Sám hối trước thiên nhiên - đã muộn!

08/08/2018 - 06:00

PNO - Là họ quá thông minh và tham vọng để tin rằng mình đủ sức chế ngự, chỉnh trị thiên nhiên? Là họ quá tham lam và man rợ khi toan tính rằng mình vơ vét, rút ruột thiên nhiên?

Ngày 25/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lại có thư ngỏ, kêu gọi tinh thần chia sẻ, đóng góp của nhân dân thành phố dành cho đồng bào các tỉnh bị thiên tai do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Đã, đang và sẽ còn có bao nhiêu thư ngỏ như thế dọc dài theo dải đất đội gió phơi bão này, dặm dài theo hàng trăm công trình thủy điện, hàng ngàn đập, hồ chứa này? 

Sam hoi truoc thien nhien - da muon!

Thử đọc “âm bản” của thư ngỏ, để cái thanh âm dội về từ vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La; ngang qua Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang, Bình Định… không chỉ bấy nhiêu đau đớn, xót xa, bàng hoàng bởi mất mát, tang tóc mà còn âm ỉ trong đất, trong đá, trong những cánh rừng hoang vu, những ngọn đồi trọc là nỗi tức tưởi, bất lực bởi bàn tay phá núi, chặt rừng, ngăn sông, soán biển. 

Thay cho niềm tự hào vốn dĩ ê a thuộc lòng rằng, đất nước ta trải dài từ địa đầu Móng Cái đến điểm cuối Cà Mau, đâu đâu cũng là rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu; nay lũ tràn về các tỉnh vùng núi phía Bắc, lũ quét qua các làng bản xa xôi, dân miền núi chết vùi ngay dưới chân núi. Bão thổi nước dâng nhấn chìm bao nhiêu làng mạc ở miền Trung, còn thêm thủy điện xả nước, dân cuống cuồng tháo chạy trong đêm. Chưa tới mùa nước nổi nhưng mực nước dâng cao do biến đổi khí hậu, lại là vùng trũng hạ lưu, cộng thêm hệ lụy ma trận thủy điện từ thượng Lào và ác mộng Xepian - Xe Nam Noy, đồng bằng sông Cửu Long sớm chìm trong bể nước. 

Nhưng hình như chả ai biết sợ. Là họ quá thông minh và tham vọng để tin rằng mình đủ sức chế ngự, chỉnh trị thiên nhiên? Là họ quá tham lam và man rợ khi toan tính rằng mình vơ vét, rút ruột thiên nhiên? 

Tôi nhớ, một trong những công việc đầu tiên ngay sau khi chấp chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng, đó là vào tháng 6/2016. Một tháng sau, ngay tại quê hương ông, tỉnh Quang Nam, cả cánh rừng Pơmu 100 tuổi đã bị đốn sạch. Hơn 1 năm sau, tháng 10/2017, tại hội nghị Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ lại phải lệnh tiếp tục đóng cửa rừng. Để đến năm nay, 2018, lũ tràn về, rừng trụi trốc, mà tự hỏi, phải chăng lệnh ông không bằng cồng… lâm tặc và sự tiếp tay, đồng lõa, ăn chia của một nhóm người trong “hệ thống chính trị”?

Ngược về An Giang, Đồng Tháp, giữa cái mênh mang sông nước bỗng dưng trồi lên mấy chiếc sà lan, nhìn xa, như con rắn trườn quanh mà hút cát, trộm cát - là làm lậu làm lén, mỹ miều hơn thì gọi là khai thác cát, khai thác khoáng sản - là được cấp phép. Nhưng cấp tràn lan, bất cập, quản lý kém, vô trách nhiệm thì cũng hơn gì đám hút trộm, dẫn tới sạt lở quanh năm. Đến độ Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, có bảo kê và bóng dáng xã hội đen đứng sau nhóm cát tặc. Nào là xáng cạp, nào là ghe bơm ghe hút, hút ngay giữa lòng sông nên khiến bọng hai bên hông, dẫn đến xoáy lở, tạo thành hố sâu, sớm muộn cũng sụt dòng.

Tính mạng treo trên mành, tài sản tích cóp cả đời có khi chìm nghỉm chỉ trong tích tắc nhưng hình như, đã qua mấy bận, người bên bồi ngó kẻ bên lở mà vịn níu, an phận vào con nước lớn ròng. Mà giả dụ, có không tin thì họ cũng làm gì được trước sự hung hãn, bất chấp của cát tặc và thói đồng lõa, ăn chia của một nhóm người có trách nhiệm? 

Hơn nửa thế kỷ trước, Hàn Quốc đã từng rất tự hào, hân hoan khi họ cho thu hẹp, nắn thẳng, tạo cống hộp trên nhiều khúc của sông Hàn, sông Nakdong, sông Geum, sông Yeongsan. Thu hẹp mặt cắt sông, thay đổi cao trình bờ sông… để phục vụ cho nhiều dự án đô thị hóa, xây dựng khu căn hộ, khu thương mại… Để rồi giờ đây, chính họ, sau những tai ương hiểm họa ập xuống đã phải miệt mài triển khai dự án cải tạo 4 con sông nói trên “nhằm trả lại những hình hài và dòng chảy trước đó của dòng sông”. 

Một trong những truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc này gắn liền với hình ảnh của vị thần trị thủy, Sơn Tinh, cũng chỉ là để nói lên tinh thần chống đỡ thiên tai, nào phải chinh phục hay ngạo nghễ gì trước thiên nhiên. Chiếc nôi của văn minh sông Hồng đã ru lớn tộc người Bách Việt. Lẽ nào, ta ngu ngơ, man rợ ngay trong chính vỏ bọc văn minh mà quay lại tàn phá, hủy diệt cái gốc tích mình được lọt lòng. 

Hình như mọi lời sám hối trước thiên nhiên, đã muộn. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI