Phim “gây bão” có phải là phim hay?

25/05/2025 - 19:29

PNO - Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường giải trí hiện nay, nhiều nhà sản xuất phim truyền hình Việt chọn cách đánh vào cảm xúc để giữ chân khán giả. Từ đây, hình thành xu hướng “gây bão”, tạo tranh cãi để thu hút người xem.

Sự ồn ào của dư luận về một bộ phim nào đó đang được nhiều nhà sản xuất (NSX) coi là thành quả. Không ít đạo diễn, biên kịch đã tận dụng điều đó để đẩy tình tiết lên cao trào bất chấp tính logic và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Gần nhất là Hạnh phúc bị đánh cắp. Bộ phim vừa khép lại tối 20/5 với 5 tỉ lượt xem trên các nền tảng số như YouTube, VieON, TikTok… đồng thời nhận về làn sóng chỉ trích từ khán giả khi xây dựng nhân vật phản diện quá phi lý. Dù độc ác, gian xảo, dối trá nhưng nhân vật ấy luôn gặp may mắn, được nhiều người yêu thương, tin tưởng một cách mù quáng. Trong khi đó, nhân vật hiền lành, trung thực, sống rất tình nghĩa luôn bị đẩy vào tình huống bất công. Càng xem, khán giả càng bức xúc không phải vì xúc động hay đồng cảm mà vì cảm thấy bị dồn nén, thậm chí là bị “chơi khăm” cảm xúc. Trên mạng xã hội, những bình luận như “phim vô lý như tấu hài”, “xem phim cảm thấy bị đánh cắp cả logic và kiên nhẫn” xuất hiện rất nhiều.

Hạnh phúc bị đánh cắp bị chỉ trích  vì cách xây dựng tình huống, nhân vật phi lý, khiên cưỡng
Hạnh phúc bị đánh cắp bị chỉ trích vì cách xây dựng tình huống, nhân vật phi lý, khiên cưỡng

Tương tự là Trạm cứu hộ trái tim - bộ phim có lượt xem cao trong năm 2024. Phim xây dựng một chuỗi biến cố đầy bi kịch: ngoại tình, lừa dối, mất con, trả thù. Thay vì tạo sự đồng cảm, phim khiến người xem mệt mỏi vì tình tiết ngày càng vô lý: bác sĩ bỏ mổ giữa chừng vì chuyện cá nhân, xét nghiệm ADN sai… Không ít khán giả bày tỏ sự bất bình vì phim “chạy theo drama mà quên mất logic tối thiểu”. Tuy vậy, các tranh cãi này lại đẩy Trạm cứu hộ trái tim lên tốp tìm kiếm, giúp phim lọt vào danh sách đề cử VTV Awards 2024, thậm chí vượt cả những tác phẩm chính luận được đánh giá cao về chất lượng.

Điểm chung của các phim này là càng nhiều tranh cãi, lượt xem càng tăng. Điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu lượng xem cao có đồng nghĩa với chất lượng cao? Câu trả lời - theo nhiều nhà chuyên môn - là “không hẳn”. Đạo diễn Đinh Thái Thụy từng nhận định rằng phim có thể gây tranh luận tích cực nếu nội dung mới mẻ, nhân vật có chiều sâu. Song nếu phim chỉ dựa vào những tình tiết giật gân, thiếu hợp lý để “câu view” thì sớm muộn cũng khiến khán giả quay lưng.

Sự bùng nổ của các trích đoạn cao trào đăng trên mạng xã hội (cảnh tát, xô xát, lời thoại gây sốc…) vô tình biến những khoảnh khắc đó thành công cụ viral (lan truyền) hiệu quả. Các fanpage cắt ghép, chia sẻ và thu hút hàng triệu lượt tương tác. Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng này là sự thật: nhiều người không xem hết phim mà chỉ biết đến vài phân đoạn gây ồn ào. Phim trở nên nổi tiếng vì thị phi chứ không phải vì nội dung sâu sắc hay thông điệp tử tế. Dư luận có thể giúp một bộ phim lan tỏa nhanh hơn nhưng điều còn lại sau cùng không phải là một câu chuyện sâu sắc để suy ngẫm mà là cảm giác bị dẫn dắt bởi drama phi lý.

Ở góc độ truyền thông, việc tạo drama không sai. Đó là công cụ giúp sản phẩm lan tỏa nhanh hơn. Nhưng nếu drama trở thành mục tiêu duy nhất, sản phẩm nghệ thuật sẽ dần mất đi linh hồn, trong khi nghệ thuật vẫn cần sự trung thực trong cảm xúc và trách nhiệm với người xem.

Thành công thực sự của một bộ phim không nằm ở số lượt xem hay những trào lưu nhất thời mà ở cảm xúc và sự đồng hành của khán giả sau khi phim khép lại. Tranh cãi có thể tạo hiệu ứng tức thời nhưng để phim thực sự sống lâu trong lòng khán giả vẫn cần đến cốt truyện tử tế, nhân vật được xây dựng có chiều sâu. Đó là điều không chiêu trò nào có thể thay thế.

An Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI