Trường Sa tháng 4…

13/04/2019 - 19:01

PNO - Có những bài thơ, ca khúc đã trở thành tác phẩm bất hủ nhưng cũng có những quyển sách còn chìm lẫn đâu đó chờ người đọc.

Những ngày tháng Tư, tôi mua về một chồng sách cùng chủ đề biển đảo, viết về Trường Sa - Hoàng Sa gồm nhiều thể loại. Trước đây, tôi vẫn đọc nhưng chưa khi nào tập trung đọc cùng một lúc, chợt thấy trong mênh mông thị trường sách ngoài kia, có một dòng chảy dành riêng cho sách “biển đảo - Trường Sa” rất giá trị. Mà thường thì dòng sách này lại ít khi có những buổi giao lưu, quảng bá hay trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận. 

Truong Sa thang 4…

Như một mặc định chung, sách biển đảo thường là dạng sách tuyên truyền. Những tuyển tập in chung tác phẩm từ các chuyến công tác, trại sáng tác của giới văn nghệ sĩ cũng nhanh chóng chìm khuất giữa hàng chục ngàn đầu sách xuất bản mỗi năm. Để khi ngồi đọc chậm rãi vào những buổi chiều, mới thấy mình đã bỏ qua quá nhiều kiến thức, giá trị, những hình dung đa chiều, sâu sắc, nhân văn và cũng vô cùng cảm động về một vùng biển, vùng trời.

Tháng Tư, nhờ nhận nhiệm vụ đi cùng đoàn công tác đến thăm Trường Sa mà tôi mới dành phần nhiều thời gian để đọc dòng sách này. Có quyển in mới hoặc tái bản gần đây nhưng cũng có quyển xuất bản đã lâu. Để tự nhắc mình rằng trong vô tận kiến thức của đời sống, những gì một người có thể biết được nhiều lắm cũng chỉ nhỏ như hạt cát giữa sa mạc, chìm khuất như giọt nước sâu trong lòng đại dương mà thôi.

Truong Sa thang 4…

Bắt đầu từ quyển sách viết cho trẻ em của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (nhà xuất bản Kim Đồng), để “thám hiểm” đáy biển Trường Sa, đảo của mùa biển lặng và biển động, những điều kỳ thú về biển trời bất tận cùng cá heo, cá chuồn biết bay ngoài khơi xa… Đến Trường Sa - Lời biển hát (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ) là tuyển tập đầy đủ nhất các thể loại thơ, văn xuôi, nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh và hội họa. Mỗi tác giả một cách cảm nhận, mỗi tác phẩm một cách kể để tổng hòa lại quyển sách như một bức tranh đa sắc màu. Cảm xúc khi nhẹ nhàng sâu lắng lúc dữ dội trào dâng, cảm động nhưng trên hết vẫn là niềm tự hào, tình yêu và sự nghiêng mình tri ân, ngưỡng mộ. Tất cả dành cho Trường Sa và biển Việt.

Có những bài thơ, ca khúc đã trở thành tác phẩm bất hủ nhưng cũng có những quyển sách còn chìm lẫn đâu đó chờ người đọc. Tôi gọi đó là một “dòng chảy sách biển đảo” lặng lẽ mà thấm sâu. Không kể quyển Đảo chìm Trường Sa (Trần Đăng Khoa, tái bản đến lần thứ 31) đã quá nổi tiếng, sau này còn có thêm khá nhiều tác phẩm viết về nơi đầu sóng ngọn gió này: Sóng nước Trường Sa (Bình Vũ), Trong giông gió Trường Sa (nhiều tác giả), Nơi ấy là Trường Sa (Lê Thị Bích Hồng), Đến với Trường Sa (sách ảnh, nhiều tác giả), Trường Sa, nơi ta đến (Nguyễn Mỹ Trà)…

Truong Sa thang 4…

Bên cạnh đó là hàng loạt sách nghiên cứu, tư liệu về chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Thậm chí chủ quyền biển đảo cũng đã được xuất bản thành truyện tranh - bộ Thần đồng đất Việt Hoàng Sa Trường Sa (Công ty Phan Thị). Những cách tiếp cận đa dạng dành cho mọi đối tượng bạn đọc, một dòng sách chảy trầm mà thật sự ý nghĩa với bao người. 

Về sau này, vùng biển thiêng liêng ấy đã đón thêm rất nhiều đoàn công tác từ đất liền. Những hình ảnh về Trường Sa dần trở nên quen thuộc trong hình dung của nhiều người nhờ sách, báo, hình ảnh tư liệu và những câu chuyện kể. Nhưng có những điều chỉ có đi, đến, nhìn thấy, chạm vào mới cảm nhận được hết. Tháng Tư này lại có đoàn công tác của văn nghệ sĩ ra thăm Trường Sa, nhiều bạn văn bảo rằng có thể chuyến về lại có thêm tác phẩm dành cho biển đảo. Tôi cũng tin như thế…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI