TPHCM đánh giá thí điểm lớp học số, tính toán mở rộng

03/01/2023 - 22:57

PNO - Chiều 3/1, Sở GD-ĐT TPHCM đã có chuyến kiểm tra thực tế đánh giá quá trình thí điểm mô hình lớp học số tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) để tính toán mở rộng.

Từ đầu tháng 12/2022, học sinh lớp 5/2, Trường tiểu học Thạnh An được học tiếng Anh với giáo viên ảo qua màn hình, thời lượng 1 tiết/tuần. Qua màn hình, cô trò cùng tương tác qua các trò chơi vẫn sôi động, những tiếng cười rộn ràng.

"Học qua màn hình dù không được nhìn thấy cô giáo tận mắt nhưng cả lớp đều rất mong chờ mỗi tuần để được gặp cô. Cô dạy rất vui, rất dễ hiểu, với nhiều trò chơi thú vị, nếu chúng em có thắc mắc cô cũng giải đáp"- Tuấn Anh (học sinh lớp 5/2) thích thú.

Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu đánh giá quá trình thí điểm lớp học ảo, tính toán mở rộng
Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu đánh giá quá trình thí điểm lớp học ảo, tính toán mở rộng

Thầy Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) cho biết, mô hình lớp học số được triển khai tại trường với 2 lớp tiếng Anh, tin học trong năm học này đã giúp "gỡ khó" tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại trường suốt nhiều năm nay.

"Toàn trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, phải bao quát cả 5 khối lớp. Sắp tới đây, giáo viên này cũng xin nghỉ, trường sẽ càng khó khăn hơn trong việc tuyển dụng. Với lớp học số, ngay cả khi không có giáo viên tiếng Anh, học sinh vẫn được tiếp cận với môn học này một cách thích thú thông qua công nghệ. Trước khi tiết học triển khai, giáo viên lớp học số đã gửi kế hoạch bài dạy cho giáo viên trợ giảng nên trong suốt tiết học, giáo viên trợ giảng dễ dàng hỗ trợ học sinh, các em thích thú tham gia vào trò chơi"- thầy Bình chia sẻ.

Từ hiệu quả mô hình tại trường, Hiệu trưởng Lê Hữu Bình đề xuất Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng thêm 1 lớp học số tại điểm trường tiểu học Thạnh An ở ấp Thiềng Liềng. Bởi hiện nay, để giảng dạy tiếng Anh cho học sinh ở đây, giáo viên phải di chuyển giữa 2 điểm trường với điều kiện đi lại rất khó khăn, tốn kém. Ngoài ra, ông cũng đề xuất có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên trợ giảng cho lớp học ảo...

Trực tiếp tham dự lớp học số môn tiếng Anh cùng học sinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc vui mừng khi thấy học sinh tích cực tương tác, hào hứng tham gia trong tiết học với giáo viên qua... màn hình.

Ông đánh giá, lớp học trên môi trường số nhưng những tương tác giữa cô và trò như một lớp học bình thường. Giáo viên đặt câu hỏi, học sinh cùng tương tác, trao đổi, trả lời. Ở đây, công nghệ đã giúp xóa nhòa khoảng cách về không gian, giúp tiết học mang màu sắc khác, thu hút học sinh.

Để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa việc triển khai mô hình, ông đề nghị phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ cần có những suy nghĩ, đề xuất, tham mưu về cơ chế đặc thù đối với riêng giáo viên đang công tác tại xã đảo. Về phía Sở GD-ĐT cũng sẽ có những tham mưu hỗ trợ kinh phí cho giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy và giáo viên trợ giảng lớp học số.

Học sinh hào hứng tương tác trong lớp học số
Học sinh hào hứng tương tác trong lớp học số

"Mô hình lớp học số không chỉ dừng lại ở việc gỡ khó thiếu giáo viên mà qua đó còn giúp giáo viên tại các đơn vị triển khai mô hình trao đổi, nâng cao chuyên môn với giáo viên giảng dạy trong lớp học số, nâng cao chất lượng giảng dạy của trường. Do vậy, dù chỉ là giải pháp tạm thời giải quyết việc thiếu giáo viên, mục tiêu lâu dài vẫn phải tuyển dụng giáo viên giảng dạy trực tiếp song mô hình vẫn sẽ được TPHCM tiếp tục triển khai, mở rộng ở nhiều môn học sau quá trình thí điểm..."- ông Nguyễn Bảo Quốc nói.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên TPHCM triển khai mô hình lớp học số giảng dạy môn tiếng Anh, tin học nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Hiện mô hình đang được thí điểm tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI