Hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới: Ai, ở đâu?

13/12/2019 - 08:06

PNO - Nỗi đau thể xác, theo thời gian có thể sẽ lành, nhưng nỗi đau về tinh thần thì chẳng dễ. Nó rất cần được chia sẻ, được xoa dịu, nhưng ở Việt Nam, những dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.

Những câu chuyện đau lòng 

Chị Nguyễn Thị Hoa, 37 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, làm nhân viên kế toán tại TP.HCM. Khi vừa tốt nghiệp đại học, chị quen và yêu anh thợ làm nghề thiết kế - thi công quảng cáo rồi quyết định góp gạo thổi cơm chung. Nhưng hai năm mặn nồng mau qua. Người đàn ông của chị Hoa bộc lộ nhiều thói hư tật xấu, gia trưởng và ghen tuông vô cớ. Mỗi khi chị có việc phải đi giao dịch khách hàng, về khuya là anh chửi bới, đập phá rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay khiến chị nhiều phen thừa sống thiếu chết. 

Cảm thấy không thể chung sống mãi với một người chồng vũ phu như vậy, chị Hoa chủ động chia tay. Biết được ý định của chị, gã lại càng hung dữ. Chị Hoa phải nhờ gia đình vào tận nơi “giải cứu” về quê. “Vụ việc qua 5 năm rồi nhưng tôi vẫn luôn ám ảnh. Những khi trái gió trở trời, đầu tôi lại đau nhức. Cũng có người ngỏ lời yêu thương nhưng tôi vẫn thấy sợ, không dám mở lòng” - chị Hoa tâm sự.  

Tương tự là chị Hoàng Thanh Lê, 36 tuổi, quê ở Kiên Giang, làm việc trong lĩnh vực truyền thông. 18 năm trước, chị Lê lên TP.HCM học trung cấp nghề rồi quen biết anh T., một người khá điển trai và có trình độ. Mối tình ấy đã kết thúc có hậu với một đám cưới ngay sau khi ra trường. Bạn bè của Lê ai cũng ngưỡng mộ, chúc mừng. 

Nhưng khi về làm dâu, sinh con, Lê bắt đầu chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục. Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, Lê có quan hệ quen biết với nhiều người, nhiều giới, giờ giấc làm việc cũng không cố định. Nhưng chồng cô lại không thông cảm mà nổi máu ghen tuông. Hằng ngày, đi đâu, làm gì, chồng buộc cô phải báo cáo chi tiết. Anh ta cũng cấm cô tuyệt đối không được đi công tác qua đêm. Ám ảnh nhất là những lần đi làm về khuya, mệt rã rời, nhưng chồng cô vẫn lục tung lịch sử tin nhắn điện thoại của cô rồi chì chiết, tra hỏi... Không dừng lại ở tra tấn tinh thần, anh ta còn buộc vợ phải quan hệ thể xác bằng những cách thức bạo lực nhất. 

Ho tro nan nhan bao luc gioi: Ai, o dau?
Tại hội thảo khoa học “Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới với tiêu chuẩn quốc tế và thực tế tại Việt Nam”, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng, tiếp nhận và điều trị cho nạn nhân bạo lực giới
 

Sau 5 năm chịu đựng, chị Lê quyết định ôm con bỏ trốn, đổi số điện thoại, đổi chỗ làm. “Đến nay, dù đã bốn năm ly thân, nhưng tôi muốn ly hôn cũng không xong. Sau thời gian lùng sục khắp nơi để bắt mẹ con tôi về không được, anh ấy phao tin sẽ giết tôi, nếu có ý định ly hôn” - chị Lê tâm sự trong nước mắt.  

Tháng 6/2019, một bé gái 14 tuổi ở Tiền Giang được người cậu ruột đưa đến một bệnh viện ở TP.HCM để phá thai. Người cậu ấy cũng chính là thủ phạm hại đời cháu mình. Vụ án đã hoàn tất cáo trạng. Kẻ thủ ác rồi sẽ phải nhận bản án thích đáng. Thế nhưng hậu quả đối với nạn nhân thì thật khủng khiếp. Đó chính là chuỗi ngày tủi nhục, không thể trở về nơi sinh sống cũ. Hiện em đang được nuôi dưỡng ở một trung tâm bảo trợ. 

Hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới: còn yếu! 

Đầu tháng 12 vừa qua, một hội thảo khoa học với chủ đề “Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới với tiêu chuẩn quốc tế và thực tế tại Việt Nam” đã được tổ chức tại TP.HCM. Tại đây, các khía cạnh của bạo lực giới và nạn nhân của bạo lực giới như thực trạng, công tác hỗ trợ và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại Việt Nam… đã được phân tích, thảo luận rất kỹ nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy việc cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ nạn nhân.

Theo một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam công bố thì ở Việt Nam có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục hay tinh thần; 32% phụ nữ từng kết hôn đã phải chịu bạo lực thể chất; 10% phụ nữ bị bạo lực tình dục; 54% bị bạo lực tinh thần; 9% bị bạo lực về kinh tế; 35% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi một ai đó có thể là bạn tình hoặc không phải bạn tình; khoảng 10% phụ nữ tại Việt Nam cho biết họ đã từng bị một người khác không phải là chồng bạo hành từ khi họ 15 tuổi; tỷ lệ bạo lực do bạn tình gây ra cao gấp ba lần so với các đối tượng khác không phải là bạn tình; 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng chịu ít nhất một hình thức quấy rối tình dục nơi công cộng… Từ kết quả vừa nêu có thể thấy rằng: bạo lực giới có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong bất kỳ độ tuổi nào và diễn ra với nhiều hình thức khác nhau gây ra những hậu quả nghiêm trọng. 

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới gồm: dịch vụ chăm sóc y tế, dịch vụ hành pháp và tư pháp, dịch vụ xã hội. Bà Phan Thị Thu Hương - Phó chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa án nhân dân TP.HCM - cho biết: “Đối với những trường hợp bị bạo lực, khi họ đến tòa thường lo lắng, bất an về mặt tâm lý. Vì thế, Tòa án TP.HCM đã xây dựng mô hình “Tòa án thân thiện” với hình thức thể hiện là trong quá trình xét xử, những người tham gia đều ngồi ngang bằng với nhau, không có người trên kẻ dưới, để các nạn nhân tự tin đứng lên trình bày ý kiến của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ như: việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đối với nạn nhân còn hạn chế. Nhiều trường hợp người bị bạo lực giới không có khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, ví dụ như người bán dâm, nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới. Các cơ sở bảo vệ nạn nhân bạo lực giới như địa chỉ tin cậy cộng đồng, cơ sở bảo trợ xã hội… được thành lập nhưng chưa mở rộng cho các nhóm đối tượng bị bạo lực tình dục khác như phụ nữ bán dâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý ở các cơ sở vẫn còn thiếu và không hiệu quả. Thiếu cơ chế chuyển tuyến hiệu quả giữa các trung tâm trợ giúp này.

Thực tế khác là tỷ lệ nạn nhân tìm kiếm các biện pháp bảo vệ chính thức còn thấp, đặc biệt là nạn nhân bị quấy rối tình dục, bạo lực tình dục, do tâm lý e ngại, xấu hổ. “Tâm lý của người dân thường bỏ qua mỗi khi có bạo lực gia đình, họ không muốn tố cáo người thân hoặc nhiều người vợ âm thầm chịu đựng khi bị bạo hành. Đó cũng là một trong những khó khăn thường gặp trong quá trình ngăn cản bạo lực” - ông Đỗ Hùng Vương - điều phối viên dự án Planète Enfants & Développement - chia sẻ. 

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới gồm: dịch vụ chăm sóc y tế; dịch vụ hành pháp và tư pháp; dịch vụ xã hội. 

Dịch vụ chăm sóc y tế bao gồm các hoạt động như xác định người trải qua bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra, trợ giúp ban đầu, chăm sóc tổn thương và điều trị y tế khẩn cấp, kiểm tra có bị tấn công tình dục hay không; chăm sóc, đánh giá sức khỏe tâm thần và chăm sóc, lập hồ sơ (pháp y). 

Dịch vụ hành pháp và tư pháp bao gồm ngăn ngừa, tiếp xúc ban đầu, đánh giá hoặc điều tra, quá trình trước khi xét xử, quá trình xét xử, trách nhiệm của thủ phạm và đền bù, quá trình sau khi xét xử, an toàn và bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ, truyền thông và thông tin, phối hợp trong lĩnh vực tư pháp. 

Dịch vụ xã hội bao gồm thông tin về khủng hoảng, tư vấn khủng hoảng, đường dây hỗ trợ, nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ vật chất và tài chính, giấy tờ tùy thân, thông tin - tư vấn và đại diện về pháp luật, hỗ trợ và tư vấn tâm lý xã hội, thông tin - giáo dục và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, hỗ trợ để có được sự độc lập, phục hồi và tự chủ về kinh tế…

Hoài An - Phạm Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI