Quá khứ có thể thay đổi tương lai

18/07/2020 - 07:05

PNO - "Tôi đã muốn viết lại các cuộc thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn mới liên kết với bối cảnh trên toàn thế giới".

Cuốn sách 12-2-1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị của nhà báo Hàn Quốc Koh Kyoung Tae (Nguyễn Ngọc Tuyền dịch, Phanbook và Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2020) vừa ra mắt độc giả tại Việt Nam thực sự là một bộ tài liệu chiến tranh gây bàng hoàng. Tác giả đã dành hàng chục năm xử lý hồ sơ và thực địa để tái hiện một vụ thảm sát xảy ra ở vùng Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do những người lính Hàn Quốc trực tiếp xả súng và đốt phá.

Sự hiện diện của người lính Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam lần đầu được khai thác bằng trách nhiệm và ngòi bút đầy chính trực. Từ Hàn Quốc, nhà báo, nhà nghiên cứu Koh Kyoung Tae dành cho Báo Phụ Nữ TP.HCM một cuộc trao đổi xoay quanh công trình này.

Nhà báo Koh Kyoung Tae
Nhà báo Koh Kyoung Tae

Một trận chiến về miền ký ức 

* Phóng viên: Thưa ông Koh Kyoung Tae, có một sự kiện mang tính mấu chốt mà tôi muốn nhắc lại đầu cuộc phỏng vấn này, đó là năm 2000, khi đăng loạt phóng sự nhìn lại vấn đề người Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam, tờ báo Hankyoreh 21 do ông làm tổng biên tập đã vấp phải sự phản đối, thậm chí, tòa soạn đã bị tấn công… 

Nhà báo Koh Kyoung Tae: Vụ việc hơn 2.000 cựu chiến binh Hàn Quốc thuộc tổ chức Hội Chiến hữu di chứng chất độc da cam kéo đến trước tòa soạn báo Hankyoreh để biểu tình và gây bạo động xảy ra ngày 27/6/2000. Kể từ số báo đầu tiên được phát hành vào năm 1988, tính đến nay, báo Hankyoreh đã có bề dày truyền thống 32 năm. Trong 32 năm lịch sử đó, đây là lần đầu tiên tòa soạn báo gặp phải một sự công kích từ bên ngoài nghiêm trọng và chấn động như vậy. Đó là những giây phút nguy hiểm đến mức chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể dẫn tới thiệt hại về sinh mạng.

* Vụ tấn công đó có ý nghĩa thế nào trong việc ông tiếp tục dành sáu năm trời để xới lên hồ sơ thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị?

- Có thể xem nó như khúc nhạc dạo báo hiệu sự khởi đầu của một trận chiến về miền ký ức xoay quanh cuộc chiến tranh Việt Nam. Hẳn phía các tổ chức cựu chiến binh đã nhận ra điều này khi xem loạt phóng sự về thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam đăng trên tờ Hankyoreh 21. Một mặt, họ khó chấp nhận được việc thế hệ sinh ra vào thời họ đi tham chiến nay đã trưởng thành và viết bài về cuộc chiến tranh đó; mặt khác, qua việc này, họ bắt đầu nhìn lại chính bản thân mình, để tự chất vấn “rốt cuộc, mình đã làm gì?”.

Cuốn sách 12-2-1968 là một bộ tài liệu chiến tranh gây bàng hoàng
Cuốn sách "12-2-1968" là một bộ tài liệu chiến tranh gây bàng hoàng

Họ cũng bắt đầu tìm hiểu, làm sáng tỏ, và ghi nhớ về cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ đã tham chiến theo cách riêng của họ. Những khu nhà kỷ niệm, những tấm bia kỷ niệm được xây dựng khắp nơi trên toàn quốc bằng ngân sách của nhà nước, của địa phương… là những ví dụ điển hình. Giờ đây, những luồng ký ức khác nhau về chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu xung đột. 

Liệu ký ức của các cựu chiến binh và ký ức của những thường dân Việt Nam có khác nhau? Tôi cho rằng không hẳn như vậy. Thực ra, cách ghi nhớ đó cũng chỉ là một sự cố gắng để phủ nhận những sự thật trùng khớp mà thôi. Tôi đã thực hiện vai trò tái hiện lại những ký ức đó bằng tư liệu ghi chép. Tôi nghĩ rằng các ghi chép đó vẫn cần phải chi tiết và đầy đủ hơn nữa. Tôi vẫn đang tiếp tục công việc này. 

* Góc nhìn của ông về lịch sử đã được “mở dần” như thế nào, thưa ông?

- Góc nhìn của tôi về lịch sử đã phần nào được mở rộng trong khi đọc tập lưu trữ tin tức mà cha tôi để lại. Tôi đã đọc những tài liệu báo chí cùng những bài giải thích lịch sử giai đoạn từ năm 1959 đến những năm 1990, nhưng như tôi đã trình bày trong lời giới thiệu ở bản in bằng tiếng Việt, tôi đặc biệt bị cuốn hút vào thời điểm năm 1968. Có thể gọi đó là năm kịch tính nhất chăng?

Nửa đầu những năm 1980, những học sinh cấp III và sinh viên đại học chúng tôi từng ôm súng gỗ hoặc súng thật để tham gia chương trình huấn luyện quân sự được xây dựng thành một môn học chính quy. Chúng tôi đã khoác lên mình kiểu áo như quân phục để học bắn súng, kiếm thuật, và đôi khi phải ra cả trường bắn. Đó là những việc chỉ có thể xảy ra ở những nước đang trong thời chiến mà thôi.

Trước cuốn sách  12-2-1968 , nhà báo Koh Kyoung Tae từng có một triển lãm ảnh nạn nhân chiến tranh Việt Nam -  Nguồn: Báo cáo điều tra của lính Mỹ.
Trước cuốn sách "12-2-1968" , nhà báo Koh Kyoung Tae từng có một triển lãm ảnh nạn nhân chiến tranh Việt Nam - Nguồn: Báo cáo điều tra của lính Mỹ.

Tôi cũng hiểu được rằng, gốc rễ của vụ việc này cũng từ năm 1968 mà ra. Năm 1968, là năm nguy cơ chiến tranh treo lơ lửng trên đầu hai miền Nam, Bắc Hàn; cũng là năm phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên bùng lên sục sôi, không chỉ ở Hàn Quốc mà trên khắp thế giới. Đây cũng là giai đoạn những cuộc thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra tại Việt Nam đang đến cao trào. Tôi đã muốn viết lại các cuộc thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn mới liên kết với bối cảnh trên toàn thế giới. Mối quan hệ giữa tình hình căng thẳng đối đầu lên đến đỉnh điểm của hai miền Nam Bắc Hàn và cuộc chiến tranh Việt Nam rõ ràng là một mối quan hệ có muốn tách biệt cũng không được. 

Quá khứ vẫn luôn có mặt trong hiện tại

* Từ phía các cựu binh Hàn Quốc, hẳn đã có những câu chuyện đẩy đưa đầy bi kịch?

- Có quá nhiều câu chuyện thú vị xảy ra ở điểm liên kết này mà tôi chưa được biết. Có rất nhiều bi kịch đau thương. Câu chuyện của Kim Jin Soo, người đã thành mồ côi trong chiến tranh Triều Tiên được nhận làm con nuôi của một cựu binh Mỹ từng tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên, sau khi di cư qua Mỹ sinh sống và trưởng thành đã bị phái quân sang chiến tranh Việt Nam là một ví dụ. Sang nghỉ phép tại một căn cứ quân sự đóng tại Nhật, anh đã đào ngũ và sau đó bỏ trốn vào Đại sứ quán Cuba tại Nhật. Trải qua một năm tại đây, sau đó, được sự giúp đỡ của các nhà hoạt động hòa bình Nhật Bản, anh vượt biên sang châu Âu.

Câu chuyện của người lính Hàn Quốc Ahn Hak Soo, người đã sang chiến trường Việt Nam kể từ đợt phái quân đầu tiên năm 1964, rồi bị mất tích, sau đó lại xuất hiện ở Bình Nhưỡng… cũng là một câu chuyện nghiệt ngã. Tôi được biết đến những câu chuyện như vậy trong quá trình điều tra để viết sách. Quay trở lại câu chuyện ban đầu, trong tập tư liệu cắt dán, lưu trữ của cha mình, tôi đã có những phát hiện quá ấn tượng về năm 1968. Từ đó, tôi mới trực tiếp điều tra và mới có thể làm sáng tỏ những tình tiết cụ thể của quang cảnh đó. 

Hình ảnh những người chết trong vụ thảm sát ở Phong Nhất - Phong Nhị trong một triển lãm ảnh nạn nhân chiến tranh Việt Nam của tác giả Koh Kyoung Tae  - Nguồn: Báo cáo điều tra của lính Mỹ.
Hình ảnh những người chết trong vụ thảm sát ở Phong Nhất - Phong Nhị trong một triển lãm ảnh nạn nhân chiến tranh Việt Nam của tác giả Koh Kyoung Tae - Nguồn: Báo cáo điều tra của lính Mỹ.

* Nếu nói rằng, cuốn sách này không hẳn là phê phán sự mù quáng đẩy tới thứ bạo lực khát máu của những người lính Hàn Quốc. Tôi muốn nhìn nhận lại vấn đề rộng hơn: chính quân đội Hàn Quốc (320.000 quân) cũng bị kéo vào một cuộc cờ lịch sử mà họ không kiểm soát được luật chơi? 

- Mượn lời của nhà hoạt động vì hòa bình của Nhật Bản Oda Makoto mà tôi có dẫn trong sách, rằng được huy động để đánh phá và giết chóc, họ là những thủ phạm; nhưng xét ở điểm họ bị quyền lực quốc gia cưỡng chế thực hiện những hành vi đó, ta có thể thấy họ cũng chính là nạn nhân. Xem như “vì là nạn nhân” nên họ đã trở thành thủ phạm. Không chỉ Oda Makoto mà tất cả những nhà hoạt động vì hòa bình của Nhật Bản đã nỗ lực để cắt đứt mắt xích của một vòng tuần hoàn ác nghiệt “nạn nhân = thủ phạm” thông qua hoạt động hỗ trợ lính đào ngũ. 

Tôi không viết sách này để nói rằng các cựu chiến binh là những nạn nhân. Ở đây chỉ là tôi đã lắng nghe câu chuyện của họ. Quyết định tham chiến, cái giây phút mà quân đội Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam, thảm sát đã là điều nằm trong dự kiến. Mỗi cá nhân cựu chiến binh có thể sẽ khác nhau về trình độ, nhân phẩm, nhưng điều đó đối với tôi không quan trọng lắm. Người cần phải bị truy cứu trách nhiệm ở đây chính là những người làm chính trị đã quyết định việc tham chiến, là những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội, là những sĩ quan đã hạ lệnh cho nổ súng tại hiện trường. Lẽ ra không được để quân đội Hàn Quốc sang Việt Nam. 

* Ông muốn nhắn gửi gì với độc giả Việt Nam khi cuốn sách này được phát hành?

- Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa độc giả Việt Nam tìm đọc sách này để quan tâm hơn đến vấn đề thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam. Tôi hy vọng tôi và các bạn độc giả Việt Nam sẽ tìm được sự giao cảm. Lúc tôi nói rằng tôi sẽ đi Việt Nam, nhiều người hỏi tôi liệu có nên khơi lại quá khứ hay không? Họ nói rằng quá khứ thì cứ để vùi lấp đi. Nhưng quá khứ tuyệt không bao giờ có thể vùi lấp. Bởi quá khứ vẫn luôn có mặt trong hiện tại, và đôi khi còn thay đổi cả tương lai. 

* Xin cảm ơn ông. 

Ngọc Tuyền (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI