Phát triển văn hóa đọc: Xây dựng thói quen cho người trẻ

06/10/2020 - 14:50

PNO - Số liệu thống kê đến nay, số lượng sách được đọc hàng năm - tính theo đầu người - vẫn chỉ là con số 1,4.

Tại buổi tọa đàm Hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc - Thách thức - Cơ hội - Những kiến nghị và công việc cần làm và bàn việc phối hợp xây dựng danh mục sách tham khảo cho học sinh đọc mở rộng trong nhà trường vừa diễn ra vào sáng 6/10, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TPHCM cung cấp số liệu thống kê mới nhất: trung bình mỗi người chỉ đọc 1,4 đầu sách/năm.

Số liệu được khảo sát trong 6 năm. Cụ thể, theo các số liệu tổng hợp từ các đơn vị xuất bản, phát hành sách từ năm 2014 đến nay, số tựa sách phát hành đã tăng 30% (từ hơn 28.000 tựa đến hơn 37.000 tựa); số lượng bản in tăng 19% (từ gần 370 ngàn bản đến gần 450 ngàn bản).

Tuy nhiên, trong tổng số 440 triệu bản sách phát hành mỗi năm, có khoảng 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình. Ông Lê Hoàng thống kê lại con số khoảng 140 ngàn bản sách còn lại, nếu chia cho 97 triệu dân Việt Nam, con số đạt được chỉ 1,4 đầu sách/người/năm. 

Diễn giả Lê Hoàng tại tọa đàm sáng ngày 6/10
Diễn giả Lê Hoàng tại tọa đàm sáng 6/10

Trong số top 61 nước có số lượng đọc sách cao nhất, Đông Nam Á có ba nước: Singapore, Indonesia và Malaysia. Khi so sánh về thói quen đọc sách và hoạt động xuất bản giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, ông Lê Hoàng chỉ ra: học sinh Indonesia đọc sách 15 phút trước giờ học chính thức; ở Hàn Quốc, cha mẹ cùng con đọc sách ít nhất 3 ngày/tuần (mỗi lần khoảng 30 phút). Riêng Thái Lan khi khảo sát hơn 55 ngàn hộ gia đình cho ra kết quả: trẻ em dưới 6 tuổi đọc sách 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động 61 phút/ngày và người già 44 phút/ngày.

"Văn hóa đọc của chúng ta quá thấp, do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi còn bé, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một tác phẩm hay như Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài thì trẻ con cũng chỉ được học một trích đoạn. Rất nhiều tựa sách khác cũng đang được học sinh đọc/học theo cách tương tự như thế. Văn hóa đọc còn thấp kém thì bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa gì" - ông Lê Hoàng nhận định.

Thực tế, từ nhiều năm qua, rất nhiều cá nhân/tổ chức nỗ lực xây dựng các hoạt động, sự kiện, tọa đàm nhằm mục tiêu phát triển văn hóa đọc. Nhưng báo cáo mới nhất tại tọa đàm lại cho thấy sự "dậm chân tại chỗ" của văn hóa đọc. 

Mục tiêu đưa tiết đọc sách vào trong nhà trường đang dần trở thành hiện thực
Một trong những mục tiêu phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên là đưa tiết đọc sách vào trong nhà trường

"Nhà trường: thiếu tiết đọc sách; gia đình thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm, trẻ con được tiếp xúc thiết bị công nghệ sớm nhưng không được quản lý; các nhà xuất bản, công ty sách chưa thật sự quan tâm và thúc đẩy các hoạt động phát triển văn hóa đọc" - đúc kết của ông Lê Hoàng cũng là một vấn đề phổ quát của gia đình - xã hội trong việc giáo dục, hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. 

Kết quả của những nỗ lực tâm huyết từ các nhà làm sách, nhà giáo dục là tiết đọc sách trong nhà trường đã được thực hiện thí điểm tại một số trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Hội xuất bản Việt Nam, Công ty Đường sách TPHCM vừa có kế hoạch chi tiết về việc xây dựng danh mục sách bổ trợ cho các môn học để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh. Theo đó, đến ngày 15/11/2020, một danh mục sách được sàng lọc, thẩm định sẽ được Hội xuất bản tổng hợp, giới thiệu chính thức tại các trường học trong cả nước. 

Đường sách TPHCM trong những năm qua là điểm hẹn ý nghĩa bạn yêu sách
Đường sách TPHCM trong những năm qua là điểm hẹn ý nghĩa bạn yêu sách

Trước mắt, Hội xuất bản đã ký kế hoạch liên tịch với quận 1 và quận 9 về tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh, giáo viên và người dân trên địa bàn. Thành đoàn TPHCM, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cùng Hội xuất bản cũng bắt tay phối hợp đẩy mạnh giải pháp xây dựng thói quen đọc sách cho đội viên, học sinh trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các cá nhân tâm huyết, tổ chức đoàn thể bao năm qua, vẫn cần nhất chính là việc xây dựng thói quen đọc cho trẻ nhỏ từ trong môi trường gia đình. Nếu không làm được điều này, không dễ nói trước được kết quả khả quan. 

Lục Diệp

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI