Thí sinh bối rối về cách quy đổi điểm xét tuyển đại học

23/05/2025 - 06:15

PNO - Mới đây, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc xây dựng khung quy đổi điểm sàn và điểm chuẩn đại học giữa các phương thức thực hiện bằng phương pháp bách phân vị, qua nhiều bước. Phương pháp này khiến nhiều thí sinh cảm thấy bối rối.

Thí sinh lo lắng

Trong hướng dẫn xét tuyển, Bộ GD-ĐT quy định 3 khung quy đổi: các loại điểm thi, các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm trúng tuyển từ học bạ.

Theo đó, khung quy đổi các loại điểm thi đưa ra các khoảng điểm của các bài thi riêng (kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy…) và khoảng điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp theo phương pháp bách phân vị trên cơ sở phân tích kết quả thi của những thí sinh có cả điểm bài thi riêng và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp tương ứng của năm 2025. Các khoảng điểm được xếp tương ứng với tốp 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%…

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - tư vấn cách đăng ký xét tuyển cho thí sinh
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - tư vấn cách đăng ký xét tuyển cho thí sinh

Khung quy đổi giữa các tổ hợp sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT xác định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp dựa trên đối sánh phổ điểm do bộ công bố sau khi có kết quả thi, theo từng khoảng điểm trúng tuyển. Riêng với điểm trúng tuyển từ học bạ, bộ sẽ công bố số liệu thống kê tương quan giữa điểm các môn thi tốt nghiệp với điểm trung bình học bạ. Trên cơ sở đó, các trường xác định quy tắc quy đổi.

Tìm hiểu các phương thức quy đổi điểm, Trần Minh Anh - học sinh lớp Mười hai, Trường THPT Merie Curie (quận 3, TPHCM) - cho biết, em và nhiều bạn tính toán nhưng vẫn không chắc hiểu đúng cách tính điểm này.

“Kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM đợt 1 em đạt 700/1.200 điểm. Những năm trước, mức điểm này có thể xét tuyển vào một số trường tốp trên, nhưng năm nay không có gì chắc chắn. Với cách quy đổi điểm này, thí sinh thi các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ thiệt thòi hơn khi quy tương đồng mức điểm với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bởi kỳ thi đánh giá năng lực thường khó hơn” - Minh Anh lo lắng nói.

Thùy Chi - học sinh lớp Mười hai, Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - chia sẻ em đã cố gắng học tốt để có điểm học bạ “đẹp” và xác định tổ hợp môn từ sớm mong giành lợi thế khi xét tuyển bằng phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, với cách tính mới em thấy rất mơ hồ: “Trường ĐH sẽ xác định tổ hợp gốc để đối chiếu với các tổ hợp khác. Đến nay, các trường vẫn chưa công bố tổ hợp nào là tổ hợp gốc hay khung quy đổi điểm giữa các phương thức nên em không biết được phương thức hay tổ hợp nào mới là lợi thế xét tuyển”.

Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều học sinh lớp Mười hai khi có nhiều thay đổi từ chương trình thi tốt nghiệp THPT đến cách xét tuyển ĐH.

Các trường đại học phải chờ bộ công bố phổ điểm thi

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho rằng, những hướng dẫn, dự thảo của Bộ GD-ĐT trước đây dễ hiểu hơn so với hướng dẫn chính thức. Đặc biệt, việc quy đổi theo phương pháp bách phân vị khiến nhiều trường bối rối.

Bản chất của việc quy đổi điểm giữa các phương thức là nhằm đảm bảo điểm trúng tuyển giữa các phương thức tương đương nhau. Làm được việc này, các trường cần dựa trên phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển vào trường bằng nhiều phương thức khác nhau ở những năm trước để so sánh tương quan kết quả học tập giữa các phương thức.

Ông phân tích thêm, phương pháp bách phân vị dùng đánh giá nhóm học sinh có năng lực tương đương nhưng với điều kiện là nhóm học sinh đó phải có “mẫu số chung”, cùng thi ở các phương thức khác nhau.

Ví dụ, phương pháp này có thể so sánh tốt giữa 1.000 thí sinh cùng thi 3 phương thức giống nhau: đánh giá năng lực, tốt nghiệp THPT, học bạ. Tuy nhiên thực tế xét tuyển rất khác, như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM xét tuyển 4 phương thức, thí sinh trúng tuyển vào trường chỉ bằng 1 phương thức.

Vì vậy, trường chỉ có dữ liệu điểm của 1 phương thức, không có điểm các phương thức khác của thí sinh này để so sánh, đưa ra điểm chuẩn cho 4 phương thức. Các trường cũng không có dữ liệu để xác định nhóm thí sinh nào thuộc 1% hay 5% giữa các phương thức như phương pháp bách phân vị đưa ra.

“Để xét tuyển, sắp tới, nhà trường sẽ phân tích và dựa trên kết quả phổ điểm học tập của sinh viên trúng tuyển vào trường những năm trước nhằm đưa ra mức điểm sàn và điểm chuẩn, đánh giá chính xác hơn năng lực đầu vào của thí sinh” - ông Nguyễn Trung Nhân nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - cũng cho rằng, nếu quy về cùng một thang điểm thì phương thức điểm thi đánh giá năng lực có thể thiệt thòi vì phổ điểm trung bình của kỳ thi này khá chênh lệch so với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm trung bình của thi đánh giá năng lực thấp; điểm giỏi, xuất sắc rất ít.

Ngược lại, số học sinh đạt mức khá, giỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT mọi năm thường rất cao. Do vậy, trường ĐH phải tính toán quy đổi, xác định lại mức phổ điểm giữa các phương thức để cân bằng hơn giữa 2 phương thức.

Các trường ĐH cũng phải theo dõi, so sánh kết quả học tập của sinh viên trong nhiều năm liền để xác định mức điểm đầu vào các khóa sau. Điểm hay của phương pháp này là có thể thống kê năng lực của sinh viên trường mình qua từng năm, nhưng hạn chế là phải chờ sinh viên học rồi mới biết.

“Việc quy đổi điểm giữa các phương thức sẽ khiến các trường ĐH vất vả và phải chờ đến lúc bộ công bố phổ điểm thi mới đưa ra mức quy đổi. Do đó, thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì cần theo dõi thông tin quy đổi, cách thức tuyển sinh của trường đó. Nhất là theo dõi điểm của mình để tránh việc bị tính nhầm điểm” - ông Bùi Hoài Thắng khuyên.

Thí sinh nên tận dụng xét tuyển nhiều phương thức

Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM - khuyên thí sinh không nên quá lo lắng. Bởi, quy đổi điểm là “việc của các trường ĐH”. Các trường phải tính toán làm sao để chọn được thí sinh tốt nhất cho mình. Năm nay, Bộ GD-ĐT không yêu cầu thí sinh chọn phương thức xét tuyển cố định nào, chỉ cần đăng ký mã trường, mã ngành là được.

Thí sinh có điểm ở bất kỳ phương thức nào sẽ được cập nhật trên hệ thống và xét tuyển tự động, phương thức nào có điểm tốt nhất thì hệ thống sẽ dùng phương thức đó. Do vậy, để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường tốt, các em nên tận dụng nhiều kỳ thi, xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI