Sống dở, chết dở vì tai nạn lao động

04/12/2014 - 07:23

PNO - PN - Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM xảy ra hơn 800 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), với 91 người tử vong, hai người mất tích. Điều đọng lại đằng sau những con số này là những số phận đầy khắc khoải, bi thương…

edf40wrjww2tblPage:Content

Song do, chet do vi tai nan lao dong

Bà Khái bị tàn phế sau một tai nạn

Nỗi đau không dứt

Chật vật xoay chuyển người trong căn phòng nhỏ để bắc nồi cơm tối, chị N.T.M. (trọ ở đường Phạm Văn Chiêu, K.11, P.14, Q.Gò Vấp) bỗng rụt tay, buông rơi chiếc muỗng khi nghe thông tin thời sự trên truyền hình: “Lúc 21g ngày 12/11, trong lúc đang thi công cắt ống nhựa bọc cáp tại gầm cầu Hóa An (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), anh Võ Văn Phùng (32 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp) đã sơ hở nên bị điện giật chết”.

Chị ngồi bệt xuống nền nhà, nước mắt lăn dài, nói: “Lại thêm một gia đình tan nát vì TNLĐ. Thà chết luôn còn hơn sống dở như tôi…”.

Từ ngày chị M. bị máy cắt mũi giày kéo mất cánh tay và lôi tuột phần da nửa cơ thể bên phải đến nay đã bốn năm, nhưng chị vẫn thấy kinh hoàng mỗi lần có ai nhắc đến hai từ “tai nạn”. Năm đó M. 25 tuổi, cùng K., người yêu của chị, từ Sóc Trăng lên thành phố tìm việc làm, định dành dụm tiền để hai năm sau làm đám cưới. Chị M. nức nở kể: “Đám cưới đó không bao giờ có được. Sau khi tôi bị tai nạn ở xưởng giày da tư nhân tại Q.12, tỉnh dậy ở BV, thì không còn thấy anh K. đâu nữa!”.

Sợ về quê trở thành gánh nặng cho ba mẹ, M. quyết ở lại thành phố, bán vé số mưu sinh. Giở cái áo sơ mi dài tay, M. chỉ cho tôi vết thương kéo dài hết nửa người bên phải, làm phần ngực và bụng của chị hoàn toàn biến dạng, cánh tay chỉ còn cái chỏm nhỏ lúc lắc trên vai.

“Đi qua chiến tranh, sinh mạng tôi còn nguyên vẹn. Thế nhưng giờ đây, TNLĐ lại cướp đi 56% thân thể tôi”, anh Bùi Quốc Đăng (SN 1966, quê ở Long An), ngậm ngùi kể về cuộc đời mình.

Quán nước nhỏ của gia đình anh Đăng nằm trong khuôn viên chùa Định Lâm (P.16, Q.8). Anh vừa bước từng bước khó nhọc trên một chân giả, tay bưng nước cho khách, vừa tươi cười đón chúng tôi. Anh chậm rãi kể: “Đó là một ngày trong tháng 11 năm 2000, sau khi làm hết ca ngày (12 tiếng), tôi làm tiếp ca đêm. Đến khoảng 23g thì tai nạn xảy ra”. Công việc của anh là cắt chia nhỏ cuộn tôn ra nhiều phần (một cuộn tôn nặng khoảng 10 tấn). Lúc anh làm sắp xong thì bất ngờ, phần ruột tôn đang cắt bị bung ra đập mạnh vào chân trái của anh khiến chân bị dập nát, còn tay trái bị đứt ba sợi gân. Anh được đưa đến bệnh viện điều trị gần hai tháng. Vừa xuất viện 10 ngày, chân anh có dấu hiệu hoại tử, phải trở lại bệnh viện phẫu thuật cắt chân đến khớp gối. Bốn tháng sau, anh Đăng được công ty chuyển làm ở bộ phận khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, lấy lý do sức khỏe anh Đăng không đảm bảo, công ty chấm dứt hợp đồng. Sau khi nghỉ việc, gia đình anh Đăng rơi vào khủng hoảng. Vợ anh trước làm công nhân, khi chồng gặp nạn, phải nghỉ làm chăm chồng, chân chồng chưa lành, chị bị cho nghỉ luôn. Bế tắc, vợ chồng vét hết những gì có giá trong nhà mang bán, được… hơn 500.000đ. Anh chị xin chùa cho mở quán nước nhỏ để kiếm sống qua ngày.

15 năm trôi qua, vết thương ấy vẫn hành hạ anh từng cơn mỗi khi trái gió trở trời…

Song do, chet do vi tai nan lao dong

Anh Bùi Quốc Đăng đang miêu tả lại vụ tai nạn lao động

Ngậm đắng nuốt cay

May mắn hơn M. và nhiều người lao động (NLĐ) khác, khi bị tai nạn, anh Đăng đang làm việc ở một công ty có hợp đồng lao động hẳn hòi, nên được công ty bồi thường một phần thiệt hại và hiện vẫn đang hưởng trợ cấp BHXH, dù chỉ 920.000đ/tháng.

Những người như chị M., khi tai nạn xảy ra thì người chủ ngoảnh mặt quay lưng. Bà Đoàn Thị Khái, tạm trú ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh nói: “Hơn 10 năm tôi làm phụ bếp ở quán phở bên Q.8, vậy mà vì né chiếc xe con trai ông chủ dựng ẩu, tôi bị nồi nước lèo tưới phỏng hết nửa người... Tôi vừa tới bệnh viện, thì họ cuộn hết quần áo của tôi vào giỏ xách gửi theo, trả thêm một tháng lương. Chồng tôi phải bán hết tài sản (là hai sào đất ở H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để chạy chữa cho tôi. Do quá nghèo và chạy chữa không đúng cách, chân trái của tôi bị hoại tử, phải cắt bỏ… Sáu năm qua rồi, nhưng vết thương trên người vẫn còn gây khó chịu”. Hỏi tại sao không khiếu kiện chủ quán phở, đề nghị bồi thường. Bà Khái nghẹn ngào: “Hồi tôi xin vô làm, ông bà ấy đâu có nhận, tôi năn nỉ làm công ăn cơm, nên bị vầy phải ráng chịu thôi”.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng Chính sách luật pháp của Liên đoàn Lao động TP.HCM thừa nhận: “Bên Ban Nữ công, danh sách nữ bị TNLĐ gần 200 người. Ở đây chúng tôi cũng theo dõi danh sách 196 người, đều được thăm nom đầy đủ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể theo dõi, chăm sóc những người bị TNLĐ được báo cáo từ công đoàn cơ sở. Trường hợp LĐ tự do, không ký hợp đồng, không có báo cáo từ cơ sở, Liên đoàn Lao động khó mà vươn tay tới”.

Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, dự thảo Luật BHXH (năm 2013) đề xuất bổ sung người sử dụng lao động (SDLĐ) là cá nhân (trước đây chỉ có pháp nhân mới là người SDLĐ). Thế nhưng, thực tế sẽ có mấy người SDLĐ là cá nhân đi đăng ký BHXH tự nguyện cho NLĐ của mình?

Luật sư Phạm Lĩnh Sơn - Phó văn phòng Trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6 cho biết: “Theo điều 19, Nghị định 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2014, người SDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, đồng thời có chăm sóc về sức khỏe, tinh thần, bố trí thời gian để NLĐ học văn hóa, học nghề… Luật định một đàng, thực tiễn vận dụng luật thì mờ mịt, bởi vậy “ngậm đắng nuốt cay”, chịu đựng một mình là thân phận của rất nhiều NLĐ thời vụ, LĐ tự do khi bị TNLĐ. Việc chủ hộ kinh doanh cá thể, chủ doanh nghiệp nhỏ, né BHXH cho NLĐ là chuyện xảy ra như cơm bữa. Khi TNLĐ xảy ra, phần lớn tùy thuộc vào lòng “từ tâm” của chủ, nếu chủ không có tâm, thì coi như NLĐ tự chịu trăm thứ thiệt thòi”.

Đã đến lúc các ngành các cấp hãy năng động hơn trong việc phòng chống TNLĐ. Hãy tạo cơ chế, buộc các cá nhân lẫn pháp nhân sử dụng LĐ phải có nghĩa vụ và sự chia sẻ thật sự với số phận con người. Xin đừng “khuôn” trách nhiệm chỉ chăm sóc, bảo vệ NLĐ “có hợp đồng, có BHXH, hay được “công đoàn cơ sở báo cáo” nữa mà hãy đi tìm và trợ giúp kịp thời NLĐ khi họ gặp sự cố.

 NGHI ANH - KIM CHI

Đường dây khẩn 0966.18 27 27 - 0913.15 93 15
Email: duongdaykhan@baophunu.org.vn
Tư vấn pháp luật miễn phí tại tòa soạn từ 8g đến 11g các ngày thứ hai và thứ năm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI