Sợ con bị cha dượng bạo hành, tôi chọn không tái hôn

21/01/2022 - 15:28

PNO - Bạn hỏi tôi "khi nào lấy chồng nữa vậy?". Tôi trả lời: "Chẳng dại rước một kẻ về cho họ đánh con mình".

Ai đó có thể nói tôi cực đoan hoặc mất niềm tin vào hôn nhân. Nhưng sau hai vụ bạo hành gần đây tôi lại càng tin lựa chọn của mình đúng.

Một em bé 8 tuổi và một em bé 3 tuổi, độ tuổi hồn nhiên và đáng yêu như thế, nhưng các em lại phải chịu thiệt thòi vì sống xa cha hoặc mẹ. Những tưởng một cuộc hôn nhân mới có thể bù đắp phần nào những thiếu sót của một gia đình đơn thân thì lại đẩy các em vào bi kịch.

Tôi có hai cậu con trai lứa tuổi của bé Vân An, và chúng thật sự là quá nghịch. Tôi nghĩ ngay cả bản thân mình là mẹ ruột cũng không ít lần nóng giận mà đánh con mấy phát vào mông.

Nói thế là để hiểu ngay cả cha hay mẹ ruột còn rất khó kiềm chế cơn giận nếu thực sự là một người nóng tính. Tùy từng độ tuổi, tính cách, nhưng đứa bé nào cũng có những lúc quậy phá hoặc ương bướng, trái ý người lớn. Một đứa trẻ nếu chỉ ngồi im và vâng lời thì chắc chắn đứa bé ấy cũng không phát triển bình thường, cần đến bác sĩ tâm lý.

Thế cho nên trước khi tìm một người đồng hành cùng ba mẹ con, tôi nghĩ mình cần cho con có thêm thời gian để lớn, để đủ tuổi và đủ hiểu biết để nhận thức được rằng không ai có quyền dùng roi vọt hay lời nói để tổn thương các con.

Nhiều người cho rằng là tôi bi quan, thế nhưng nhìn vào gương mặt đáng yêu của bé Vân An hay là dòng tin cô bé 3 tuổi đang kề cận cái chết kia, tôi nghĩ mình không hề bi quan, mà là thực tế.

Chồng cũ của tôi, anh ấy từng đánh con. Tôi từng cảnh cáo: "Nếu đánh con tôi một lần nữa, tôi sẽ báo công an". Khi đó con trai lớn tôi mới 2 tuổi, cậu bé ăn sữa chua và bị đổ trên sàn thì anh ấy tát ngay vào mặt con, khiến thằng bé khóc in ỏi.

Khi con trai nhỏ của tôi còn ăn dặm. Đút con ăn, nhưng bé không ăn, thế là anh ta bấm móng tay vào con đến mức con khóc ré lên. Những vết hằn đỏ trên tay một thằng bé mới hơn 1 tuổi khi ấy là một giọt nước tràn ly với tôi. Tôi cũng hiểu ra: khi ấy anh có bồ bên ngoài thì trở về sẽ cáu gắt với mẹ con tôi.

Bố ruột của con tôi đã như thế, thì thử hỏi người không sinh ra chúng có đủ lòng kiên nhẫn và bao dung với hai đứa con tội nghiệp của tôi?

Gần đây tôi có xem một bộ phim rất hay mà nữ diễn viên Châu Tấn thủ vai chính. "Gia Đình Tiểu Mẫn" là câu chuyện của hai người lớn có trách nhiệm. Dù khi ấy Tiểu Mẫn (vai diễn của Châu Tấn) có con trai đã lớn và Trần Trác (do Huỳnh Lỗi đóng) cũng có con gái lớn. Trên họ có cha mẹ già, dưới thì có con vừa vào đại học. Đáng ra họ có thể dễ dàng bên nhau nhưng cũng phải đắn đo và suy nghĩ rất nhiều.

Tôi mong rằng ngoài đời cũng thế, ai cũng có đủ thời gian và lùi lại để suy nghĩ thật kỹ khi quyết định kết hôn lần nữa, vì điều này không còn là chuyện của hai người lớn mà còn ảnh hưởng đến con riêng và thậm chí là con chung sau này.

Gia đình Tiểu Mẫn là một câu chuyện rất hay về một gia đình rổ rá cạp lại.
"Gia đình Tiểu Mẫn" là một câu chuyện rất hay về một gia đình "rổ rá cạp lại.

 

Suy nghĩ của tôi có thể đúng cũng có thể sai, nhưng tôi biết tôi không phải là người duy nhất. Chị Lan nhà ở Bình Chánh - một người bạn của tôi - cũng nghĩ như thế.

Chị có hai cô con gái và đã lớn. Chị có người yêu nhưng không có ý định kết hôn. Lý do là vì có hai con gái lớn, đang tuổi dậy thì, chị muốn dành nhiều nhất thời gian cho con và còn một điều tế nhị nữa là chị sợ mình không bảo vệ được con.

Không phải cha dượng nào cũng xâm hại đến con gái riêng, nhưng theo chị thì không thể heo mất mới lo làm chuồng, vì đến lúc đó không có gì có thể bù đắp cho con gái chị và chị sẽ sống trong sự day dứt, dày vò đến hết đời.

Thế cho nên, chị sẽ suy nghĩ đến việc kết hôn nếu như con gái chị đã lớn và ra ở riêng. Với chị, lúc đó mọi thứ sẽ không có gì là muộn màng, đó cũng là thử thách cho tình yêu của chị. Còn bây giờ, chị và tình nhân hãy cứ đồng hành với nhau như những người bạn.

Một cơn dịch bệnh kéo dài, con người cũng có rất nhiều ẩn ức và căng thẳng. Chính vì vậy mà việc sử dụng bạo lực đối với con trẻ gần như xảy ra nhiều hơn, đặc biệt là ở những gia đình “rổ rá cạp lại”.

Hi vọng rằng với câu chuyện thương tâm những ngày cuối năm này, sẽ thức tỉnh được những người làm cha làm mẹ mà biết con mình vẫn đang bị bạo hành có thể mạnh mẽ đứng lên bảo vệ con mình.

Chồng hoặc vợ kết hôn đều có thể ly hôn, sống không được thì chia tay không có gì phải đắn đo suy nghĩ, nhưng con mình đẻ ra thì mình nhất định phải bảo vệ.

Tiểu Mộc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI