Trợ giá hơn 1.000 tỷ mỗi năm, xe buýt vẫn "tụt dốc'', đại biểu đề nghị xem xét đấu thầu toàn bộ tuyến xe buýt

10/07/2020 - 10:43

PNO - Sở Giao thông Vận tải TPHCM xin trợ giá thêm 161 tỷ đồng, trong khi đó đã có 10 tuyến xe buýt trợ giá đã phải ngừng hoạt động vì không hiệu quả.

Sáng 10/7, Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm thắc mắc vì sao Sở Giao thông Vận tải TPHCM lại xin trợ giá xe buýt thêm 161 tỷ đồng trong khi đã có 10 tuyến xe buýt trợ giá đã ngừng hoạt động vì không hiệu quả.

Đại biểu Tố Trâm nhận định phương tiện vận tải công cộng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu cho người dân TPHCM. Trong khi đó, hàng năm số tiền TPHCM trợ giá cho xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải tiếp tục xin thêm 161 tỷ đồng. Như vậy, mục đích của trợ giá xe buýt là gì? Có nên duy trì trợ giá xe buýt như hiện nay? Có nên đấu thầu toàn bộ tuyến xe buýt để minh bạch hay không?

Tính từ năm 2018 đến nay, TPHCM có tới 10 tuyến xe buýt trợ giá ngưng hoạt động, nguyên nhân do tình hình sản lượng hành khách đi xe buýt tụt dốc, doanh nghiệp thu không đủ bù chi. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỉ đồng, nâng mức trợ giá xe buýt năm 2020 lên 1.311 tỉ đồng.

Xe buýt tại TP.HCM trong vòng vây xe cá nhân vào giờ cao điểm
Xe buýt tại TPHCM trong "vòng vây" xe cá nhân vào giờ cao điểm

Cũng liên quan đến vấn đề hiệu quả của các phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong khuôn khổ kỳ họp này, ngày 8/7, Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TPHCM đã không đồng ý một số nội dung trong tờ trình của UBND TPHCM về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông tại TPHCM. 

Trong tờ trình số 2619 ngày 7/7/2020 UBND TPHCM cho thấy, tính đến tháng 12/2019, vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng 9,7% nhu cầu đi lại và nhận định đây là tỷ lệ thấp so với nhu cầu đi lại của người dân, nên UBND TPHCM xây dựng đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM”. Mục tiêu là nhận diện các nguy cơ về giao thông đô thị đối với TPHCM trong thời gian tới, xây dựng kịch bản phát triển và đề xuất lựa chọn kịch bản phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện ngay từ trong năm 2020.

Theo đề án này, giai đoạn 2021-2030, dự kiến kinh phí thực hiện là 393.792 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là 47.644 tỷ đồng. Nguồn lực ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng: trợ giá, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý và điều hành giao thông thông minh, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển vận tải hành khách công cộng, nghiên cứu cơ chế chính sách.

Đề án này đặt ra mục tiêu: vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.

Có 10 tuyến xe buýt trợ giá tại TP.HCM đã ngừng chạy vì không hiệu quả
Có 10 tuyến xe buýt trợ giá tại TPHCM đã ngừng chạy vì không hiệu quả

Sau khi thẩm tra, Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TPHCM  đã không thống nhất về nội dung mục tiêu của đề án: “Các chỉ tiêu này thấp hơn chỉ tiêu đã được xác định tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030. Trong đó nêu cụ thể mục tiêu đến năm 2020, giao thông công cộng thị phần đảm nhận từ 20% - 25% và định hướng phát triển sau năm 2020, thị phần đảm nhận từ 35% đến 45%”.

Vì vậy, Ban đô thị đề nghị UBND cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính khả thi của chỉ tiêu nêu trên, nhằm xác định mục tiêu sát với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi và có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI