'Ông già Nam bộ nhiều chuyện' Trần Bảo Định

16/09/2019 - 18:21

PNO - Sách ông viết cũng đầy những hình tượng ẩn dụ về thân phận con người từ các sinh vật: bọ hung, ba khía, lìm kìm... Những câu chuyện được kể ngỡ cứ nhẹ nhàng như không, mà thấm thía cái ân tình với người, với đất.

Sách ông viết cũng đầy những hình tượng ẩn dụ về thân phận con người từ các sinh vật: bọ hung, ba khía, lìm kìm... Những câu chuyện được kể ngỡ cứ nhẹ nhàng như không, mà thấm thía cái ân tình với người, với đất.

Ông nói: “Năm nay chú Ba làm xong ba cuốn, năm sau kế hoạch in bốn cuốn nữa. Xong rồi là nghỉ, bao nhiêu đó đã quá đủ rồi”. Chất giọng Nam bộ cộng với sự cởi mở, thân tình của ông dễ gây thiện cảm với người đối diện. Tôi với ông cùng quê Long An, nhưng cách nhau một thế hệ. Lần đầu tiên gặp ông, tôi thấy như gặp lại cả một trời thân thuộc trong những câu chuyện ông kể, cách ông đối đãi với văn chương, và lựa chọn một con đường chữ nghĩa cho riêng mình. Bạn bè hay gọi vui ông bằng cái danh: “ông già Nam bộ nhiều chuyện”. Bởi lẽ, ông có quá nhiều chuyện để kể, để viết…

1. “Nhìn chú Ba có giống đang bị bệnh không?” - ông hỏi, khi vừa ngồi xuống bàn cà phê buổi sớm ngoài trời lao xao nắng. Nhìn sắc mặt tươi vui khỏe khoắn của ông, tôi lắc đầu. Vậy nhưng ba năm nay, nhà văn mang trọng bệnh. Ông không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, uống những loại nước có ích cho sức khỏe. 

'Ong gia Nam bo nhieu chuyen' Tran Bao Dinh
Nhà văn Trần Bảo Định

Sở dĩ ông có sự lạc quan và nhẹ nhàng khi đối diện với bệnh tật, là vì ông biết “nếu đã không thể chấm dứt cơn đau thì chi bằng mình cứ sống chung với nó”. Mà nói như ông, có khi “nhờ” những cơn đau ông mới viết văn. Viết để tìm vui, để quên bệnh tật, để những vốn liếng đã biết, đã trải trong cuộc đời hơn sáu mươi năm không bị phôi pha. Người khỏe mạnh mỗi năm in một cuốn sách đã được cho là nhiều, huống hồ một người già đang mang trọng bệnh. Khi Mưa bình nguyên (tập truyện ngắn, nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) vừa ra mắt, ông đã có “hòm hòm” bản thảo tác phẩm mới dự kiến in vào cuối năm nay. “Phải làm nhanh, làm sớm, cho xong những dự định với văn chương, chữ nghĩa” - ông bảo vậy.

Tên ông là tên một dòng sông. Sông Bảo Định đã có tuổi đời hai trăm năm. Dòng sông thì bao giờ cũng có những khúc quanh, như đời người vậy. “Cái tên có khi vận vào cuộc đời mình lúc nào không hay con ạ!” - ông nói thế. Chẳng biết có phải vì vậy không, mà cuộc đời của Trần Bảo Định cũng xuôi qua khắp các tỉnh miền Tây. Ông hiểu từng vùng đất, những di tích, hiểu cả đặc tính của muôn giống loài miền sông nước. Văn chương Trần Bảo Định không bóng bẩy, hoa mỹ, mà gần như là tả thực. Ông kể những gì mắt thấy tai nghe. Ông viết về những nhân vật lịch sử, những giá trị văn hóa của những vùng đất - có thể đã bị lãng quên. 

Như Mưa bình nguyên, tôi đã thấy câu chuyện của “gò Thuộc Nhiêu”, của thời lập ấp, của những sự tích tên rạch: ông Hổ, Bà Hào, rạch Bần, Cả Cấm… Chuyện về những con người có thể rất đỗi bình thường, nhưng là hình ảnh của cả một vùng đất: lão Năm cối đá, cô Hai lá tre, lão Sáu nhị tỳ, ông Tư giải quyết… Đọc để được trở về với không gian thuần chất miền quê sông nước. Để vẳng lại những câu ca dao xưa đã lạc đâu đó trong tiềm thức, nghe “tiếng nước tôi” trong phương ngữ Nam bộ, đầy ắp tình yêu và sự nhớ thương. 

2. Cái tên Trần Bảo Định bắt đầu xuất hiện trên văn đàn từ năm 2012, với tập thơ Ngao du sơn thủy (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ). Nhưng gây chú ý phải đến năm 2014, khi ông xuất bản cùng lúc ba tác phẩm: Vợ tôi, Làng tôi (thơ) và Kiếp ba khía (truyện). Rồi liên tiếp những năm sau đó, ông cho in Đời bọ hung, Phận lìm kìm, Chim phương Nam, Bóng chiều quê, Bông trái quê nhà, Đất phương Nam ngày cũ… Hai tập Ông già Nam bộ nhiều chuyện (gồm các tựa: Dấu chưn lưu dânGóc khuất dưới chưn đèn) đã định danh ông thành “ông già Nam bộ nhiều chuyện” trong mắt bạn bè thân thuộc.

“Có người nói phải sửa lại là “hay chuyện”, chữ “nhiều chuyện” nghe có vẻ hàm ý không tốt. Nhưng chú Ba nói không sao, hiểu theo nghĩa là “có nhiều chuyện để kể” chẳng phải cũng đúng sao?” - nhà văn nói vui. Ông sinh ra tại TP.Tân An, tỉnh Long An. Sau năm 1975, ông lên TP.HCM sinh sống. Nhưng trong những trang viết của ông chỉ có bóng quê xưa chứ không vương “hồn đô thị”. Cứ nhìn những tựa ông đặt cho tác phẩm thì biết, tất cả đều dành cho quê nhà - Long An nói riêng và Nam bộ nói chung.

'Ong gia Nam bo nhieu chuyen' Tran Bao Dinh
Nhà văn Trần Bảo Định và một số tác phẩm của ông

“Chú Ba có chín năm trở về làm ruộng ở quê, hướng dẫn bà con nông dân làm nông nghiệp theo phương pháp hiệu quả nhất. Thấm thía cái gọi là “cực nhưng không khổ, không cực mà khổ”. Ngồi dưới bóng cây ăn cơm trưa, nhìn thấy cua đực và cua cái âu yếm nhau, quan sát cua đực lột mai, nhìn thấy sự mạo hiểm gian nan của nó, chấp nhận những nguy hiểm kề cận để làm nhiệm vụ của giống nòi. Nhờ những lần quan sát như vậy mà sau này, nhìn con cá, con tôm chú Ba đều có thể kể những đặc tính của chúng” - nhà văn chia sẻ.

Những câu chuyện của ông về các loài vật cho thấy sự quan sát, tìm tòi và thấu hiểu ông dành cho những con vật từ trên cạn xuống dưới nước đều chi tiết, thuyết phục. Có những nhà báo đã gọi vui ông là “nhà sinh vật học” của vùng nông thôn. Chuyện ông kể về đặc tính của các loài tôm, cua, cá, bò sát… có nghe cả ngày cũng không hết, cực kỳ thú vị. Sách ông viết cũng đầy những hình tượng ẩn dụ về thân phận con người từ các sinh vật: bọ hung, ba khía, lìm kìm... Những câu chuyện được kể ngỡ cứ nhẹ nhàng như không, mà thấm thía cái ân tình với người, với đất.

3. Tôi hỏi: “Sao chú không tổ chức ra mắt sách? Chỉ là một buổi giao lưu để độc giả biết đến tác phẩm nhiều hơn?”. “Một người viết văn, những gì thật sự giá trị là để lại trên tác phẩm” - ông nói nhẹ nhàng. Và cứ thế lặng lẽ viết. Ông viết chỉ vì lòng mình muốn viết, không áp lực, không phải để nổi danh hay chứng tỏ cái gì, với ai. “Phải nói là tôi đã “chà lết” khắp nơi ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tôi chỉ viết những gì mình biết, trải nghiệm. Viết cẩn trọng từng chi tiết một. Nhất là khi viết về những di tích lịch sử, tôi đều phải tìm hiểu thật cặn kẽ. Chỉ cần mình sai một chi tiết nhỏ thôi, độc giả có thể sẽ không còn tin mình nữa” - nhà văn bộc bạch. 

Thư viện Trường đại học Đà Lạt - nơi ông từng học - hiện có một ngăn riêng dành trưng bày các tác phẩm của ông. “Mỗi cuốn in ra, tôi cũng mang hai trăm quyển về tặng cho bà con ở quê. Đọc cho vui, để nhớ cảnh vật, sản vật quê nhà.  Đời tôi đã qua, giờ lo thế hệ bọn trẻ có còn biết, còn nhớ nhiều hay không những giá trị để lại của ông cha mình…” - nhà văn Trần Bảo Định bùi ngùi. Tôi hiểu, trong đáy mắt ấy là một mong chờ, hy vọng”… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI