Người thầy “2 vai” làm đổi thay bản làng

02/05/2025 - 06:30

PNO - Gió thổi ràn rạt, sương phủ dày đặc trên lối mòn dẫn vào bản Khuổi Hẩu, xã Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Con đường từ trung tâm xã đến điểm trường Khuổi Hẩu dài chưa đầy 10km, nhưng lại là hành trình mấy tiếng đồng hồ vượt suối, leo đèo của người thầy.

Gần 10 năm nay, trên con đường ấy, bước chân của thầy giáo Hà Lô Tuấn chưa từng dừng lại. Thầy lặng lẽ gieo tri thức và cả khát vọng đổi thay cho rẻo cao nghèo khó.

Tham gia mọi việc của bản

Sinh năm 1980 tại tỉnh Cao Bằng, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, tháng 10/2002, thầy Tuấn bắt đầu dạy tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm. 14 năm sau, thầy chuyển về Trường tiểu học Mai Long, rồi nhận nhiệm vụ tại điểm trường Khuổi Hẩu ở bản nghèo khó nhất xã Mai Long.

Thầy Hà Lô Tuấn hướng dẫn học sinh lớp Một viết chữ - ẢNH: L.T.
Thầy Hà Lô Tuấn hướng dẫn học sinh lớp Một viết chữ - ẢNH: L.T.

Những ngày đầu, bản chưa có điện, phần lớn người dân không biết chữ. Sự khác biệt về ngôn ngữ (100% là người H’mông) càng khiến công việc dạy học thêm thách thức. Thầy Tuấn phải bắt đầu từ việc học tiếng H’mông để có thể trò chuyện với bà con. Cứ hết giờ lên lớp, thầy lại đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến trường. Có nhà cách trường hơn 4km đường rừng, đi bộ mất cả buổi. Thế nhưng thầy vẫn kiên trì, có hôm đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về đến điểm trường cheo leo trên lưng núi.

Từ chỗ thấy người lạ là tránh giờ đây thấy thầy giáo từ xa bà con đã cười, mời về nhà uống nước. Những đứa trẻ ngày trước khóc nhè khi thầy đến nhà, giờ đã biết ước mơ trở thành bác sĩ, cô giáo, kỹ sư. Nhiều năm nay, bản Khuổi Hẩu không còn trẻ em độ tuổi tiểu học bỏ học. Điểm trường có 5 lớp, từ mầm non đến lớp Ba, với hơn 80 học sinh - con số ít ỏi nhưng chứa đựng bao nỗ lực của thầy Tuấn.

Không dừng lại ở vai trò người thầy, thầy Tuấn còn là Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Hẩu từ năm 2017. Nhiệm vụ của thầy là khẩn trương xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên tại địa bàn. Khi ấy, chi bộ chỉ có 1 đảng viên là người địa phương. Thầy chia sẻ: “Lúc đầu, tôi vừa học tiếng, vừa tham gia tất cả công việc của bản. Phải nói được, làm được thì bà con mới tin”.

Làm mọi việc, từ xây dựng tổ chức vận động quần chúng là điều không dễ dàng, bởi cả bản Khuổi Hẩu theo đạo Tin lành, nên phải thực sự hiểu văn hóa, tín ngưỡng của bà con. Vượt qua những khó khăn ấy, thầy Tuấn đưa Chi bộ xóm Khuổi Hẩu phát triển lên 8 đảng viên.

Sự đổi thay của bản làng

Từ bản có 100% hộ nghèo, dưới sự dẫn dắt của Bí thư Hà Lô Tuấn, Khuổi Hẩu bắt đầu chuyển mình. Người dân dần bỏ thói quen canh tác lạc hậu, học cách ăn ở hợp vệ sinh. Tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba giảm rõ rệt. Đặc biệt, thầy Tuấn đã cùng chi bộ vận động bà con trồng trúc sào - loại cây phù hợp với khí hậu địa phương và có đầu ra ổn định. Một số hộ đã có thu nhập khá từ bán trúc. Nhiều gia đình cũng chuyển sang nuôi trâu vỗ béo, trồng nghệ.

Số hộ nghèo tuy giảm dần nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn (hơn 80%) khiến thầy giáo trăn trở. “Tôi muốn tìm thêm một số loại cây, con phù hợp, nhất là cây dược liệu - ở đây cao, lạnh, có thể trồng được. Nếu làm tốt, kinh tế bà con sẽ bớt nhọc nhằn” - thầy Tuấn chia sẻ. Những ngày rét mướt, học sinh được nghỉ học, thầy tranh thủ đi từng nhà, nhắc bà con giữ sức khỏe, che chắn chuồng trại, rắc vôi nền chuồng trại tránh dịch bệnh cho vật nuôi. Thầy nói: “Không phải dạy chữ mới là giáo dục. Giáo dục còn là việc giúp họ sống tốt hơn mỗi ngày”.

Nhà thầy Tuấn ở TP Cao Bằng, cách điểm trường hơn 80km đường đồi núi. Việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái đều do “hậu phương” quán xuyến. 2 ngày ở nhà, 5 ngày ở bản - người dân Khuổi Hẩu gọi thầy Tuấn là “thầy giáo của bản”, bởi sự gắn bó, yêu thương và cả hy sinh lặng thầm mà thầy dành cho nơi này. Ngày trước, nhà nào cũng tính cho con nghỉ học lên nương. Từ ngày thầy về, làm việc tốt cho bản nên giờ dù còn cực, nhưng các cha mẹ đều bảo nhau cố gắng cho con học đến nơi đến chốn.

Dù kiêm nhiệm cả 2 vai nhưng ngoài lương giáo viên, thầy không hưởng thêm một khoản phụ cấp nào khác. Bà Vi Thị Hương - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nguyên Bình - cảm kích: “Chính tình yêu nghề, tình thương học trò và trăn trở trước khó khăn của bà con vùng cao, thầy hy sinh lợi ích riêng, vượt qua trở ngại để hoàn thành trọng trách được giao”.

Những năm qua, thầy Hà Lô Tuấn nhiều lần được khen thưởng vì thành tích dạy học và xây dựng chi bộ. Nhưng với thầy, phần thưởng lớn nhất là sự đổi thay nơi bản làng, là đôi mắt sáng, nụ cười tự tin của những học trò nhỏ trên rẻo cao tít hút.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI