Quá ngao ngán với những bài văn… học thuộc lòng

23/11/2014 - 10:20

PNO - PNO - Rất nhiều lần tôi bực mình khi thấy con học thuộc lòng một bài văn mẫu để chuẩn bị cho tiết kiểm tra tập làm văn. Tôi hỏi thì con nói chỉ cần viết y vậy cũng được 6 điểm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Câu trả lời vô tư nhưng thành thật của con đã khiến tôi sững sờ!

Qua ngao ngan voi nhung bai van… hoc thuoc long

Nguồn ảnh minh họa: internet

Thời tôi đi học, một bài văn được cho là hay khi học sinh viết đúng chủ đề, giọng văn súc tích, truyền cảm, không phạm lỗi chính tả và đầy đủ ý. Đặc biệt, bài văn đó phải là những ý tưởng sáng tạo của học sinh chứ không phải copy từ bài văn khác rồi chỉnh sửa, cũng không cần phải viết dài dòng.

Giáo viên bộ môn văn khi giảng bài, luôn mở rộng phạm vi bài giảng và liên hệ thực tế để học sinh dễ hiểu… Cách dạy và học như thế đã đào tạo ra những cây bút triển vọng, những nhà văn tương lai…

Nhưng bây giờ, chuyện học văn không đơn giản.

Đa phần các em đều rập khuôn theo bài mẫu, hoặc dựa vào dàn ý mà giáo viên soạn sẵn để làm, mà lại làm theo kiểu trả lời câu hỏi chứ không hề thêm bớt ý tưởng, cho nên tính sáng tạo dần mất đi.

Hồi con trai tôi học lớp năm, khi gặp một bài văn khó, cháu thường cầu cạnh tôi, nhưng khi tôi hướng dẫn cháu làm bài thì cháu luôn nhắc nhở: “Mẹ phải chỉ thế nào để khi con viết vào giấy phải hết một tờ đôi, nếu không, con sẽ bị điềm kém”.

Vì thế mà tôi phải canh trang, thậm chí đếm từng dòng sao cho đạt yêu cầu. Có một lần, bài văn tả cô giáo của cháu bị điểm 3 vì thiếu mất nửa trang, trong khi bài làm của bạn cháu dài lê thê thì đạt điểm 8. Tôi đã bảo cháu mượn bài ấy về và ngạc nhiên khi nhận ra đó là một sự sao chép tổng hợp từ hai bài văn mẫu.

Còn đứa cháu gọi tôi bằng bác, hồi học cấp 2, có một bài tập làm văn tả về cha. Tôi hướng dẫn cháu cách làm văn miêu tả về người cha buôn bán của cháu thì cháu giãy nảy lên và nói: “Không được, cô con biểu phải tả về người cha làm bác sĩ, kỹ sư... Không được nói ba con bán cá”. Đến nước này thi tôi chỉ còn biết lắc đầu.

Với phương pháp dạy và học như thế, bảo sao các em phát huy được sự sáng tạo trong ngôn ngữ viết? Tại sao không được phép nói lên cảm xúc thật về nghề nghiệp của cha? Không lẽ lao động chân tay một nghề nghiệp xấu? Nếu cha mẹ làm lao động mà phải tả họ là bác sĩ, kỹ sư thì hóa ra thầy cô đang dạy cho các em nói những điều không thật, lừa dối mọi người và lừa cả chính mình?

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Tôi luôn thấy con cháu mình học thuộc lòng những bài văn in sẵn trước mỗi lần thi kiểm tra hoặc thi học kỳ. Nếu trúng tủ, các cháu đạt điểm cao trong khi văn chương đó không phải do các cháu nghĩ ra mà chỉ là sao chép từ người khác.

Từ trước đến nay, có ai đời văn viết mà lại được học thuộc lòng như cháo? Thế mà kì thi nào con trai tôi cũng cầm cả xấp đề cương tập làm văn để học. Chả trách gì cứ hễ cho đề tài mới thì y như rằng cháu loay hoay như gà mắc tóc.

Tôi cảm thấy cách học văn bây giờ khác xa với thời học của chúng tôi. Mong các giáo viên dạy văn hãy xem lại vấn đề này. Xin đừng chấm theo độ ngắn, dài của bài văn mà hãy căn cứ vào nội dung, chất lượng của bài viết. Có như vậy thì các em mới có thể viết lên những cảm xúc thật từ suy nghĩ của mình, mới phát huy được sự sáng tạo trong văn chương. Xin hãy ưu tiên xem xét những bài văn viết ngắn gọn nhưng đầy đủ ý và có sự sáng tạo đúng nghĩa của văn chương…

THU THỦY (quận Gò Vấp, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI