Phim truyền hình bớt “kịch tính” được không?

22/02/2023 - 08:05

PNO - Sau một số phim truyền hình gây ức chế gần đây, "Đừng làm mẹ cáu" là tác phẩm hiếm hoi khiến người xem thấy thoải mái, dễ chịu khi thưởng thức.

Chỉ còn 3 tập nữa, bộ phim Đừng làm mẹ cáu (phát lúc 21g40 thứ Năm, Sáu hằng tuần trên VTV3) sẽ kết thúc. Hành trình đi tìm hạnh phúc của bà mẹ đơn thân Hạnh (Quỳnh Kool đóng) đang được khán giả mong đợi sẽ có cái kết đẹp với sếp Quân (Nhan Phúc Vinh đóng) - chàng trai khó tính nhưng tốt bụng, ấm áp. Người xem cũng hy vọng cặp đôi Khôi - Vy sẽ không ly hôn, không đóng vai vợ chồng hờ nữa mà có tình cảm với nhau thực sự. Một số hình ảnh hậu trường gần đây cho thấy phim sẽ kết thúc có hậu như mong muốn của khán giả. 

Sau một số phim truyền hình gây ức chế gần đây, Đừng làm mẹ cáu là tác phẩm hiếm hoi khiến người xem thấy thoải mái, dễ chịu khi thưởng thức. Điều này xuất phát từ câu chuyện phim gần gũi, tình tiết nhẹ nhàng, các nút thắt - mở nhanh gọn, diễn viên nhập vai có hồn.

Đừng làm mẹ cáu ghi điểm nhờ câu chuyện nhân văn, dàn diễn viên  từ người lớn đến trẻ con đều hóa thân xuất sắc
Đừng làm mẹ cáu ghi điểm nhờ câu chuyện nhân văn, dàn diễn viên từ người lớn đến trẻ con đều hóa thân xuất sắc

Cùng xoay quanh chủ đề về gia đình, phim chọn góc nhìn về cuộc sống, nỗi niềm của mẹ đơn thân - đề tài khá mới mẻ. Những người mẹ như Hạnh, Vy, bà Kim trong phim có số phận đặc biệt và con của họ - bé Happy, bé Voi, Quân - cũng là những đứa trẻ đặc biệt khi ra đời không phải là trái ngọt của hôn nhân nhưng vẫn lớn lên đầy tình cảm.

Những mô típ trong phim như chuyện Lọ Lem vượt khó và lọt vào mắt xanh hoàng tử (Hạnh và sếp Quân), hợp đồng hôn nhân (Vy và Khôi) không mới nhưng vẫn lôi cuốn nhờ nỗ lực vươn lên của nhân vật, đem lại cảm xúc tích cực cho người xem.

Phim gần như không có tuyến nhân vật phản diện, kể cả cô nàng Mai Anh được xem là “kỳ đà cản mũi” trong mối quan hệ của Hạnh - Quân hay Yến bị xem là “tiểu tam” trong cuộc hôn nhân của Vy - Khôi cũng không có những hành động quá đáng, gây ức chế. Những bất đồng, hiểu lầm giữa các nhân vật trong phim được xử lý gọn ghẽ trong 1-2 tập phim (vụ Hạnh bị đổ oan lấy cắp đồng hồ Mai Anh, Hạnh bị vợ đồng nghiệp Long đánh ghen vì “thả thính” Long…) chứ không tham kịch tính mà kéo dài lê thê như nhiều phim khác.

Trailerphim Đừng làm mẹ cáu:

 

Tuyến truyện dành cho các nhân vật phụ như Mai Anh, tình đầu của Khôi - Yến, Thêu - anh chàng mồ côi thích màu hồng - được phân bổ vừa vặn, hợp lý. Điểm hay nhất là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của bà Vân và Vy được khắc họa khác hẳn cách khai thác về mối quan hệ này trong các phim truyền hình. Bà Vân luôn yêu thương con dâu, thậm chí “đánh ghen” giùm con và cách đánh ghen cũng rất lịch sự nhưng có “sức nặng”.

Không có những tình tiết gay cấn quá đà đến mức gây tranh cãi, không có những nhân vật gây ức chế vì hiền lành quá hay mưu mô, xảo quyệt, Đừng làm mẹ cáu giành thiện cảm bằng sự nhẹ nhàng, nhân văn trong cách các nhân vật nhìn đời lạc quan, sống tình cảm.

Thành tích đứng đầu bảng xếp hạng 10 chương trình truyền hình được yêu thích nhất cả nước tuần qua của Đừng làm mẹ cáu cho thấy phim truyền hình ăn khách không nhất thiết phải ngập tràn “drama” và kéo lê thê cả trăm tập. Độ dài vừa phải (dưới 30 tập), nội dung nhẹ nhàng nhân văn, xây dựng nhân vật đáng yêu, dàn diễn viên hợp vai là những gì công chúng mong mỏi ở phim truyền hình. Đây cũng là điểm chung ở những bộ phim được yêu thích trước đó như Mùa hoa tìm lại, 11 tháng 5 ngày

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI