Trịnh Diễm Quỳnh: Làm nghề "may nóng" phải có cái đầu... mát

14/06/2016 - 10:09

PNO - Ở phố cổ Hội An, Yaly là tên một nhãn thời trang tọa lạc trên tất cả các con đường chính như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Hưng Đạo.

Không gian rộng lớn, bày biện hàng phong phú, mẫu mã đẹp, các cửa hàng Yaly luôn nhộn nhịp khách ra vào. Cuối tháng Tư vừa qua, phố cổ càng thêm lung linh với sự kiện biểu diễn thời trang OCHE, một thương hiệu đặc biệt của Yaly.

May đồ làm kỷ niệm

“Khai sinh” ra Yaly là một phụ nữ xinh xắn, mảnh mai và “đặc sệt” Hội An, chị Trịnh Diễm Quỳnh. Vừa trò chuyện với tôi, vừa chỉ đạo nhân viên, vừa quan sát khách hàng, trả lời điện thoại… vậy mà chị vẫn giữ phong cách nhẹ nhàng, từ tốn, không chút “lật đật, vội vàng”.

Hội An quyến rũ vì có nhiều góc phố dịu dàng, hiền lành đậm dáng “quê” một cách hiện đại. Và không chỉ cảnh vật, người Hội An cũng góp phần gây nhớ nhung cho du khách. Quỳnh sinh ra tại Hội An, tuổi thơ của chị gắn bó với chợ nhiều như với trường lớp. Lên 10 tuổi, Quỳnh đã rành buôn bán. Cũng ở tuổi đó, Quỳnh đã biết tự may đồ cho mình, cho ba mẹ, anh chị em trong nhà. Năm học lớp 12, Quỳnh đã giỏi tay nghề dệt áo len, may áo dài… nên vừa học vừa nhận hàng gia công.

Cuối năm 1994, Hội An bắt đầu đông khách du lịch. Gia đình Quỳnh mở một tiệm ăn nhỏ. Tiếp xúc với khách, Quỳnh nhận ra nhu cầu “muốn có một bộ quần áo kỷ niệm với Hội An”. Mến khách, chị nhanh nhạy giúp họ bằng cách mua vải và may “lấy liền”. Không ngờ, đó lại là những bước đầu khởi xướng nghề “may nóng” ở Hội An.

Trinh Diem Quynh: Lam nghe
Diễm Quỳnh và nhà thiết kế Xenia Joost

Quỳnh mở tiệm tại nhà ba mẹ, trong nhà có thêm bốn người thợ. Khách đến đặt đồ may, Quỳnh lấy công làm lời và chị may như thể may đồ cho chính mình, kỹ lưỡng, cẩn thận, nhưng phải nhanh. Dần dà, nhà của chị trở thành địa chỉ đông khách, chủ yếu do “người này giới thiệu cho người kia”.

Dần dà, nghề “may nóng” nhanh chóng lan ra cả phố. Quỳnh cũng nhanh nhạy phát triển chuyên môn. Muốn giao cho khách một bộ quần áo trong vòng một ngày, chị phải vững vàng kỹ thuật, biết cách chọn nguyên phụ liệu và đặc biệt là biết rõ xu hướng thời trang thế giới.

Khách du lịch đến phố cổ mỗi năm mỗi đông hơn. Quỳnh nhớ lại, thời điểm ban đầu mở tiệm, không đủ nhân sự để may đồ cho khách. Trong sự bận rộn, đo may tốc hành, Quỳnh vẫn làm việc rất tỉ mỉ, kỹ càng, cho khách vừa lòng, cho mình thoải mái, chứ không chạy theo số lượng, không cạnh tranh mệt mỏi. Chị tâm đắc nhận ra “Làm nghề may nóng, nhưng cái đầu phải… mát”, để khách được phục vụ ân cần, dịu dàng.

Với nghề, Quỳnh có chiến lược: “Không chạy mà mỗi ngày bước từng bước và không bao giờ dừng lại”. Chị chọn phát triển an toàn, không mạo hiểm.

Tự nhiên theo phong cách

Một năm sau khi tên tuổi Yaly xuất hiện tại Hội An, khách nước ngoài thích thú nghe Quỳnh giải thích: “Yaly là một cái tên Việt Nam, theo tiếng Ê-đê, Yaly là người con gái đẹp. Yaly còn là tên của một thác nước hùng vĩ của Tây Nguyên”. Cũng như thác nước, thời trang Yaly đầy sức sống. Trong vòng 10 năm, thương hiệu Yaly đã lớn mạnh và có cửa hàng ở hầu hết ở các con đường chính của phố cổ.

Phương châm phục vụ khách của thời trang Yaly là “Chọn tự nhiên theo phong cách của bạn”. Có người chọn vải, may luôn vài bộ, vài kiểu trang phục công sở, dạo phố… một ý tưởng mà khi đến Hội An, họ mới bất ngờ nghĩ ra và quyết định. Nhiều khách chọn phương án may đồ vì họ sở hữu kích thước thân thể khó mua đồ may sẵn. Có người mang theo mẫu thiết kế tới để Yaly cắt, may. Có những khách hàng tin tưởng để Yaly thực hiện toàn bộ trang phụ c trong tiệc cưới, từ váy áo cô dâu, chú rể đến các thành viên trong đại gia đình. Cũng có người thích may áo dài, áo bà ba Việt để về làm quà lưu niệm…

Công nhân may của Yaly đến nay gần 700 người, nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của khách. Và đó cũng là thử thách của Quỳnh, vì nguồn nhân sự luôn khan hiếm. Với Quỳnh, chất lượng sản phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu, nên chị trực tiếp đứng lớp dạy may cho công nhân, chỉ dẫn cho thợ từng chút một, đặc biệt là truyền cho họ tinh thần phục vụ khách trung thực, hết lòng.

Quỳnh tâm sự: “Người Hội An làm việc để kiếm tiền, nhưng họ lại sống nặng về tình cảm. Công ty, phân xưởng phải đậm tình người, họ mới yên tâm làm việc. Vì thế, tôi phải biết và nhớ tên từng công nhân, từng nhân viên, biết cả cuộc sống của họ, lắng nghe họ trình bày, tâm sự… Nội bộ xảy ra chuyện dù nhỏ xíu, là tôi phải giải quyết êm thấm ngay”.

Nhiều nhà đầu tư mời Quỳnh mang Yaly sang nước ngoài, xây dựng thương hiệu ở xứ người, nhưng Quỳnh “nhát”, chị vẫn muốn sống ở Hội An, hết lòng với phố cổ. Hiện tại, về lĩnh vực thời trang, các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài đã treo bảng tại phố cổ chiếm đến 70%. Người Việt cho mướn nhà, có thu nhập ổn định, an toàn nên ngày càng thu hút người nước ngoài vào mở shop.

Giữa những tên tuổi đó, Quỳnh và tập thể Yaly vẫn tự tin vào tay nghề của mình, nhiệt tình chia sẻ niềm vui của khách muốn trải nghiệm cảm giác được “cắt, đo, may” một bộ đồ, rồi “đi một lát quay lại lấy”. Quỳnh nói: “Mặt bằng cũng là một thử thách lớn của tôi. Gần khu vực phố cổ không được phép có xưởng may đông người, chính quyền lấy lý do gây ồn ào. Vậy là Yaly tốn thêm người, thêm thời gian để “chạy tới, chạy lui” giao hàng, nhận hàng, chỉnh sửa quần áo…”.

Riêng Quỳnh, chị luôn cập nhật kiến thức thời trang, từ các kênh truyền thông vẫn chưa thấy đủ, nên Quỳnh chọn cách đi để nhìn thấy. Chị sang chợ vải Hồng Kông, sàn diễn thời trang Hàn Quốc, Nhật… để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Khách Tây đang chuộng thời trang Hàn, Nhật trong các trang phục đồ ngủ, dạo phố, lễ tiệc… nhưng họ lại thích tay nghề cắt may khéo và đẹp của người Hội An. Khách du lịch tới phố cổ từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau, nên Quỳnh luôn “nâng cấp” tầm nhìn về thị trường và nhu cầu của khách, phải rất am hiểu thời trang thế giới và tâm lý ăn mặc của khách hàng.

Trinh Diem Quynh: Lam nghe
Diễm Quỳnh làm việc cùng nhân viên

Tên tuổi Yaly cũng lôi cuốn các nhà thiết kế thời trang nước ngoài tìm đến và “nộp đơn” làm việc. Cuối tháng Tư, nhà thiết kế Xenia Joost, người Estonia đã tạo ra bộ sưu tập đa dạng về thời trang dạo phố, hợp nhất giữa nền văn hóa truyền thống Á châu và nền văn hóa Bắc Âu, với các sắc màu đen, xám đá, trắng. Người yêu thời trang còn nhận thấy sự kết hợp độc đáo giữa kỹ thuật may đo thủ công của người thợ Hội An với những kỹ thuật in, dệt, nhuộm, thiết kế hiện đại. Xenia đã có cơ hội để cùng Yaly sáng tạo, thử nghiệm và “chơi đến cùng”.

Năng động và nữ tính

Quỳnh là người phụ nữ của gia đình. Dù Yaly đã lớn mạnh về quy mô, nổi tiếng về tên tuổi, Quỳnh vẫn thấy mình là “cô thợ may làm việc tại nhà”. Lấy chồng năm 1992, đến nay niềm vui lớn nhất của chị là “chồng con đều ngoan”.

Ông xã Quỳnh, anh Nguyễn Đình Cư, tốt nghiệp đại học kinh tế ở TP.HCM, “tự đào tạo” thêm công nghệ thông tin. Anh là chuyên viên vi tính tại UBND TP. Hội An. Ở nhà, anh là cộng sự đắc lực của Quỳnh trong việc chăm sóc và quản lý khách hàng qua các chương trình phần mềm vi tính. Con trai đầu của Quỳnh đang học thạc sĩ y khoa tại Mỹ, con trai út đang học lớp 9 tại Hội An. Cả hai đều ham học, và “bị” mẹ chê “nhà quê lắm, chẳng biết ăn diện chi hết”.

Với bản thân, Quỳnh chuộng kiểu “mặc thoải mái”. Trong phòng làm việc, chị năng động, đi lại với quần short, áo sơ-mi. Lúc tiếp khách, chị dịu dàng trong chiếc áo đầm dài qua gối. Chị tâm sự: “Mọi người bảo tôi mặc đồ quá đơn giản, tôi thích nhận xét đó”.

Quỳnh đang phục hồi nghề dệt lụa tơ tằm thủ công nổi tiếng của làng Duy Xuyên, vốn là “đặc sản” của làng nghề miền Trung. Biết thêm việc là thêm thử thách, Quỳnh vẫn theo tinh thần “làm cho vui”, với tình yêu dành cho quê hương và nặng tình với khách du lịch khi “họ muốn có một chiếc khăn, cái áo đặc biệt để làm quà cho bạn bè, người thân”. “Kế hoạch của Yaly trong tương lai?”, nghe hỏi, Quỳnh cười cười: “Tôi hay giữ bí mật, ít khi nói trước khi làm”.

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI