Thừa Thiên - Huế: Một thủy điện phớt lờ yêu cầu chống bão số 13

14/11/2020 - 08:07

PNO - Trong lúc tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão số 13 thì một thủy điện phớt lờ yêu cầu này, ngang nhiên tích nước.

 

Phớt lờ các yêu cầu từ huyện đến tỉnh, thủy điện Thượng Nhật vẫn duy trì đóng 5 cửa van và tích nước tại hồ. Sự việc đã lực lượng Công an xã Thượng Nhật (huyện miền núi Nam Đông) phát hiện vào ngày 13/11. 

Trước đó, theo công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 12/11, những hồ chứa chưa được phép vận hành như thủy điện Thượng Nhật phải duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ. 

Nhà máy thủy điện Thượng Nhật vẫn ngang nhiên tích nước
Nhà máy thủy điện Thượng Nhật vẫn ngang nhiên tích nước

Thượng Nhật là vùng có nguy cơ sạt lở đất rất cao. Trước hành vi tích nước trái phép và nguy hiểm này, UBND xã Thượng Nhật đã có văn bản đề nghị UBND huyện Nam Đông xử lý, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động của nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - cho biết thêm, lực lượng chức năng địa phương hiện chưa thể vào được nhà máy thủy điện. UBND huyện Nam Đông vừa có văn bản kiến nghị khẩn lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để có biện pháp xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư thủy điện này. 

Sáng 14/11, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, các đơn vị chức năng của tỉnh đang xem xét để cưỡng chế, xử lý nghiêm đối với thủy điện Thượng Nhật, buộc thủy điện này phải chấp hành các quy định về phòng chống lụt bão. 

Công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW. Hồ chứa thủy điện này hiện chưa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép tích nước vận hành.

Cùng nhiều giải pháp khác phòng chống bão số 13, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang khẩn trương sơ tán 19.671 hộ, với 65.890 nhân khẩu ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà không kiên cố… đến nơi ở an toàn. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, đến 10g ngày 14/11 việc sơ tán dân phải xong. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, bắt đầu từ 18g ngày 14/11, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà cho đến khi có thông báo mới.

Lực lượng chức năng xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) di dời người dân vùng hạ du sông Hương đến nơi an toàn trong đêm 13/11
Lực lượng chức năng xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) di dời người dân vùng hạ du sông Hương đến nơi an toàn trong đêm 13/11.

Tính đến sáng 14/1, hoàn lưu bão số 12 đã khiến ít nhất 3 người tại Huế chết, do gặp nạn trong quá trình di chuyển. Cụ thể sáng 13/11, ông T.Q.H. và Tr.Q.C. trú tại thôn An Xuân, xã Quảng An (huyện Quảng Điền) dùng xe công nông chở anh T.Q.T. (con của ông T.Q.H.) đi làm ở bệnh viện và em H. (sinh viên năm 2, khoa Du lịch - Đại học Huế) đi học. Khi xe đến đoạn đường liên thôn Mỹ Xá - Phước Thanh của xã Quảng An thì bị lật xuống ruộng. 

Tài sản của người dân thôn tái định cư Quy Lai xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) được đưa đến Trường THCS Phú Thanh trong tối 13/11
Tài sản của người dân thôn tái định cư Quy Lai xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) được đưa đến Trường THCS Phú Thanh trong tối 13/11.

Lúc này, lực lượng công an và cán bộ ban chỉ huy phòng chống bão lụt của xã đang đi kiểm tra gần đó đã nhanh chóng ứng cứu nhưng chỉ cứu được 3 người. Riêng em T.T.N.H. do bị đè nặng và ngạt nước nên không qua khỏi.

Ngoài ra tại huyện Quảng Điền còn có trường hợp bà Hoàng Thị Th. (48 tuổi, trú tại tổ dân phố Khuông Phò Nam, thị trấn Sịa) trong lúc dọn dẹp nhà cửa thì bị tường nhà sập, đè lên người khiến bà bị thương nặng. Nguyên nhân tường đổ sập là do nước lũ ngâm kéo dài dẫn đến bị mục.

Di tích Nghinh Lương Đình đã được buộc chặt dây để  
Di tích Nghinh Lương Đình đã được buộc chặt dây để  phòng tránh bão Vamco

 

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI