Thời điểm khởi sắc của thị trường bất động sản không còn xa?

19/01/2024 - 06:33

PNO - Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” do Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản, chiều 18/1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện thị trường bất động sản cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông sau hàng loạt các chính sách tháo gỡ của Chính phủ, các bộ, ngành. 

Cụ thể, trong quý IV/2023, về nguồn cung nhà ở thương mại đã hoàn thành 29 dự án với quy mô khoảng 13.646 căn (tăng 38,1% so với quý III/2023); cấp phép mới 20 dự án với quy mô khoảng 11.539 căn (tăng 33% so với quý III/2023); đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai 47 dự án với quy mô khoảng 14.566 căn (ngang bằng với quý III/2023); đang triển khai 854 dự án với quy mô khoảng 402.570 căn (ngang bằng so với quý III/2023).

Về lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV giảm hơn với quý III/2023 (trong quý IV/2023 có 81.476 giao dịch đất nền, bằng khoảng 89,26% so với quý III/2023); đối với giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý IV/2023 có 27.590 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 92,82% so với quý III/2023.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ tại diễn đàn.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, dù thị trường có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

“Để thị trường bất động sản tốt hơn, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: đa dạng hóa nguồn vốn; huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói thêm. 

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thị trường bất động sản hiện đã qua thời kỳ khó khăn nhất, đồng thời các luật quan trọng về bất động sản đã được sửa đổi, từ đó sẽ đồng bộ hóa các chính sách giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch.

Cũng theo ông Lực, Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và các phân khúc còn thiếu cung. Do đó, Nhà nước cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; hoàn thiện thể chế theo hướng: ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng...; sửa đổi phù hợp Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp; có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt, tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở; có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản…

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn, thời điểm thị trường khởi sắc không còn xa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn, thời điểm thị trường khởi sắc không còn xa.

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chia sẻ, thời gian qua, các vướng mắc pháp lý liên quan đến bất động sản đã tháo gỡ được 70%. Liên quan Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, đến 1/1/2025 mới có hiệu lực, nhưng về cơ bản năm 2024 đã là bước chạy đà phù hợp. Đơn cử, về nhà ở xã hội, các vấn đề quy hoạch, giá, đối tượng ưu đãi, quỹ đất, phát triển nguồn vốn cho xã hội… được áp dụng thì sẽ tạo nguồn cung cao trong thời điểm đang mất cung cầu về thị trường nhà ở. 

“Tuy nhiên, hiện nhà ở cao cấp thì nhiều, nhà ở thu nhập thấp thì đang còn ít. Thị trường khả năng sẽ có khởi sắc nếu như những thay đổi về Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực. Chúng ta đã có khởi sắc trong năm 2023, thời điểm chúng ta vượt qua sẽ không còn xa” - ông Hải nhận định. 

Về tình hình bất động sản năm 2024, ông Hải dự báo, năm 2024, thị trường sẽ có hai điểm sáng, một là bất động sản công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI còn rất nhiều, giá thuê bất động sản công nghiệp đang tăng cao. Thứ hai là nhà ở giá vừa phải, nhà ở xã hội có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao, trong năm 2024 phải hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội. 

Ông Mai Viết Vĩnh – Chủ tịch Mai Việt Land chia sẻ, trong năm 2023 các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, rất nhiều các sàn môi giới đóng cửa, nhân viên môi giới bỏ nghề. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ nên thị trường bất động sẳn đã có dấu hiệu hồi phục. 

“Để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục thì trong 2024, các chủ đầu tư nên cơ cấu lại các nguồn vốn, chất lượng sản phẩm… tạo ra niềm tin lớn hơn nữa cho khách hàng đặc biệt là mặt pháp lý của các dự án. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì cơ hội cho các chủ đầu tư, các sàn môi giới trong năm 2024 sẽ lớn hơn nếu thị trường hồi phục mạnh. Đặc biệt là thị trường ở những thành phố lớn và những khu vực đang phát triển” – ông Vĩnh nhận định.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI