Thời nào rồi mà còn người chết vì bệnh dại?

29/03/2024 - 11:00

PNO - Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại trong cả nước lên đến 27 ca. Riêng TPHCM từ đầu năm đến nay có gần 20.000 người phải đi tiêm phòng dại vì bị động vật cắn. Thời nào rồi sao vẫn còn nhiều người chết vì bệnh dại?

Hiện nay nhiều người nuôi chó, mèo như thú cưng, cho ăn uống, tắm rửa, thậm chí thường xuyên cho đi spa tỉa nhuộm lông, cắt móng chân… Tất nhiên việc theo dõi tình trạng sức khỏe bao gồm cả chích ngừa các loại bệnh trong đó có bệnh dại chủ chó, mèo cưng đều thực hiện đầy đủ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Không cưng chó, mèo được như vậy, nhiều người khác cũng thường xuyên cho chó đi chích ngừa để phòng bệnh (mèo thì rất hiếm hoi). Nhưng còn rất, rất nhiều người đem chó, mèo về nhà nuôi chỉ nhớ cho ăn, theo dõi còn hay mất, chuyện đem chó, mèo đi chích ngừa, họ không bao giờ nghĩ đến. Trừ khi chó quá dữ, còn không họ cứ thả rông để chó, mèo đi lại tự do, nhất là tại khu vực nông thôn. Ở đó việc phòng bệnh cho gia súc gia cầm để tránh các loại dịch bệnh như cúm, dịch tả châu Phi hay lở mồm long móng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi mới là mối quan tâm hàng đầu của các cán bộ thú y, vốn mỏng ở các địa phương.

Các số liệu được công bố như: năm 2023 cả nước ghi nhận 82 ca mắc và tử vong; 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023), thật sự đáng buồn.

Nên nhớ rằng từ năm 1891, bác sĩ Albert Calmette được giao trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo viện Pasteur ở Sài Gòn. Đến năm 1894, viện đã tổ chức sản xuất nhiều loại vắc xin trong đó có vắc xin bệnh dại. Như vậy đã từ rất lâu, những người sinh sống ở Việt Nam bị chó, mèo mang mầm bệnh dại cắn không phải còn là những ca bệnh vô phương cứu chữa.

Nhưng tại sao đến nay vẫn còn người chết do bệnh dại? Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tỉ lệ tiêm phòng trung bình cả nước chỉ đạt 58% tổng đàn chó, mèo. Và theo đại diện Cục Y tế dự phòng, nhiều người dân e ngại việc tiêm vắc xin phòng dại có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị như uống thuốc Nam, đắp lá không được Bộ Y tế công nhận. Giá vắc xin dại tương đối cao (từ 1,2-1,5 triệu/liều) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…

Mặt khác, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024: "Ước tính mỗi năm, chúng ta tiêu tốn khoảng 800 tỉ đồng cho việc tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại, chưa kể chi phí điều trị vết thương do chó, mèo gây ra". Và “từ đầu năm đến nay, đã có 143.000 người đi tiêm vắc xin ngừa dại (giá vắc xin dao động khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/liệu trình), tương đương khoảng 200 tỉ đồng”. Điều đó cho thấy Nhà nước và cả xã hội tiêu tốn không ít tiền cho căn bệnh dại.

Như vậy, suy ra tránh bị chó, mèo cắn là cách phòng ngừa hữu hiệu, ít tốn kém nhất. Để hạn chế việc không bị chó mèo cắn không có cách nào khác là phải thay đổi tập quán nuôi chó, mèo của người dân. Muốn vậy chính quyền các cấp cần phải có quy định với các biện pháp chế tài hiệu quả để ràng buộc trách nhiệm của người nuôi chó, mèo. Không thể để tùy tiện cứ thích là nuôi như hiện nay.

Nguyễn Huỳnh Đạt

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI