Điều tra tiêu cực ở Đội quản lý thị trường 12B TP.HCM - Bài 3: Những hồ sơ… lấp lửng, hàng thanh lý giá bèo

10/05/2019 - 06:40

PNO - Trong tháng 3 và 4/2019, qua theo dõi hoạt động của Đội Quản lý thị trường 12B-TP.HCM, chúng tôi nhận thấy ngay cả những cơ sở kinh doanh may quần áo nhỏ trên địa bàn Q.12 cũng bị lực lượng này kiểm tra, tạm thu giữ hàng.

Tuy nhiên, số hàng hóa tạm giữ nhanh chóng được… trả lại.

Dễ phát sinh tiêu cực

Hai vụ kiểm tra và thu giữ mặt hàng quần áo may mặc gần nhất do Đội Quản lý thị trường (QLTT) 12B thực hiện mà chúng tôi ghi nhận được gồm một trường hợp ở khu phố 4 và một trường hợp ở đường Phan Văn Hớn, cùng thuộc P.Tân Thới Nhất (Q.12).

Tại cơ sở kinh doanh may thêu của bà N.L., khu phố 4, đoàn kiểm tra của Đội QLTT 12B lập biên bản đề nghị ban hành quyết định tạm giữ hàng chục bao quần áo đã may sẵn. Tại cửa hàng trên đường Phan Văn Hớn, đoàn kiểm tra của Đội QLTT 12B cũng lập biên bản đề nghị tạm giữ khoảng 20 bao đựng quần áo các loại.

Dieu tra tieu cuc o Doi quan ly thi truong 12B TP.HCM - Bai 3: Nhung ho so… lap lung, hang thanh ly gia beo
Một căn nhà quy mô như biệt thự của ông Khánh Hùng nhưng chỉ kê khai là nhà cấp 4

Tại thời điểm kiểm tra, trong hai trường hợp trên, một trường hợp có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và một trường hợp có xuất trình một số tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đang hoạt động nhưng chưa xuất trình được một số chứng từ liên quan về hàng hóa nên bị đề nghị tịch thu hàng. Tuy nhiên, số quần áo mà Đội QLTT 12B đề nghị tạm giữ để xử lý đều thể hiện đơn vị tính là bao, không thể hiện số lượng cụ thể.

Trao đổi với chúng tôi, chủ một cửa hàng quần áo cho biết, số hàng hóa này đã được trả lại sau đó. “Tại thời điểm kiểm tra do không có sẵn hồ sơ, hóa đơn chứng từ tại cửa hàng để cung cấp cho đoàn kiểm tra nên họ tạm giữ hàng. Sau khi cung cấp đủ chứng từ thì họ trả lại hàng”, chủ cửa hàng giải thích.

Người mua hàng thanh lý là ai?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người mua lô hàng thanh lý của Đội QLTT 12B với giá 179 triệu là ông Bùi Văn T. chủ hộ kinh doanh có cơ sở ở đường Giang Cự Vọng (tổ 51, khu phố 3, P.Trung Mỹ Tây, Q.12). Dù đăng ký cơ sở kinh doanh tại địa chỉ trên nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, rất nhiều lần chúng tôi tìm đến địa chỉ này đều thấy cơ sở không có biển báo và thường xuyên đóng kín cửa. Được biết, ông T. có quan hệ khá thân thiết với ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT 12B.

Theo nhận định của những người am hiểu về lĩnh vực QLTT, việc thu giữ hàng hóa tính bằng bao, không ghi rõ số lượng cụ thể có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý. “Việc kiểm tra, tạm giữ hàng như thế là cách làm lấp lửng, có dấu hiệu lạm quyền. Bởi vì theo quy định tại khoản 9, điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp tạm giữ tang vật trong biên bản phải ghi rõ tên hàng, số lượng, tình trạng của tang vật… chứ không thể ghi chung là bao quần áo…”, một vị giải thích thêm.

Qua tìm hiểu các vụ việc do Đội QLTT 12B thực hiện trước đó, chúng tôi nhận thấy cách làm như trên không phải ngoại lệ. Điển hình là vụ kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke của Phúc XO (tên đầy đủ là Công ty TNHH Giải trí sóng âm XO) số 29 Trường Chinh (P.Tân Thới Nhất, Q.12) vào giữa năm 2018. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT 12B có thu giữ nhiều loại giấy tờ cho vào một tệp nhựa niêm phong. Tuy nhiên, sau đó, tập hồ sơ này biến mất, phía cơ sở kinh doanh của Phúc XO không được trả lại tài liệu này và tập hồ sơ cũng không thấy chuyển cho các đơn vị liên quan.

Trao đổi với chúng tôi, một vị cán bộ từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực QLTT cho biết, việc thu giữ giấy tờ các điểm kinh doanh giải trí (như quán karaoke của Phúc XO) thường nhằm mục đích làm rõ có gian lận thuế hay không để xử lý. Sau đó, nếu xác định không có dấu hiệu trốn thuế thì trả lại cho chủ cơ sở, còn nếu có dấu hiệu trốn thuế thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra xử lý. “Việc lấy giấy tờ niêm phong nhưng sau đó không giao lại cho cơ sở, cũng không giao cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan là bất thường, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ. Việc này rất dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực như chung chi tiền để không bị xử lý sai phạm…”, ông nhận định thêm.

Hàng tịch thu thanh lý giá bèo

Đối với hàng hóa Đội QLTT 12B tịch thu, theo tìm hiểu của chúng tôi, số hàng thanh lý bán đấu giá không nhiều và thường bán với giá rất rẻ. Đơn cử, vào đầu năm 2018, nhiều hàng hóa do Đội QLTT 12B tịch thu được bán thanh lý gồm: 90 đầu máy may, 20 máy công cụ (máy khoan cắt…), 1.850 cái nón len, 28 thùng ly thủy tinh (loại 48 cái/thùng), 146 cục nóng lạnh, 7.000kg vải khúc… chỉ với giá 179 triệu đồng.

Lấy thông tin từ “Bản kê chi tiết hàng hóa” ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-QLTT 12B ngày 5/2/2018 đến khảo sát ở một số doanh nghiệp và đối chiếu trên thị trường, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm đáng ngờ. Với 90 đầu máy may công nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc (đã qua sử dụng) theo giám đốc một công ty chuyên về may thêu ở TP.HCM, việc liệt kê danh mục như trên không rõ ràng nên rất khó định giá.

Dieu tra tieu cuc o Doi quan ly thi truong 12B TP.HCM - Bai 3: Nhung ho so… lap lung, hang thanh ly gia beo
Cơ sở kinh doanh mua lô hàng thanh lý của Đội Quản lý thị trường 12B không thấy treo biển hiệu và luôn trong tình trạng đóng cửa

Tuy nhiên, nếu tính mặt hàng trên là loại máy may 1 kim (loại rẻ nhất) đã qua sử dụng thì giá trị bán đấu giá của 90 đầu máy may ít nhất phải trên 90 triệu đồng. Với 1.850 cái nón len, nếu tính giá thấp hơn phân nửa so với giá thị trường (trên thị trường đang bán khoảng 65.000 đến 100.000 đồng/cái) thì số tiền bán được đã hơn 40 triệu đồng. Với 146 sản phẩm điện lạnh (cục nóng, cục lạnh, do nước ngoài sản xuất, không có tiếng Việt, đã qua sử dụng), theo chủ một đơn vị chuyên sửa chữa máy lạnh ở Q.Bình Tân, cứ tính đơn giá rẻ nhất là mỗi sản phẩm được bán thanh lý trung bình 1 triệu đồng thì ít nhất sẽ thu về được 146 triệu đồng.

Chỉ liệt kê ba danh mục hàng hóa, các đơn vị kinh doanh chỉ ra riêng ba mặt hàng trên đã có thể bán được trên 200 triệu đồng. Trong khi đó, lô hàng bán thanh lý của Đội QLTT 12B còn có: 28 thùng ly thủy tinh hiệu IMG, loại 48 cái/thùng, kích thước 410x280x320mm, xuất xứ Indonesia; 20 máy công cụ các loại ngoại nhập, đã qua sử dụng; 7.000kg vải khúc và vải vụn các loại xuất xứ Trung Quốc… số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết người được lấy ý kiến đều cho rằng, cách kê khai tài sản bán thanh lý của Đội QLTT 12B không rõ ràng. “Họ kê khai 7.000kg vải khúc và vải vụn xuất xứ Trung Quốc nhưng không ghi rõ loại vải gì nên rất khó xác định. Tôi thử tính toán giá trị thấp nhất cho lô hàng trong danh mục nói trên, nếu đem bán đấu giá thì giá trị không thể dưới 1 tỷ đồng. Việc bán lô hàng với giá chỉ 177 triệu đồng là rẻ không thể tưởng tượng nổi” - chủ một doanh nghiệp ở Q.Bình Tân bày tỏ.

Chủ một doanh nghiệp khác từng tham gia mua hàng vải thanh lý phân tích thêm: “Việc ghi tên vải vụn trong bản kê khai là rất khó hiểu vì vải vụn là vải bỏ đi, là chất thải công nghiệp chứ không phải hàng hóa, còn vải do lực lượng QLTT tịch thu phải là vải cây, vải còn nguyên, chứ vải vụn thì tịch thu làm gì?”.

Bảng kê khai tài sản giấu nhẹm căn biệt thự bên sông

Theo quy định, ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng là cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập cá nhân. Vậy ông Khánh Hùng đã kê khai những gì?

Theo nguồn tin của chúng tôi, trong bản kê khai thu nhập cuối năm 2018, ông Khánh Hùng kê khai có 4 căn nhà và 13 mảnh đất. Song, thông tin bảng kê khai này chưa đúng với thực tế khối tài sản ông Hùng đang sở hữu mà chúng tôi ghi nhận được.

Cụ thể, trên khu đất rộng hơn 6.500m2 - nơi có căn biệt thự 4 tầng ven sông, ông Khánh Hùng kê khai ở đây chỉ có một căn nhà cấp 4, diện tích xây dựng là 210m2. Tương tự, một căn nhà khác ở đường Bến Than, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi dù có quy mô như biệt thự nhưng trong bản kê khai chỉ thể hiện đây là căn nhà cấp 4.

Trong bảng kê khai của ông Hùng, khu đất rộng hơn 6.500m2 (có căn biệt thự) có giá trị khoảng 5 tỷ đồng và căn nhà có diện tích xây dựng 210m2 ở đường Bến Than có trị giá 2,7 tỷ đồng. Song theo giới kinh doanh bất động sản, hai khu nhà - đất phải có giá trị gấp hàng chục lần so với số tiền kê khai.

Về lai lịch hai chiếc xe tiền tỷ, ông Khánh Hùng kê khai rằng một chiếc xe trị giá 1,5 tỷ đồng là do mẹ vợ ông đứng tên rồi viết di chúc cho vợ chồng ông vào năm 2013; một chiếc xe khác do mẹ vợ ông đứng tên, hai vợ chồng ông đang quản lý hộ.

Trở lại khu đất có căn biệt thự với diện tích hơn 6.500m2, ông Khánh Hùng khai đây là tài sản do cha mẹ vợ mua giao cho vợ chồng đứng tên, quản lý hộ. Đối với khối tài sản khổng lồ còn lại, theo bảng kê khai của ông Khánh Hùng có rất nhiều tài sản được cha mẹ vợ cho.

Vậy mẹ vợ ông Khánh Hùng là ai mà lại có số tài sản lớn như thế? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.

(Còn tiếp)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI