Thực hiện nhiều giải pháp để tăng lương, phát triển nhà ở xã hội

08/11/2022 - 06:02

PNO - Chiều 5/11, kết thúc phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đánh giá, đã có nhiều ý kiến, tranh luận sôi nổi về các vấn đề mà dư luận quan tâm, như tinh giản biên chế, chất lượng lao động trong khu vực công, tình trạng viên chức nghỉ việc hàng loạt, những bất cập trong bảng lương công chức, viên chức…

Ưu tiên nhân sự cho giáo dục, y tế 

Trong phiên chất vấn, các đại biểu đã nêu tình trạng giao định mức biên chế khiến nhiều địa phương, điểm trường, điểm lớp thiếu giáo viên. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nói, năm 2022, tỉnh Đắk Lắk thiếu khoảng 1.700 giáo viên. Bà cho rằng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. 

Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thời gian tới, phải sửa đổi định mức giáo viên cho phù hợp: “Rất khó đưa ra định mức nếu căn cứ theo từng điểm trường. Chúng tôi rất mong các địa phương cố gắng sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống trường liên cấp, rồi dồn bớt các điểm trường lẻ”. Bà cũng lưu ý, việc rà soát, sắp xếp của các địa phương phải giúp trẻ có được điều kiện học tập tốt nhất, thuận tiện nhất và các giáo viên cũng đỡ vất vả nhất.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời nhiều câu hỏi về tình hình giáo viên, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyện tinh giản biên chế…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời nhiều câu hỏi về tình hình giáo viên, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyện tinh giản biên chế…

Đại biểu Tao Văn Giót (tỉnh Lai Châu) cho rằng, việc tinh giản biên chế còn cào bằng, cơ học, dẫn đến thiếu hụt nhân sự cục bộ. Ông thắc mắc, chính sách này có tác động thế nào tới việc tăng lương cơ sở, bảo đảm công chức đủ sống bằng tiền lương? 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, tinh giản biên chế là nhằm cải cách bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng lương cho người đang làm việc trong bộ máy. Từ năm 2019 đến nay, Chính phủ đã tiết kiệm trên 25.000 tỷ đồng từ việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. Đây chính là nguồn tài chính để tăng lương. 

Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cải cách hành chính. Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cũng phải thực chất. 

Ông nói: “Riêng với ngành giáo dục và y tế, Chính phủ rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ nhân sự để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc có học sinh là phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân là phải có cán bộ y tế”.

Không để nhà ở xã hội mau xuống cấp

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, dù đã được quan tâm nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mới chỉ có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu là 12,5 triệu m2 và quỹ đất dành cho nhà ở xã hội hiện chỉ đáp ứng được 36,34% yêu cầu. 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu giải pháp, sẽ tập trung triển khai có hiệu quả đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân. Đề án này chia làm hai giai đoạn: từ năm 2021-2025, hoàn thành khoảng 570.000 căn, đáp ứng khoảng 46% nhu cầu; từ năm 2025-2030, hoàn thành khoảng 845.000 căn, đáp ứng khoảng 73% nhu cầu. 

Để thực hiện hiệu quả đề án, ông cho biết, sẽ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, xác định quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề xuất có cơ chế mở trong triển khai nhà ở xã hội
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đề xuất có cơ chế mở trong triển khai nhà ở xã hội

Đánh giá cao những giải pháp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về phát triển nhà ở xã hội nhưng đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, nên có những quy định “mở” về điều kiện xây dựng khu nhà ở xã hội. Theo bà, nên kiểm soát quy hoạch, diện tích nhà ở xã hội theo chỉ tiêu được phân bổ, theo tổng thể chứ không nên theo từng dự án cụ thể. Để xây dựng nhà ở xã hội, phải có quy hoạch đồng bộ về kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm những điều kiện tối thiểu để không chênh lệch quá lớn so với các khu nhà ở thương mại. 

Bà cảnh báo, nếu không triển khai tốt, sẽ xảy ra tình trạng nhà ở xã hội mau xuống cấp, phải liên tục chỉnh trang, sửa chữa: “Những giải pháp đưa ra phải có lộ trình, thời gian để thực hiện và hướng đến sự bền vững. Tuy nhiên, có những giải pháp cần thực thi ngay để hạn chế dự án treo, quy hoạch treo, văn bản quy phạm pháp luật treo”. 

Minh Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI