giải trình đã được quy định rất rõ”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết: “Với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, tôi thấy sự thay đổi rất căn bản là phân định rõ quyền về quản lý nhà nước với giáo dục đại học với quyền quản trị của các cơ sở giáo dục đại học”.

Cụ thể là Luật Giáo dục đại học sửa đổi trao quyền quản trị của các cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần tự chủ đầy đủ nhất. Các trường được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức, tài chính, học thuật. 

Đặc biệt như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khi được trao tự chủ về học thuật thì trường có quyền được quyết định đào tạo gì, đào tạo như thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội và chịu trách nhiệm giải trình với người học, giải trình với xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy đồng nghĩa với việc xóa bỏ được cơ chế xin - cho hay còn gọi là “giấy phép con” trong quản trị về chuyên môn học thuật. Đây là yếu tố căn bản nhất để giúp các cơ sở giáo dục đại học vươn lên, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Điểm thứ hai liên quan đến trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học là tăng cường thực quyền của Hội đồng trường. Hiện nay, Hội đồng trường được toàn quyền quyết định những nội dung quản trị của nhà trường như tổ chức bộ máy như thế nào, tổ chức nhân sự ra sao và tài chính thế nào không phải xin cơ quan quản lý nhà nước. Và điều này thì tính tự chủ của nhà trường mới thực sự được phát huy.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh, không nên có quan điểm tuyệt đối hóa về việc loại bỏ vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp mới là thực hiện tự chủ đại học.

Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu ở cấp trường và các bên có lợi ích liên quan còn cơ quan quản lý trực tiếp là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu ở cấp cao hơn, giúp Nhà nước thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.

“Với vai trò đại diện cho quyền sở hữu nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học công lập như hiện nay thì không thể phủ nhận vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp”, bà Phụng nói.

Tuy nhiên, việc cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường không làm giảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học vì hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Sự tác động của một số cá nhân không có yếu tố ảnh hưởng nếu không được tập thể hội đồng trường đồng thuận.

Đại Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI