Câu chuyện từ nơi sâu thẳm nhất
Năm nay, không ít đạo diễn nữ chọn khai phá những đề tài nhạy cảm về giới tính, tuổi già, tình mẫu tử và bản sắc nữ…
Kristen Stewart - ngôi sao của loạt phim Twilight (Chạng vạng) khiến Cannes năm nay xôn xao với The Chronology of Water (tạm dịch: Niên đại của nước) - một bộ phim giàu cảm xúc về hành trình vượt lên nỗi đau, sự nghiện ngập và quyết tâm tự chữa lành, vượt qua định kiến và khẳng định quyền tự chủ của phụ nữ với cuộc đời mình. Kristen Stewart từng phát biểu: “Tôi sẽ không quay lại làm diễn viên cho đến khi hoàn thành bộ phim này” và cô đã thành công. Tác phẩm chuyển thể từ hồi ký của Lidia Yuknavitch đã nhận tràng pháo tay dài 6 phút, cho thấy sự đón nhận nồng nhiệt dành cho một tiếng nói mới của thế giới điện ảnh.
 |
Eleanor the Great - bộ phim đầu tay giàu cảm xúc của Scarlett Johansson |
Không riêng Stewart, nhiều nữ đạo diễn khác cũng chọn làm phim từ trải nghiệm cá nhân. Karavan (tạm dịch: Đường trường) của Zuzana Kirchnerová (Cộng hòa Séc) được truyền cảm hứng từ chính hành trình nuôi con khuyết tật của cô. Bộ phim là chuyến rong ruổi của một bà mẹ đơn thân cùng con trai trên chiếc caravan xuyên nước Ý - một cuộc “chạy trốn yêu thương” được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh mềm mại mà day dứt.
Còn Qui brille au combat (tạm dịch: Những người kỳ diệu) của Joséphine Japy (Pháp) là lời thủ thỉ từ người chị gái của một đứa em mắc hội chứng di truyền hiếm gặp. Câu chuyện được Japy viết bằng cả tình thương yêu bất tận và nỗi mặc cảm lặng thầm.
Scarlett Johansson - nữ minh tinh lừng danh Hollywood - đã ra mắt trong vai trò đạo diễn tại Cannes 2025 với bộ phim đầu tay Eleanor the Great (tạm dịch: Eleanor đại đế). Phim được trình chiếu trong hạng mục Un Certain Regard, kể về Eleanor Morgenstein - một góa phụ 94 tuổi. Sau cái chết của người bạn thân, bà giả là một người sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust của Đức quốc xã để tìm kiếm sự kết nối trong cộng đồng. Johansson bị thu hút bởi kịch bản vì mong muốn khám phá các chủ đề về sự tha thứ và đồng cảm trong một xã hội ngày càng thiếu sự thấu hiểu. Câu chuyện giàu tính nhân văn khiến khán giả có mặt trong buổi chiếu xúc động. Đây là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của Johansson, đánh dấu sự chuyển mình từ vai trò diễn viên sang đạo diễn.
Alice Douard (Pháp) trong Love Letters (tạm dịch: Những bức thư tình) lại chọn một góc nhìn rất đặc biệt: người mẹ trong một cặp hôn nhân đồng tính nữ. Bộ phim khai thác chủ đề tình mẫu tử trong bối cảnh hôn nhân đồng giới, đặt ra những câu hỏi về sự công nhận pháp lý và cảm xúc trong gia đình hiện đại. Với cách tiếp cận tinh tế, chân thực, phim vừa là câu chuyện về tình yêu và gia đình vừa là lời kêu gọi về sự công nhận và bình đẳng. Một câu chuyện rất hiện đại, kể bằng giọng văn nhẹ tênh mà đau đáu những điều chưa được gọi tên trong xã hội hôm nay.
Không thể không nhắc đến Mama của Or Sinai (Israel). Bộ phim là bản mở rộng từ phim ngắn Anna (2016) của cô, từng giành giải Nhất tại Cinéfondation Cannes. Mama kể về Mila - một phụ nữ Ba Lan đã dành 15 năm làm người giúp việc tại Israel để gửi tiền về chăm lo gia đình. Khi bị tai nạn và buộc phải trở về quê nhà, Mila nhận ra sự hy sinh của mình không được đền đáp như mong đợi. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện của một người giúp việc nhập cư từng làm việc cho gia đình Or Sinai.
Mama nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình, được khen ngợi vì cách tiếp cận tinh tế, chân thực trong việc khai thác đề tài di cư, gia đình và bản sắc cá nhân.
Bản lĩnh của những người kể chuyện
Sự xuất hiện của những nữ đạo diễn với tác phẩm đầu tay tại Cannes 2025 không phải trào lưu nhất thời. Đó là minh chứng rõ ràng cho sự mở rộng biên giới trong điện ảnh. Ở đó, giới tính của đạo diễn không còn là rào cản, mà trở thành cơ hội để nhìn thế giới qua một lăng kính khác - sâu sắc, đa cảm nhưng không kém phần táo bạo.
 |
2-Mama có cách tiếp cận tinh tế và chân thực trong khai thác chủ đề di cư, gia đình và bản sắc cá nhân |
Về phim đầu tay của những nữ đạo diễn, các tờ báo chuyên ngành nhận định: Điểm chung của các nữ đạo diễn tại Cannes năm nay là kể những câu chuyện rất riêng nhưng lại chạm được vào cảm xúc rất nhiều người. Không chọn các sự kiện lớn, không phải bom tấn, không chiến đấu với những bối cảnh khiến người xem choáng ngợp, họ đi vào ngóc ngách của cuộc sống, đôi khi giản dị như một cái ôm muộn màng, một ánh mắt bất an hay câu hỏi “Mình có xứng đáng được yêu?”… Chỉ vậy thôi nhưng lại khiến khán giả lặng người.
Ngoài những tên tuổi đã có nền tảng trong ngành giải trí, Cannes 2025 còn là nơi “chạm ngõ” của nhiều đạo diễn nữ rất trẻ. Trong số đó có Prïncia Car (26 tuổi, Pháp) với Les Filles Désir. Các đạo diễn trẻ đa phần chọn đưa đời sống giới trẻ, đời sống đô thị, bệnh tật, tình yêu… lên màn ảnh bằng sự dũng cảm, thông minh và khí chất rất riêng của thế hệ mình.
Đằng sau những câu chuyện ấy là sự dũng cảm: lắng nghe chính mình, kể ra điều từng bị che giấu, làm phim theo cách riêng - không khuôn mẫu, không phục tùng bất kỳ sự kỳ vọng nào. Sự hiện diện của họ tại Cannes năm nay không phải một chiến thắng mang tính phong trào mà là kết quả của quá trình làm nghề nghiêm túc, sáng tạo và bản lĩnh.
Minh Phát