Thái Lan: "Miền đất mới" của các nhà làm phim quốc tế tại Đông Nam Á

15/06/2021 - 12:14

PNO - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thani Saengrat cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, có khoảng 26 bộ phim nước ngoài được thực hiện tại Thái Lan, mang về doanh thu 1,18 tỷ bath (khoảng 900 tỷ đồng).

Mỗi năm, Thái Lan chào đón hàng trăm tác phẩm điện ảnh nước ngoài, bao gồm phim điện ảnh, phim tài liệu, chương trình truyền hình, video ca nhạc và quảng cáo, được thực hiện tại đây.

Anant Wongbenjarat, người đứng đầu Bộ Du lịch, cho biết trong năm 2019, 740 đoàn làm phim quốc tế đã chọn Thái Lan là địa điểm ghi hình tạo ra gần 5 tỷ baht cho nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sau khi đại dịch xảy ra, số lượng sụt giảm đáng kể, chỉ còn 176 tác phẩm điện ảnh nước ngoài đến Thái Lan, mang về 1,73 tỷ baht.

Thái Lan trở thành điểm đến hàng đầu các nhà làm phim quốc tế tại Đông Nam Á.
Thái Lan trở thành điểm đến thu hút hàng đầu các nhà làm phim quốc tế tại Đông Nam Á.

Bất chấp những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và sự gia tăng cạnh tranh từ các nước láng giềng trong khu vực, Thái Lan vẫn là điểm đến thu hút các nhà làm phim quốc tế hàng đầu tại Đông Nam Á. Thai PBS World đã có cuộc trò chuyện với một giám đốc thương mại và nhà sản xuất phim người Úc Adrian Van de Velde, để khám phá những ưu điểm giúp Thái Lan trở thành lựa chọn lý tưởng cho các hãng phim nước ngoài.

Theo đó, ưu điểm lớn nhất nằm ở việc cấp phép quay phim tại xứ sở chùa Vàng diễn ra khá nhanh chóng. Nếu tất cả các tài liệu được chuẩn bị sẵn sàng, sự chấp thuận sẽ được đưa ra trong vòng năm ngày vì hội đồng phim Thái Lan họp ba lần một tuần.

Chưa kể đội ngũ quay phim địa phương còn có tay nghề cao và dồi dào kinh nghiệm khi từng làm việc cùng các nhà làm phim đẳng cấp thế giới đến từ Hollywood. Thái Lan cũng có các studio và đạo cụ chất lượng tốt, vì vậy các đoàn quốc tế có thể dễ dàng quay các cảnh về tàu điện ngầm tương tự ở New York hay quận Ginza ở Nhật Bản…

Bên cạnh đó, Thái Lan còn sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại cùng nhiều ưu đãi tuyệt vời. Nếu một nhà sản xuất phim quốc tế đầu tư hơn 50 triệu bath (khoảng 37 tỷ đồng) để sử dụng lao động địa phương và quảng bá hình ảnh của Thái Lan, thì các đoàn làm phim còn được hoàn lại tiền mặt lên tới 20%.

Phân cảnh trong phim Memoria.
Phân cảnh trong phim Memoria.

Không chỉ trở thành điểm đến hàng đầu thu hút các nhà làm phim quốc tế mà hiện tại nền điện ảnh Thái Lan cũng có những bước tiến đáng kể. Mới đây, Liên hoan phim Cannes 2021 đã chính thức công bố danh sách các tác phẩm tranh giải Cành cọ vàng, đáng chú ý bộ phim Thái Lan Memoria là đại diện châu Á duy nhất góp mặt.

Theo Bangkok Post, sau 11 năm kể từ khi bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul giành giải Cành cọ vàng tại Cannes 2010, thì điện ảnh Thái Lan một lần nữa được mới trở lại sự kiện điện ảnh danh giá này nhờ phim Memoria.

Memoria là tác phẩm hợp tác sản xuất quốc tế, do Apichatpong Weerasethakul đạo diễn nhưng lấy bối cảnh hoàn toàn ở Colombia, chủ yếu nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Những năm gần đây, các nhà làm phim Thái Lan cũng tích cực hợp tác với các nền điện ảnh phát triển, điển hình là Hàn Quốc để mở rộng tầm ảnh hưởng. Tháng 7 tới đây, bộ phim kinh dị hợp tác Hàn - Thái The Medium lấy bối cảnh ở vùng nông thôn Thái Lan, do đạo diễn Na Hong-jin phối hợp cùng nhà làm phim nổi tiếng xứ chùa Vàng Banjong Pisanthanakun thực hiện, sẽ được phát hành tại hệ thống rạp chiếu toàn cầu.

Mặc dù Thái Lan vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn trong thời kỳ dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ nhưng các chuyên gia dự đoán, ngành công nghiệp điện ảnh vẫn sẽ là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế đất nước.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI