Những câu chuyện lịch sử không chỉ được kể qua lời của người thuyết minh hay hiện vật trưng bày mà như sống lại bằng cảm xúc, giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về sự hy sinh của cha ông.
Sống động qua từng câu chuyện
Chiều tháng Năm, cái nắng oi nồng đầu hạ của Hà Nội như lùi lại phía sau cổng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi đang dành riêng chương trình trải nghiệm lịch sử mang tên “Một thời hoa lửa” cho học sinh. Không khí trong bảo tàng như lắng lại. Những bước chân tíu tít dồn về khu vực biểu diễn. Ánh mắt các em đầy háo hức, tò mò. Hôm nay, các em sẽ không ngồi trong lớp học, không lật giở sách vở, mà được “học” lịch sử bằng xúc cảm nghệ thuật.
 |
Qua trải nghiệm nghệ thuật, hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng trở nên sống động, gần gũi với các em - ẢNH: M.T. |
Cả khán phòng lặng đi, “bầy ong vỡ tổ” bỗng ngồi im phăng phắc khi nghe ông Ngô Duy Ứng - Phó giám đốc bảo tàng - xúc động chia sẻ: “Trong ánh sáng hòa bình hôm nay, chúng ta càng thấu hiểu giá trị của độc lập, của thống nhất - những điều được đánh đổi bằng máu và nước mắt. Những người phụ nữ trong chiến tranh, họ không chỉ cầm súng mà còn gánh trên vai cả hậu phương, tình yêu và khát vọng sống…”.
Âm nhạc vang lên, nhẹ nhàng rồi dần dần dồn dập, mở ra một hành trình tái hiện lịch sử bằng sân khấu hóa. Trên sân khấu lúc này đã không còn là những diễn viên, mà là những người kể chuyện bằng cảm xúc, về những người anh hùng của một thời khói lửa, những người phụ nữ đã đóng góp không nhỏ vào cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Các hoạt cảnh lần lượt hiện ra. Khi là một cô gái 17 tuổi thuyết phục mẹ già cho cô được đi thanh niên xung phong, tiếp bước người anh trai đang cầm súng nơi chiến trường. Lúc là chị Võ Thị Sáu hiên ngang bước ra pháp trường. Hay nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm với đôi mắt sáng rực niềm tin trong chiến trường khói lửa, kiên gan bám trụ bệnh xá giữa núi rừng lặng ngắt, không có âm thanh nào ngoài tiếng bom, đạn…
Những tên tuổi đó không còn là những hình ảnh khô khan trong sách vở hay đóng khung trong khu trưng bày của bảo tàng. Trước mắt các em, từng nhân vật lịch sử đó bỗng chốc là những con người sống động, cảm xúc, đầy khát vọng, lý tưởng và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Trong không gian ấy, những bài học được nghe, những câu chuyện được đọc của các em trở thành câu chuyện của con người, gần gũi và chạm đến trái tim. Em Nguyễn Hà An - học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - ngồi ở hàng ghế đầu, lặng người theo dõi từng cảnh diễn. Chương trình kết thúc, em thì thầm: “Em rất xúc động. Em thích nhất hình ảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Em cũng muốn sau này trở thành bác sĩ để cứu người”.
Bên cạnh em, bạn Nguyễn Ngọc Linh hồ hởi: “Con thấy chương trình giúp con hiểu thêm, cảm nhận thêm nhiều điều về lịch sử. Trước đây, con chưa từng xem chương trình nào như thế này”.
Các giáo viên cũng không giấu được sự xúc động. Cô Dương Mai Anh - giáo viên Trường tiểu học Quang Trung - chia sẻ với giọng nghẹn nghẹn: “Tôi đã đứng lớp nhiều năm, giảng dạy về lịch sử, đã kể cho các em nghe về những nhân vật này rất nhiều lần, nhưng khi được tái hiện trên sân khấu, tôi vẫn rưng rưng. Các em chắc chắn sẽ ghi nhớ lâu hơn khi cảm nhận được câu chuyện bằng chính cảm xúc của mình”.
Kể và lắng nghe bằng trái tim
Đạo diễn trẻ Ninh Quang Trường chia sẻ: “Làm nghệ thuật đã khó, làm về lịch sử càng khó, làm chương trình lịch sử cho học sinh lại càng khó hơn”. Anh đã đi đến các bảo tàng, di tích cách mạng để nghiên cứu, ghi chép và chắt lọc từng chi tiết, từng câu thoại từ hàng ngàn trang tài liệu lịch sử và đưa vào kịch bản.
“Tôi hy vọng qua chương trình trải nghiệm nghệ thuật này, các em nhỏ sẽ yêu thêm đất nước mình, sẽ thấy những gương mặt anh hùng ấy gần gũi, thân thương như người bà, người chị trong gia đình” - anh xúc động nói.
Những gạn lọc của ê kíp đã khiến mỗi lời thoại, mỗi hình ảnh xuất hiện trên sân khấu đều thật, đều chạm đến cảm xúc và vừa vặn với lứa tuổi học trò. Trong vai người mẹ Việt Nam anh hùng, diễn viên Nguyễn Hương Thủy chia sẻ, chị vào vai không chỉ bằng kỹ thuật diễn, mà bằng sự kính trọng và tự hào. Là một người phụ nữ Việt Nam, chị thấy mình có trách nhiệm kể lại cho các em học sinh những câu chuyện này bằng tất cả chân thành và trân trọng.
Không khí của chương trình cũng không mang màu sắc giáo điều, khô cứng. Mà đó là sự chuyển tải mềm mại của nghệ thuật, là sự chạm khẽ từ tâm hồn người diễn đến tâm hồn người xem để rồi lay động. Em Nguyễn Quang Minh - học sinh Trường THCS Genesis, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - nói: “Cháu rất thích chương trình, bởi cháu thấy như được sống trong những giây phút của lịch sử - những giây phút cho cháu thấy rằng để có được hòa bình, cha ông mình đã hy sinh như thế nào”.
Sau chương trình, nhiều em nán lại trò chuyện với các diễn viên, chạm vào chiếc mũ tai bèo, chiếc ba lô con cóc… Những vật dụng tưởng như vô tri ấy, qua câu chuyện, đã trở thành biểu tượng, khơi dậy trí tưởng tượng và sự ngưỡng mộ trong lòng các em.
Sau buổi trải nghiệm, một nhóm học sinh đã cùng nhau vẽ lại những gì các em ấn tượng nhất. Một học sinh vẽ hình ảnh chị Võ Thị Sáu với mái tóc ngang vai, tay cầm đóa hoa trắng. Em rủ rỉ: “Trước đây, con không biết nhiều về chị Võ Thị Sáu, nhưng khi thấy chị bước ra sân khấu, con đã rơi nước mắt”. Em khác thì vẽ hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng ôm di ảnh con trai.
Em nói nhỏ: “Con thương bà quá. Bà rất giống bà ngoại con, gầy gò nhưng ánh mắt mạnh mẽ lắm”… Những nét vẽ ấy chính là minh chứng cho việc lịch sử đã thực sự bước vào tâm hồn các em, không phải như một bài học để kiểm tra, mà như một câu chuyện để thấm, để thương, để khắc ghi. Và chắc chắn, những cảm xúc ấy sẽ ở lại với các em không chỉ trong ngày một, ngày hai - mà lâu dài, dần dần trở thành một phần trong hành trang yêu nước, hiểu lịch sử của các em.
Trong thời đại mà công nghệ và giải trí chiếm phần lớn sự quan tâm của giới trẻ, việc đưa lịch sử đến gần học sinh bằng nghệ thuật là một cách tiếp cận đáng trân trọng. Cách làm này không chỉ giúp các em hiểu mà còn cảm - điều mà sách vở đôi khi không thể truyền tải hết. “Một thời hoa lửa” đã cho thấy rằng lịch sử không nằm im trên trang giấy. Lịch sử sống, “thở” và lan tỏa nếu chúng ta biết cách kể và lắng nghe bằng trái tim.
Một hoạt động ngoại khóa ý nghĩa cho học sinh “Một thời hoa lửa” là chương trình trải nghiệm giáo dục lịch sử do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Sáng tạo và Giáo dục Edudu thực hiện. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cho hay, bảo tàng mong muốn được đồng hành cùng các trường dành tặng các em học sinh những tiết học ngoại khóa đầy cảm hứng. Không chỉ là những kiến thức trong sách vở, mà cả những câu chuyện đời thường về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh sẽ giúp các em dễ nhớ, dễ cảm… Kết hợp với hệ thống trưng bày cố định, “Một thời hoa lửa” là sự kết nối và bổ sung vào hoạt động tương tác, tăng cường giáo dục trải nghiệm và hứa hẹn sẽ trở thành hoạt động ngoại khóa ý nghĩa dành cho các em học sinh trong năm 2025. |
Uông Ngọc