Về nhà thôi

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng: Neo giữ văn hóa, neo giữ con người

03/02/2022 - 06:43

PNO - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng hiện là Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi; Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế Tuệ Đức - Vabis, Tổng Giám đốc và sáng lập Tập đoàn Công nghệ Khai Minh; giảng viên thỉnh giảng các chương trình cao học, đại học cho hơn 20 trường trên cả nước.

Ông cũng là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Chất lượng Cần Thơ (hỗ trợ doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long), Phó Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM; thành viên hội đồng giáo dục và chứng nhận Hội Chất lượng châu Á; ông hiện cũng là giảng viên chương trình CEO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Anh - British Council, Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp, Viện Công nghệ và Tài chính, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam, Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam…

Tôi hẹn gặp ông vào một sáng cuối tuần tại khuôn viên nhà ông, trong một khu vườn đậm chất Huế. Câu chuyện theo dự kiến ban đầu sẽ nói về nghệ thuật thu nhỏ (miniature art), về các kiến trúc thu nhỏ cố đô Huế đưa về sân nhà của ông, về những giá trị văn hóa mà ông đã tự mình nghiên cứu. Nhưng cuối cùng, chúng tôi lại nói với nhau về giáo dục, về nền tảng đạo đức trong mỗi gia đình, mỗi lớp học; về những giấc mơ học thật, làm thật đầy cảm hứng…

Dựng quê hương với tình yêu 

Năm 2007, những người yêu Huế xôn xao khi ông lần đầu giới thiệu công trình kiến trúc thu nhỏ của mình về xứ Huế. Một công trình ông đã mất đến bảy năm mới hoàn thành. Trước đó, lúc còn đang học cao học tại Úc, nghe tin mẹ già yếu, điều ông lo lắng nhất là nếu lỡ mẹ có mệnh hệ gì, mình lại ray rứt cả đời. Về nước, với tấm bằng thạc sĩ công nghệ - một tấm bằng thực sự khan hiếm lúc bấy giờ - điều ông mong muốn đầu tiên là làm cho mẹ một món quà tinh thần để bà có thể đỡ nhớ quê hương. Và ông mang xứ Huế về nhà mình.

Bắt đầu cho công trình ấy là những chuyến xe Sài Gòn - Huế - Sài Gòn liên tục mỗi tháng, chỉ để tìm kiếm tài liệu, để hiểu và cảm quê hương bằng trái tim mình. Càng tìm hiểu, ông càng quyết tâm phải phục dựng toàn bộ kinh thành Huế, không được thiếu một kiến trúc nào, để nhiều người có thể biết trọn vẹn về Huế hơn. Huế thu nhỏ đã ra đời như thế, từ sự hiếu thuận của ông với ba mẹ, từ tình yêu dành cho quê hương và từ ý niệm lưu giữ cho con cháu một công trình đúng nhất về Huế.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng  (thứ hai, từ phải sang)  cùng người thân bên công trình  cố đô Huế thu nhỏ
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng (thứ hai, từ phải sang) cùng người thân bên công trình cố đô Huế thu nhỏ

Công trình kiến trúc Huế thu nhỏ ấy vẫn được mọi người kể lại như một món quà ông dành tặng mẹ mình. Nhiều người biết mẹ ông chính là người khai sinh ra quán bún bò Ngọc Dung nổi tiếng khắp Sài Gòn và các tỉnh lân cận, nhưng ít ai biết bà là một ca sĩ, đoạt giải tại một cuộc thi hát tổ chức ở đình Thương Bạc (Huế) năm 1953, từng lên sóng phát thanh thuở ấy hát cùng ca sĩ Thanh Thúy. Nên ý tưởng đầu tiên của ông trong các công trình thu nhỏ Huế chính là đình Thương Bạc, một ký ức đẹp trong cuộc đời của mẹ ông. Ông muốn mẹ mỗi ngày khi nhìn thấy hình ảnh này, trong bà sống dậy một hình ảnh đẹp, vui và cả những mộng mơ. 

Từ đình Thương Bạc, cung đình Huế sống động được ông phục dựng đầy đủ, cả những công trình đã không còn vì sự nghiệt ngã của thời gian, với tỷ lệ 1/700. Điều đặc biệt, tuy chỉ là công trình thu nhỏ nhưng nét kiến trúc mẫu mực cung đình Huế được ông khắc chạm không thiếu chi tiết nào. Từ những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát của Hoàng thành đến những chi tiết tỉ mỉ như mái nhà, mái diềm, hoa văn… đều tinh xảo, sống động, khiến người ta có cảm giác như đang đứng trước một kinh thành Huế cổ kính.

Trong sân nhà ông, khi đứng trước cửa kinh thành, nhìn bao quát khắp nơi, cứ ngỡ như chúng ta đang đứng trên núi Ngự Bình phóng tầm mắt nhìn khắp nơi như nhìn thấu cả một vùng kinh thành hoa lệ. Nguyên công trình được bao bọc bởi dòng Hương Giang thơ mộng, với cầu Trường Tiền bắc ngang. Đứng ngay dưới chân cầu mà nghe ông thuyết minh về từng di tích, từng dấu ấn lịch sử, cứ ngỡ trăm năm vọng về đâu đó…

Suốt buổi gặp gỡ, trong câu chuyện về công trình kiến trúc này, ông luôn nhắc về hai chữ văn hóa. Là người làm việc hầu hết các nơi trên thế giới, được diễn tả bằng câu đùa “thời gian ngồi trên máy bay, ở khách sạn nhiều hơn ở nhà”, ông càng thấm thía hơn hai từ văn hóa và giá trị của nó. Giữ gìn văn hóa chính là giữ gìn mọi rường cột. Như trong nhà ông, anh chị em vẫn giữ phong tục chúc tết mừng tuổi xa xưa trong đêm giao thừa, ông muốn các con cháu lớn lên trong không khí đậm chất văn hóa này, để có đi đâu cũng không quên quê cha đất tổ.

Nghe theo lời thôi thúc của chính mình

Tốt nghiệp cao học ngành viễn thông, ông được đề nghị ở lại làm việc tại Úc cùng mức thu nhập cao gấp vài chục lần so với ở Việt Nam. Nhưng ông dường như định vị sẵn trong lòng mình từ trước, là phải về quê hương, xây dựng cho đại gia đình mình một truyền thống, một nếp nhà; về ăn bữa cơm quây quần cùng nhau cuối tuần, về phụng dưỡng cha mẹ tuổi già. Không cần so sánh được mất, ông trở về. Sau này, có bao lần phải đến các nước khác dài ngày vì công việc, thì tự thẳm sâu bên trong ông, vẫn là tiếng gọi về nhà.

Ông hay đùa, hải quan xuất nhập cảnh dường như quen mặt ông, vì cứ đầu tuần lại xuất cảnh, cuối tuần lại bay về. Có những chuyến bay ngắn sang các nước Đông Nam Á, ông cứ sáng đi chiều về, đến nỗi passport phải thêm sổ dày gấp đôi vì hết chỗ đóng dấu nhập cảnh. 

Giới công nghệ cả nước vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông sang Mỹ một mình, chỉ với khát khao mang công nghệ sản xuất ổ cứng về Việt Nam, vào những năm mà Việt Nam chưa phải là thị trường được Mỹ và các nước ưu tiên chọn để đầu tư. Sau “cuộc chiến” với 12 nước khác, ông vào chung kết với ba nước bạn. Bài toán đặt ra lúc đó là làm thế nào để chiến thắng, trong khi xét về tiềm lực kỹ thuật thì mình hầu như không có gì nổi trội hơn, công nghệ lại càng thua kém người ta. 

“Tôi nhờ vào một cuốn dư địa chí về miền Nam Việt Nam, ra đời từ thời Pháp”, ông nói. Trong cuốn sách đó, khu vực đồi Thủ Đức có địa thế cao nhất Sài Gòn, ít bị ngập nếu như thành phố gặp lụt. Đó là chi tiết để bài thuyết trình của ông ghi dấu ấn trước hội đồng, vì nếu như ở đó bị ngập lụt, thì các thành phố khác của các nước bạn sẽ ngập rất sâu. Ngay lập tức, Tập đoàn Seagate (Mỹ) chọn ông để trao trọng trách xây và phát triển nhà máy lớn này tại TP.HCM.

Dư chấn của trận lụt năm 2009 tại các nước Đông Nam Á là nỗi ám ảnh của các công ty công nghệ, họ đã mất đến ba năm để phục hồi. Thế nên, chi tiết dù nhỏ này đã hoàn toàn thuyết phục họ, và câu chuyện mang nhà máy sản xuất ổ cứng Seagate BET về Việt Nam là câu chuyện đầy tính lịch sử như thế.

Sự am hiểu về địa lý, lịch sử cũng chính là lý do để Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Seagate - một người rất mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các quốc gia - vô cùng coi trọng ông. Trong những chuyến công tác đến Việt Nam của vị phó chủ tịch này, cuộc trò chuyện giữa hai người lần nào cũng kéo dài rất lâu, về lịch sử Việt Nam, về triều Nguyễn…

Nhờ mối thiện cảm đồng điệu này, ông đã nhận được hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo Tập đoàn Seagate, giúp cho dự án thành công ở Việt Nam. Đây là bài học cho ông nhiều suy ngẫm nhất về tầm quan trọng của việc lưu giữ văn hóa, rằng đôi khi chúng ta suy nghĩ nhiều điều rất lớn lao, nhưng thu phục lòng người lại nằm ở những chi tiết giản đơn như thế. Với ông, những người mê tìm hiểu lịch sử, nâng niu những ngày xưa, chắc chắn là những người tốt đẹp. Vì hơn ai hết, họ hiểu và trân quý dòng chảy của thời gian, nên biết tôn trọng hiện tại. Đó là lý do càng đi nhiều, càng sống lâu ở các quốc gia, ông lại mong muốn làm gì đó nhiều hơn cho đất nước, đặc biệt là thế hệ trẻ…

Đi tìm một mô hình giáo dục khác biệt

Đó là một giấc mơ thật lớn trong muôn vàn giấc mơ ông neo trong lòng mình. 20% lương hằng tháng từ Seagate BET, ông trích ra để vận hành một ngôi trường lạ đời khi ấy - ngôi trường không thu học phí. Ngôi trường đó dạy những thứ mà ông nghĩ một đứa trẻ cần có để phát triển tốt về tư duy, cảm xúc là hội họa, âm nhạc, thể thao… và những bài học làm người. Hơn ai hết ông hiểu, sự thành công của bản thân ông trong công việc xuất phát từ nền tảng giáo dục. Nền tảng giáo dục ấy cho ông ý thức rèn giũa, hiểu về sự hiếu thuận và đam mê học lịch sử, địa lý… những điều giúp ông gầy dựng tên tuổi khắp nơi. Ông muốn, đúng hơn là ông mơ, các thế hệ sau này thấm nhuần tư duy đó.

Nên, bỏ ngang công việc thu nhập rất cao do chính mình dốc lòng mang về Việt Nam, ông rẽ ngang đi làm giáo dục.
Có trò chuyện cùng ông, nghe ông chia sẻ mới hiểu, mọi thứ rối rắm nhất của cuộc đời bỗng được hóa giải gọn gàng bằng tư duy “đi từ đạo đức” mà ông thường nhắc đến là như thế nào. Ở đó, toán hóa sinh, song ngữ chuyên ngữ… không chỉ là câu chuyện của các công thức hay nguyên lý, mà còn là không gian kết nối, không gian được chạm vào tầng sâu nhất bên trong của mình. 

Các chuyến đi chia sẻ về quy luật phát triển bản thân ở khắp các tỉnh, thành của ông, cứ thế mà nối tiếp, với chi phí 0 đồng. Ông đi từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông đến Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Sơn La… theo lời mời của các lãnh đạo tỉnh, sở, ngành. Hỏi ông có mệt không, ông chỉ cười. Với ông, đây không chỉ là câu chuyện hiện thực hóa giấc mơ giáo dục của mình, mà còn là sứ mệnh, được biểu thị bằng dự án “Xây dựng ngôi trường hạnh phúc” với việc đưa giá trị tỉnh thức (trí tuệ cảm xúc) vào trong từng lớp học.

Những tháng ngày nghỉ dịch ở nhà, mỗi sáng ông bắt đầu từ 5g với hàng ngàn các doanh nhân theo học trực tuyến. Với đối tượng này, ông mang giấc mơ về CSR (Corporate Social Responsibility) - trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp. Ông giúp các doanh nhân có một cái nhìn đúng về CSR, hiểu và vận hành CSR với triết lý văn hóa doanh nghiệp được xây từ gốc rễ, mọi điều phải đi ra từ bên trong. 

Đến hiện tại, đã có hơn bảy triệu người Việt Nam từng được nghe ông chia sẻ những câu chuyện xoay quanh việc “nuôi dưỡng đạo đức mỗi ngày” - từ khóa của đời ông và cũng là tên của quỹ học bổng do ông sáng lập và vận hành được hơn sáu năm qua.

Và cứ như thế, hành trình của ông vẫn tiếp tục mỗi ngày, cho các giấc mơ về công nghệ, quản lý chất lượng, nâng cao năng suất lao động, những nhận thức giáo dục mang tính khai phóng… Trong mỗi giấc mơ đó, hình ảnh Việt Nam rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, một cách khác biệt và bản sắc… 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI