Từ các vụ ôm con nhảy cầu: Khoan trách mắng, hãy thử chìa tay khi ai đó tuyệt vọng

18/05/2022 - 11:11

PNO - Trước các vụ việc cha/mẹ ôm con cùng chết, có người thương - có người trách, nhưng cũng có một điều cần được suy ngẫm.

 

Người dân quyên góp cho nạn nhân. Người vợ, người mẹ khi tới hiện trường đã ngất xỉu, phải đi cấp cứu trong bệnh viện
Người dân lập thùng quyên góp cho nạn nhân. Người vợ, người mẹ của hai nạn nhân khi tới hiện trường đã ngất xỉu, cơ quan chức năng phải đưa đi cấp cứu trong bệnh viện

Mỗi lần các phương tiện truyền thông đưa tin về việc người cha hay người mẹ ôm con nhảy cầu, nhảy sông… tim tôi lại đau nhói. Tôi thương họ nhiều hơn trách, bởi tôi biết, nếu không ở bước đường cùng hay ngưỡng cuối của sự tuyệt vọng, họ đã không hành động dại dột. Và bởi vì, ba năm trước, tôi cũng từng suy nghĩ như họ.

Chồng tôi bị tai nạn, anh qua đời khi tôi chưa hết thời gian thai sản bé thứ hai và bé lớn đang học lớp Mầm. Khi lao động chính ngã xuống, tôi - một bà mẹ bỉm sữa thất nghiệp nhìn bên trái thấy con đói sữa, nhìn bên phải thấy con gái đói cơm, nhìn phía trước là món nợ ngân hàng tiền tỷ, tôi chỉ có một suy nghĩ: “Chồng ngồi dậy đi, vợ nằm xuống cho”.

Một mẹ với hai con giữa thành phố xa lạ, không người thân bên cạnh. Sự bất an, áp lực tâm lý, áp lực tiền bạc khiến không dưới một lần trong ngày, tôi có ý định chở hai con ra cầu và tự tử để kết thúc sự khốn cùng.

Tôi mệt, tôi muốn buông xuôi, tôi nghĩ: Nếu ra đi một mình, ai lo cho bọn trẻ? Nếu tôi không còn, bọn trẻ sẽ ngày đi ăn xin, tối ngủ gầm cầu? Lớn lên con gái bán thân nuôi miệng, con trai đầu trộm đuôi cướp? Lẽ nào tôi để các con sống như vậy, thà tôi mang chúng đi cùng. 

Không dưới một lần, tôi có ý định kết thúc cuộc sống của cả ba mẹ con.
Không dưới một lần, tôi có ý định kết thúc cuộc sống của cả ba mẹ con nhưng đều cố tự hỏi: "Bọn nhỏ có tội gì?" để vực lại.

Nhưng, bọn nhỏ có tội gì đâu chứ!

Khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện mật độ dày, tôi cúi xuống cầu xin giúp đỡ. Tôi gọi cho nhà nội, gọi nhà ngoại nhờ nuôi giúp tôi một đứa trẻ. Tôi gọi bạn bè, đồng nghiệp thân lẫn không thân, rằng tôi cần một công việc có lương để ba mẹ con có thể sống.

Những cuộc điện thoại, những cuộc trao đổi qua Messenger cần giúp đỡ càng nhiều, sự tuyệt vọng trong tôi càng lớn.

Khi tưởng như sắp không chống đỡ nổi thì chị gái tôi thuyết phục thành công anh rể nhận chăm giúp con trai nhỏ. Một người bạn không thân chia sẻ với sếp về hoàn cảnh của ba mẹ con tôi và cơ quan cố ý để dành cho tôi một vị trí. Nương hai bàn tay ấy, một đứa tưởng như chỉ bước thêm một bước ngắn là lọt thỏm xuống vực sâu của tuyệt vọng như tôi đã hồi sinh.

Đừng làm anh hùng bàn phím, hãy thử nhìn những người xung quanh, có thể có ai đó đang cần bạn chìa tay ra. Ảnh minh họa
Thay vì làm anh hùng bàn phím, hãy thử nhìn những người xung quanh, có thể ai đó đang cần bạn chìa tay ra (Ảnh minh họa)

3 năm, nhiều khi ngoảnh lại, nhìn mình ngày vừa xảy ra biến cố, nhìn lại hành trình đã đi qua, tôi đã rất biết ơn những bàn tay nắm chặt tay tôi ngày ấy.

Từ chuyện của tôi, tôi mong mọi người hãy nhìn lại những câu chuyện thương tâm thời gian qua. Khoan trách họ quyết định dại dột hay phán xét, hãy thử chìa tay ra khi người ta tuyệt vọng nhất. Hãy gấp máy tính lại, nhìn ra xung quanh, xem thử ai đã và đang cần giúp đỡ, thử chìa tay ra một lần có thể, bạn có thể cứu không ít hơn một mạng người...

An Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI