Quên gạt chân chống phạt 3 triệu đồng: Nhiều người đang hiểu nhầm?

27/03/2016 - 07:37

PNO - Các luật sư đều cho rằng, hiện nay phần lớn người dân đang hiểu nhầm quy định về việc quên gạt chân chống có thể bị phạt đến 3 triệu đồng.

Thời gian gần đây, người tham gia giao thông đang rất hoang mang về việc quên gạt chân chống có thể bị phạt đến 3 triệu đồng. Cụ thể, theo điểm a, khoản 6, điều 6, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà nội.

LS. Trương Quốc Hòe cho rằng, hiện nay phần lớn người dân cũng như cán bộ giao thông đang hiểu lầm quy định của luật. Họ cho rằng hành vi quên gạt chân chống dẫn đến việc quệt giữa đường cũng bị xử phạt vi phạm cho nên dẫn đến việc gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận.

Quen gat chan chong phat 3 trieu dong: Nhieu nguoi dang hieu nham?
Nhiều người khi tham gia giao thông đang hoang mang trước thông tin về quy định quên gạt chân chống có thể bị phạt 3 triệu đồng. Ảnh: SKCĐ

LS. Hòe phân tích, hành vi “quệt xuống đường” là dấu hiệu bắt buộc, chỉ khi có hành vi này mới vi phạm pháp luật. Vậy nếu không có hành vi “quệt xuống đường” thì người điều khiển sẽ không bị xử phạt.

Bên cạnh đó, yếu tố về mặt chủ quan, hành vi vi phạm của chủ thể phải là hành vi cố ý sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Nếu người điều khiển phương tiện vô ý quên không gạt chân chống, dẫn đến việc quệt xuống đường thì không bị xử phạt theo quy định tại điều này.

“Theo tôi nội dung này chủ yếu điều chỉnh những hành vi cố ý quệt xuống đường để gây ra âm thanh, hoặc tia lửa, gây mất trật tự xã hội và có thể gây ra tai nạn giao thông”, LS. Hòe cho hay.

Luật cũng đã có từ lâu nhưng lại chưa được đưa vào sử dụng chứng tỏ tính khả thi của điều luật này không cao. Luật quy định chỉ với hành vi “quệt xuống đường” khi đang chạy thì người điều khiển phương tiện mới bị xử phạt.

Nhưng trên thực tế, những người cố tình không gạt chân chống nếu như thấy cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ thì chắc chắn rằng họ sẽ không thực hiện hành vi này, cho nên việc xử lý đối với những đối tượng này là vô cùng khó khăn, LS phân tích thêm.

LS. Hòe nhấn mạnh: “Như đã nói ở trên quy định này dễ gây ra hiểu lầm đối với cả người dân cũng như các cơ quan chức năng, nên sẽ dẫn đến việc khó thực thi pháp luật. Để điều luật này được thực hiện hiệu quả thì trước hết, các cơ quan làm luật phải có một văn bản giải thích rõ ràng hành vi nào mới là hành vi điều luật này muốn hướng đến, để cả người dân và cán bộ thi hành pháp luật có cách hiểu thống nhất”.

“Việc pháp luật quy định hình phạt đối với hành vi cố ý không gạt chân chống hay vật cản khác, gây quệt xuống đường khi xe đang chạy từ 2 đến 3 triệu đồng là còn thấp.
Bởi hành vi này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho cả người thực hiện hành vi này cũng như những người tham gia giao thông khác.

Chính vì thế mà hình phạt như trên là còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Theo tôi nên quy định tăng mức phạt lên cao hơn để hạn chế tình trạng này”, LS Trương Quốc Hòe khẳng định.

Đồng quan điểm với LS. Trương Quốc Hòe, LS. Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng: "Quy định này phải hiểu là nhằm ngăn chận việc người tham gia giao thông bằng xe mô tô “cố tình” sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy, chứ không phải phạt người có hành vi lơ đễnh quên gạt chân chống hay vật khác làm quệt xuống đường".
 
LS. Út dẫn chứng cụ thể, người tham gia giao thông cố tình để tạo sự chú ý cho những người khác trên đường, đã sử dụng chân chống hoặc vật khác như các thanh kim loại quệt xuống đường khi xe đang chạy tạo những tia lửa, âm thanh nhằm kích thích tinh thần người khác… Hành vi này có thể vừa gây nguy hiểm cho chính người tham gia giao thông ấy hoặc những người tham gia giao thông khác, vừa làm hư hỏng chất lượng nền đường nên quy định này nhằm ngăn chận, loại trừ hành vi đó.

"Điều luật này có tính khả thi nhất là những vụ đua xe trái phép, những cuộc “bay đêm” bằng mô tô của những nhóm thanh niên tụ tập trên đường phố mà thời gian qua đã có không ít những sự việc tương tự.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI