TPHCM nhộn nhịp lễ hội văn hóa, giải trí

02/12/2022 - 06:46

PNO - Dịp cuối năm và đầu năm mới, nhịp sống văn hóa nghệ thuật tại TPHCM trở nên sôi nổi. Nhiều chương trình được đầu tư lớn, hứa hẹn tạo ra những không gian giải trí thú vị.

Sự khởi sắc về văn hoá, nghệ thuật 

Tối nay (2/12), lễ hội Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà của chúng ta sẽ khai mạc. Đông đảo các nghệ sĩ, nhóm nhạc từ Việt Nam, Cuba, Philippines sẽ trình diễn ở sân khấu lớn, mang đến bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc cho khán giả. Các sân khấu mở là không gian của ảo thuật, xiếc, hòa tấu nhạc cụ, biểu diễn đờn ca tài tử… Ngoài ra, công chúng cũng được tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa đặc trưng đến từ các tỉnh của Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc. 

Hình ảnh trong lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (Hozo) 2019
Hình ảnh trong lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (Hozo) 2019

Ngay tại trung tâm TPHCM, cùng trong khoảng thời gian này, khán giả cũng được thưởng thức những nét văn hóa đặc trưng của Tây Bắc như: múa sạp, múa xòe dân tộc Thái, múa khèn dân tộc Mông, múa xòe dân tộc Hà Nhì… thuộc khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch tỉnh Lai Châu.

Liên hoan nhạc kèn TPHCM lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của khoảng 50 đội kèn. Sân chơi này không chỉ của người lớn, mà còn dành cho trẻ em. Ngoài kèn, khán giả có thể lắng nghe sự kết hợp với trống, chơi cờ tạo nên những tiết mục hấp dẫn. Liên hoan nhạc kèn được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm văn hóa giải trí đặc sắc của thành phố trong tương lai, với nguồn lực lên đến 325 đội kèn.

Sở VH-TT cho biết, các địa phương, đơn vị đều mong muốn được tổ chức sự kiện tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, các chương trình thực hiện ở đây chỉ với tần suất vừa phải, tính chất phù hợp, tránh ảnh hưởng đến người dân khu vực này. Hy vọng trong tương lai, thành phố sẽ có thêm nhiều quảng trường, con đường thu hút các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Sau đó không lâu, lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2022 chính thức diễn ra, từ 8-11/12. Chương trình biểu diễn với quy mô lớn bậc nhất Việt Nam, quy tụ hơn 250 nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có nhiều gương mặt nổi tiếng thế giới như: Babyface, Johnny Stimson, Alastair Moock… Đặc biệt, 2 ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam cũng xuất hiện, trình diễn tại đây.

Nét đặc sắc nhất là việc các ca sĩ sẽ trình diễn live với ban nhạc, có những set nhạc riêng đặc biệt được sản xuất dành tặng cho công chúng trong dịp này. Liên hoan đưa những dư vị truyền thống kết hợp với xu hướng âm nhạc đương đại, cho thấy sự giao thoa, hòa nhập. Quy mô sự kiện cũng được mở rộng, phục vụ 500.000 khán giả xem trực tiếp và 10 triệu khán giả xem trực tuyến.

Đêm nhạc đón năm mới vào ngày 31/12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là sự kiện giải trí lớn. Những năm qua, đêm nhạc này luôn bắt kịp xu hướng của thị trường với sự tham gia của những ca sĩ, cùng dòng nhạc “hot”, được công chúng yêu thích trong năm. Hội hoa xuân cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn tất để phục vụ người dân đón năm mới. Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) cho biết ý tưởng đường hoa Nguyễn Huệ đã được hội đồng nghệ thuật thẩm định, trình UBND TPHCM thông qua. 

Đường hoa và người dân tham quan đường hoa Nguyễn Huệ 2022 (Ảnh: Tam Nguyên)
Đường hoa và người dân tham quan đường hoa Nguyễn Huệ 2022 (Ảnh: Tam Nguyên)

Ngoài ra, từ 1/1 đến tết Nguyên tiêu 2023, sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ ở một số quận, huyện; triển lãm ảnh; lễ hội đường sách, đường hoa; lễ hội tết Nguyên tiêu và ngày thơ Việt Nam… Hiện, kế hoạch này được Sở VH-TT đề xuất để UBND TPHCM thông qua.

Đảm bảo an toàn cho sự kiện đông người

Hầu hết các sự kiện đều thu hút nhiều người, trong đó lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2022 và đêm nhạc đón năm mới là 2 sự kiện sẽ tập trung đông người nhất. Tuy nhiên, ban tổ chức lễ hội Hò Dô cho biết lần này lễ hội được tổ chức tại 2 sân khấu là phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và công viên Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), nên không gian được mở rộng, không tập trung quá đông khán giả cùng lúc. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, có nhiều đường nhánh sẽ được bố trí các lực lượng cần thiết để đảm bảo an toàn. Riêng sân khấu tại công viên Thủ Thiêm, sẽ có phần mềm kiểm đếm số lượng khán giả, tránh việc nhận người quá mức cho phép. 

Ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM - cho biết, UBND TPHCM đã làm việc với các ban ngành liên quan để đưa ra quy chế về việc tập trung đông người. Sở VH-TT được giao thực hiện quy chế này. Trước đây, trong các đợt tổ chức lễ hội, đã có nhiều lực lượng tham gia để đảm bảo an toàn như: công an, y tế, phòng cháy chữa cháy… 
Sở đã làm việc, đưa ra dự thảo, dựa trên các hoạt động thực tế, nội dung liên quan đến hoạt động đông người từ các lĩnh vực. Sau đó, sở đã lấy ý kiến từ các sở, ngành, quận, huyện… đến lần thứ ba. Dự thảo quy chế sẽ còn tiếp tục lấy ý kiến để hoàn chỉnh trình UBND TPHCM. Theo ông Võ Trọng Nam, vấn đề này mới nên phải kỹ lưỡng, để dễ thực hiện, được sự đồng thuận của các sở, ngành. 

Để việc thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật của người dân được thuận tiện, thì các dịch vụ liên quan cũng được quan tâm, trong đó nhu cầu thiết yếu hàng đầu là địa điểm gửi xe. Lực lượng thanh niên xung phong và quận 1 (nơi thường tổ chức các lễ hội) sẽ đảm nhận khâu này, đề xuất phương án thực hiện.

Trung Sơn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI