Trang trí nhà Xuân đón Tết sang

05/02/2021 - 16:00

PNO - Dọn dẹp nhà cửa vốn dĩ là “lệ” thường của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Vui thay khi ngày càng có nhiều người dân nỗ lực trang trí không gian sống với tâm huyết duy trì nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền - điều tưởng chừng đang dần mai một trong đời sống thị thành hiện đại.

Dẫu cho quanh năm suốt tháng bận bịu với những lo toan cơm áo thường nhật, “nặng gánh” trách nhiệm công việc và sự nghiệp, thêm âu lo COVID-19 những ngày gần đây, song nhiều người dân yêu cái đẹp và tôn thờ nét văn hóa dân tộc vẫn tất bật trang hoàng nhà cửa, giữ cho mình những thói quen tích cực đáng quý.

Ảnh: Thanh Tùng
Ảnh: Thanh Tùng

Không chỉ làm đẹp cho tổ ấm, họ còn góp công giữ gìn bản sắc Tết dân tộc, bừng sắc xuân cho cả góc phố và khu dân cư đang sống. Nhờ đó, bất cứ ai cũng có thể thưởng ngoạn hương sắc Tết đậm chất Việt và hoài niệm về những ký ức Tết xưa của riêng mình.

Ảnh: Thanh Tùng
Ảnh: Thanh Tùng

“Một tâm hồn đẹp cho ta một ngôi nhà đẹp, ngôi nhà đẹp cho cả khu phố đẹp”, kiến trúc sư Lê Quang Linh đánh giá về xu hướng trang trí nhà cửa đón Tết của những gia chủ duy mĩ, yêu cái đẹp và mong muốn lan tỏa cái đẹp đến cộng đồng nhân dịp Tết.

Ông Linh chỉ về cụm đường xuân ở khu Mỹ Phú 2A - Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) như đơn cử một ví dụ về nền tảng văn hóa tôn trọng cái đẹp, di sản cổ truyền của người Việt Nam, vốn lặng thầm và bền bỉ duy trì nhiều năm qua.

Ảnh: Thanh Tùng
Ảnh: Thanh Tùng

“Việc trang hoàng tổ ấm dịp Tết xuân về thể hiện văn hóa và truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của người Việt. Đó chính là sống chan hòa, gắn kết với hàng xóm và cộng đồng. Giống như câu: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, kiến trúc sư Linh bày tỏ.

Trong bối cảnh Xuân năm nay, thế giới và Việt Nam đang quyết tâm vượt khó đại dịch COVID-19, những không gian đậm sắc xuân từ những ngôi nhà và góc phố thân thương càng trở thành điểm nhấn, truyền năng lượng tích cực để mang đến niềm vui và niềm tin vào tương lai cho cư dân, du khách gần xa.

Ảnh: Thanh Tùng
Ảnh: Thanh Tùng

Kiến trúc sư Lê Quang Linh tâm đắc nói thêm: “Điều này cho thấy, bất kể cuộc sống văn minh hiện đại thay đổi nhanh đến đâu, dù chúng ta có bị cuốn theo nhịp sống hối hả thành thị như thế nào, song mỗi khi Tết đến xuân về ai cũng sẽ sẽ hoài niệm sâu sắc về cội nguồn văn hóa, truyền thống dân tộc. Rõ ràng, những tập tục cổ truyền Việt Nam luôn vẹn nguyên giá trị trong xã hội văn minh hiện đại”.

Ảnh: Thanh Tùng
Ảnh: Thanh Tùng

Bất kỳ ai có dịp ghé ngang nơi đây đều không khỏi ngạc nhiên trầm trồ trước quang cảnh cụm đường xuân do người dân tự thực hiện. Họ đều cho rằng nét đẹp ở đây chính là việc mọi người, mọi nhà đã chung tay làm nên những “điểm nhấn văn hóa của đô thị” với các thiết kế, trang trí cỏ hoa ngày Tết mang đậm truyền thống Việt, thể hiện rõ nét văn hóa Tết cổ truyền. Điều này không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà của gia chủ mà còn cho cả khu phố, đáng quý hơn là tấm lòng trân quý di sản văn hóa Việt Nam.

Cẩm Thúy 

“Kiến trúc và không gian là một phần quan trọng trong cuộc sống con người. Khi sửa sang, bảo trì, trang trí nhà cửa đón Tết, chúng ta cảm nhận được tình yêu của gia chủ dành cho mái ấm của mình. Mỗi gia đình là một cá thể trong cộng đồng. Xã hội phát triển văn minh, tươi đẹp hơn có đóng góp từ chính mỗi ngôi nhà, gia đình, cá nhân có ý thức gìn giữ nét đẹp cổ truyền dân tộc như thế. Thật tự hào và đáng quý khi nhìn thấy các gia chủ yêu thương không gian sống và trân quý truyền thống văn hóa dân tộc bằng hành động cụ thể mỗi dịp xuân về”.

Kiến trúc sư Lê Quang Linh

 

Được tài trợ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI