Phim truyền hình "Tết đú - Đú tết'': Khi ngôn ngữ mạng “tấn công” vào nghệ thuật thứ bảy

15/01/2021 - 15:42

PNO - Một dự án phim tết vừa được công bố mới đây khiến nhiều người giật mình với tên phim: "Tết đú - Đú tết''. Liệu không còn cái tựa nào tốt hơn để đặt?

Theo thông tin đoàn làm phim vừa chia sẻ với báo giới, nội dung Tết đú - Đú tết (đạo diễn Mai Long, Nam Minh Media sản xuất) xoay quanh chuyện hàng xóm đố kỵ, thách nhau xem ai ăn tết lớn hơn, từ đó nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười. Tình cảnh trớ trêu hơn là hai người con của hai nhà lại yêu nhau. Chính tình yêu này khiến xích mích giữa hai bên dần được hóa giải… Phim có mô-típ quen thuộc, dễ đoán, với sự tham gia của các diễn viên NSND Quốc Anh, NSƯT Đới Anh Quân, nghệ sĩ Trà My, Thúy Hà, Khánh Jimmy…

Sẽ không có gì đáng nói nếu tựa phim không đến mức phản cảm như trên. Theo Từ điển Tiếng Việt, “đú” được hiểu theo hai nghĩa. Một là “đua đòi, học theo và ăn theo những hành động, phong trào hay việc làm của người khác. Việc học theo này thường không đến nơi đến chốn nên mang nghĩa xấu”. Hai là “đàn đúm, đú đởn, chơi bời”. Xét theo nghĩa nào thì “đú” cũng không phải là từ mang hàm nghĩa tốt, tích cực; ngược lại là sự chỉ trích, chê bai, phản cảm. Thậm chí đối với nhiều địa phương miền Nam, “đú” cùng nghĩa với chửi thề hoặc hành vi thô tục. 

Nội dung phim có thông điệp ý nghĩa về tết Việt truyền thống, nhưng tựa phim lại phản cảm: Tết đú - Đú Tết
Nội dung phim có thông điệp ý nghĩa về tết Việt truyền thống, nhưng tựa phim lại phản cảm: Tết đú - Đú Tết

Như vậy, chỉ cần xét ý nghĩa đã thấy tiêu đề phim Tết đú - Đú tết hoàn toàn không phù hợp với giá trị tinh thần, nội dung phim muốn chuyển tải. Đạo diễn Mai Long có chia sẻ muốn “lồng ghép những giá trị của tết Việt” vào phim vì “yêu thích những giá trị truyền thống”. Nhưng cái đẹp của thông điệp phim lại đi ngược với cái phản cảm của tiêu đề. 

“Phim ảnh vốn là nghệ thuật thì không thể chấp nhận những điều trần trụi như vậy được. Ngay cả trong trường hợp muốn miêu tả những điều trần trụi nhất, người ta cũng có nhiều cách thể hiện ước lệ mà vẫn giàu sức gợi và đầy tính thẩm mỹ. Làm nghệ thuật không chỉ là làm văn hóa mà còn thể hiện giá trị kinh tế-chính trị của một quốc gia. Người làm nghề càng cần phải bảo vệ được những giá trị tốt đẹp của đất nước mình - mà ở đây chính là giá trị của ngôn ngữ tiếng Việt.

Nói thật, tôi là một người từng phải sống lăn lộn, trải nghiệm cuộc sống tầng lớp bình dân đến khi trở thành trí thức, nhưng chưa bao giờ trong kịch bản của mình, tôi dám dùng những ngôn ngữ tùy tiện như vậy. Chúng ta trồng một cái cây trong bao nhiêu năm trời, nhưng phá hủy thì chỉ bằng một nhát dao. Ở đây còn cần phải nói đến lương tâm của nhà biên kịch, nhà sản xuất, cả diễn viên tham gia phim. Chỉ cần có người lên tiếng góp ý, phản đối thì có thể sẽ không để việc diễn ra như vậy”- biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương nêu quan điểm. 

Từ “đú” vốn được giới trẻ sử dụng phổ biến trên mạng xã hội vài năm trở lại đây: “đú trend”, “xàm xí đú” (chủ yếu hiểu theo nghĩa bề mặt của ngôn từ: bon chen, học đòi, làm chuyện nhảm nhí). Nhưng ngôn ngữ mạng kiểu “đú”, “đú trend” chỉ thuộc về một bộ phận nhỏ người trẻ sử dụng mạng xã hội. Đó được xem là kiểu ngôn ngữ “thời thượng”, mua vui (thật ra là không được phê bình, kiểm soát).

Đặt tựa phim dễ dãi là vô tình rẻ rúng hóa bộ phim,
Đặt tựa phim dễ dãi là vô tình rẻ rúng hóa bộ phim

Còn phim truyền hình nếu cũng sử dụng ngôn ngữ dễ dãi như vậy thì vô tình rẻ rúng hóa bộ phim, cho dù nhà làm phim có nỗ lực thể hiện nội dung hay ho đến thế nào. Chưa kể đối tượng của phim truyền hình đa dạng, cả người già lẫn trẻ nhỏ. Tựa phim phản cảm này rồi sẽ gieo vào đầu thế hệ mầm non những gì, khi mà các bé chưa đủ tri thức để nhận diện những mặt tốt-xấu của ngôn ngữ được sử dụng trên phim? 

Dự kiến, Tết đú - Đú tết sẽ được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình từ đêm giao thừa 2021, sau đó phát lại trên YouTube. Độ tiếp cận có thể phủ rộng đến nhiều vùng thôn quê. Thử hỏi trong trường hợp nhiều nơi theo tiếng địa phương, “đú” được hiểu theo nghĩa tục tĩu, thì giá trị của bộ phim này sẽ là gì? 

Cái biểu đạt hời hợt trên bề mặt của ngôn ngữ mạng tưởng là vô hại, nhưng nói nhiều sẽ thành quen, nghe quen tai có khi lại hiển nhiên đúng. Khi ngôn ngữ mạng “tấn công” nghệ thuật thứ bảy, đó còn là sự thất bại của các nhà quản lý, các hội đồng duyệt kịch bản, duyệt phim.

Để “lọt” một sản phẩm văn hóa chứa đựng từ ngữ phản cảm, thì hoặc là anh sơ hở, hoặc là anh mặc nhiên đồng thuận rằng loại ngôn ngữ ấy đã phổ biến và… bình thường. Đừng quên, những giá trị văn hóa có thể được dựng xây và cũng có thể bị phá hủy từ những điều tưởng chừng rất nhỏ.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI