Tấm lòng thơm thảo của nữ thương binh

20/07/2014 - 08:11

PNO - PN - 67 tuổi với gần 50 năm tuổi Đảng, dì để lại ấn tượng đặc biệt cho người đối diện bởi nụ cười hồn hậu và cách nói chuyện thân tình, cởi mở. Dì tên là Nguyễn Thị Phương Xa (còn gọi là Út Xa, ngụ tại xã Bà Điểm,...

edf40wrjww2tblPage:Content

“CÔ GÁI SÀI GÒN ĐI TẢI ĐẠN”

Tôi ghé nhà dì Xa vào một ngày mưa. Sài Gòn se lạnh. Trở trời, vết thương nơi bàn chân trái của dì lại đau. Thời gian này, thi thoảng dì phải thở oxy vì bị suy tim giai đoạn bốn. Gần 70 nhưng giọng nói, nụ cười vẫn còn giòn lắm. Dì Xa khoe, ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) năm nay, đồng đội cũ sẽ ghé nhà dì hàn huyên về một thời hoa lửa. Lật cuốn album đã úa màu, tay dì mân mê từng tấm ảnh đen trắng chụp dì và đồng đội hồi còn mười tám, đôi mươi.

13 tuổi, Út Xa làm giao liên. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn, cô bé Xa kiên quyết không khai báo. Năm 1962, Út Xa chính thức nhập ngũ và được điều về Đoàn hậu cần 82, Cục Hậu cần miền Đông Nam bộ.

Trong đợt phản công đầu năm 1967, để hỗ trợ đồng đội đưa thương binh về các trạm xá, bệnh viện, Út Xa - người con gái nhỏ nhắn nhưng gan dạ đã một mình băng rừng, mở đường máu.

Dì Xa nói: “Lúc đó, chỉ nghĩ làm sao để anh em ra khỏi vòng vây, kịp thời trị thương, không biết mệt và sợ là gì". Bảo vệ anh em an toàn, nhưng Út Xa bị thương nặng. Bồi hồi nhớ chuyện xưa, dì Xa bỗng cất cao giọng hò: “Đây chân núi chênh vênh, nhịp cầu gỗ chông chênh/Ta bước nhanh chân, Đông - Xuân này lập công/Ai đâu dám coi thường những người con gái/Mấy trăm cân hàng em đẩy băng băng/Nào vượt lên, năng suất càng tăng thêm từng ngày/Vui sướng nào hơn trên đường thồ/Tiếp đạn, tải lương, em góp phần xây chiến thắng”. Dì hóm hỉnh khoe, đây là bài Em đi thồ do dì sáng tác trong những ngày chiến đấu ở chiến trường Dương Minh Châu - Tây Ninh.

Năm 1977, là thương binh 3/4 dì chuyển về Xí nghiệp dược phẩm 2 (nay là Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 24) công tác. Đến nay, những lúc trở trời chân, tay dì lại đau nhức.

Tam long thom thao cua nu thuong binh

Người nữ thương binh ngày ấy giờ là hội viên tích cực với công tác Hội

HẾT LÒNG VỚI CHỊ EM

Người con gái Sài Gòn đi tải đạn từng được phong Dũng sĩ diệt Mỹ (năm 1967) ấy, nay trở lại đời thường vẫn một lòng cống hiến cho đất nước bằng những việc làm nhỏ, dung dị mà đầy ý nghĩa.

Trước đây, dì Xa sinh sống tại KP.2, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, đến năm 2007, dì chuyển qua xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Sau khi về hưu, dì tham gia công tác Hội PN, Hội Cựu chiến binh tại địa phương. Có giai đoạn, cứ tầm 3g sáng dì đã dậy, tất tả đạp xe đi lấy các loại bánh (bánh tét, bánh giò, bánh bò…), rau củ về bán. Thời gian còn lại dành cho công tác Hội. Thời đó, các con đường trong xóm, ấp ngập nước, sình lầy vào ngày mưa, việc đi lại của bà con rất khó khăn. Dì cùng chị em đi vận động đóng góp để bê tông hóa.

Cuộc sống của chị em trong các khu nhà trọ rất khó khăn, khiến mâu thuẫn gia đình thường xảy ra. Chị T. bán xôi, chồng làm phụ hồ. Bốn đứa con của họ có nguy cơ bỏ học vì nhà quá nghèo, ba mẹ lại hay cự cãi nhau. Ban đầu, dì Xa đến hòa giải, luôn bị... mời về, thậm chí đuổi thẳng, nhưng dì không nản. Vừa tận tình động viên, dì vừa vận động trao học bổng để các con chị T. tiếp tục đi học. Cũng có chị bị chồng đánh đập lúc say xỉn, con nhỏ dở dang việc học. Một mặt, dì Xa cùng các chị trong Hội PN tổ chức động viên, hòa giải, mặt khác dì trích tiền hỗ trợ thương binh hằng tháng của mình để giúp các em đi học lại. Cứ như vậy, cái tình, cái nghĩa của dì đã mang đến sự thay đổi cho nhiều gia đình hội viên.

Vào những đợt diễn văn nghệ kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)…, dì Xa lại hăng hái tập hát, múa. Tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn nhưng tính dì sôi nổi, lạc quan nên hoạt động Hội nào dì cũng nhiệt tình tham gia. Chị Trần Thị Phượng Khánh, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn chia sẻ: “Dì Xa là hội viên nòng cốt của xã. Dì tham gia phong trào Hội bằng nhiệt huyết và tình thương của một người mẹ, người chị nên mọi người đều rất quý trọng. Với những hoạt động như ngày hội Phụ nữ vì cộng đồng, các cuộc vận động hỗ trợ học bổng cho con em hội viên nghèo, dì luôn trích lương thương binh để đóng góp dù cuộc sống của dì cũng chẳng mấy khá giả”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu