Ocean Vuong: Thơ ca xuất hiện khi tin tức không đủ để giãi bày tất cả

09/01/2022 - 06:46

PNO - Ocean Vuong từng được tạp chí Foreign Policy, Mỹ bình chọn là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới (100 Leading global thinkers) năm 2016 cùng với cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Hillary Clinton, cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hiện anh đang giảng dạy tại Đại học Massachusetts, Amherst.

Nhà thơ "nhân tài" trên đất Mỹ 

Như nhiều người Việt nhập cư đến Mỹ, sinh ra trong một gia đình nghèo, thoạt đầu, Ocean Vuong chọn học marketing tại Đại học Pace với mong muốn đỡ đần gia đình. Tuy nhiên, Vuong đã bỏ sau ba tuần để theo đuổi ngành văn học Anh thế kỷ XIX tại Đại học Brooklyn (Mỹ). Làm việc ở một tiệm bánh sau khi tốt nghiệp, Vuong bắt đầu nhận được một số học bổng và tài trợ cho phép anh có đủ thời gian và tài chính để tập trung hoàn thành tập thơ đầu tay: Night sky with exit wounds (Trời đêm những vết thương xuyên thấu).

Suy tư về hậu quả cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đối với ba thế hệ trong gia đình và phản ánh hình ảnh nhợt nhạt của người cha, Night sky with exit wounds được Copper Canyon xuất bản ở Mỹ vào năm 2016 với hình bìa là bức ảnh chụp Vuong ngồi giữa mẹ và dì. Ngay tập thơ đầu tiên, Vuong đã được đánh giá là “một tài năng xuất chúng”.
Night sky with exit wounds mang về cho Vuong nhiều lời khen tặng từ Poets House, Quỹ Elizabeth George, Quỹ Civitella Ranieri, Quỹ nghệ thuật Saltonstall, Hiệp hội Nhà thơ Mỹ… cùng hàng loạt giải thưởng như: Whiting Award 2016, Thom Gunn Award 2017, Felix Dennis cho tập thơ đầu tay xuất sắc nhất năm 2017 và Forward Prizes 2017; đồng thời lọt vào vòng chung khảo giải Kate Tufts Discovery và giải văn chương Lambda.

Điều đáng nói là tiếng Việt xuất hiện trong tập thơ này của Vuong, trang trọng và đầy đủ dấu, bên cạnh tiếng Anh. Bài Head first được in cùng với hai câu thành ngữ: “Không có gì bằng cơm với cá/ Không có gì bằng má với con”. Bài My father writes from prison thì được bắt đầu bằng một lời hỏi thăm xúc động và đầy thương yêu: “Lan ơi, em khỏe không? Giờ em đang ở đâu? Anh nhớ em và con quá...”.

Tờ The New Yorker không ngần ngại gọi Vuong là “người sửa lại ngôn ngữ tiếng Anh”. Trong khi đó, Andrew Marr - Trưởng ban giám khảo của Forward Prizes - nhận xét: “Ocean Vuong là một tiếng nói mới đáng kinh ngạc. Tác giả đã băng qua nhiều vùng cảm xúc, từ những thương tổn tâm lý cá nhân đến lịch sử và cả những câu chuyện tưởng tượng bằng khả năng liên tưởng bậc thầy. Táo bạo và giàu hình ảnh, Night sky with exit wounds là tập thơ đầu tay hoàn hảo được viết bởi một tài năng xuất chúng”. Năm 2018, tập thơ này tiếp tục mang lại cho Vuong giải T.S.Eliot 2018 - giải thưởng danh giá bậc nhất tại Anh.

Ngày 25/9/2019 có lẽ đã trở thành cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của Ocean Vuong khi anh trở thành một trong 26 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ được Quỹ MacArthur vinh danh và trao giải MacArthur Fellowship (còn gọi là giải Nhân tài) trị giá 625.000 USD (tương đương 14,56 tỷ đồng). Quỹ MacArthur cho biết, họ trao giải thưởng cho Ocean Vuong vì anh “kết hợp truyền thống dân gian với những thử nghiệm ngôn ngữ trong các tác phẩm”. Khi ấy, Vuong vừa tròn 30 tuổi và là một trong hai người trẻ nhất thuộc danh sách nhân tài của nước Mỹ.

Trước đó, vào tháng Sáu, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Vuong - On earth we’re briefly gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) ngay khi vừa ra mắt đã nhanh chóng càn quét danh sách những quyển sách được yêu thích nhất, lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times suốt sáu tuần liền, được đánh giá là một “dấu ấn văn chương của năm 2019” và lọt vòng đề cử giải thưởng sách quốc gia Mỹ. Năm 2020, hãng phim độc lập A24 đã mua bản quyền và quyết định chuyển thể tiểu thuyết này thành phim.

On earth we’re briefly gorgeous hiện đã được dịch ra 29 thứ tiếng và vừa được phát hành tại Việt Nam vào cuối tháng 12/2021. Mặc dù nhận được nhiều vinh danh từ các giải thưởng uy tín cùng vô số lời khen ngợi, Ocean Vuong luôn xuất hiện trước mọi người, dù là độc giả hay học trò của anh, bằng thái độ khiêm tốn và vẻ ngoài giản dị.

“Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về “nhà”, thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui” - Vuong chia sẻ.

Nhà thơ mắc chứng khó đọc

"Với một xuất thân bên rìa hết sức xa lạ, Vuong đã viết nên một tác phẩm trữ tình (Earth we’re briefly gorgeous)  về quá trình tự khám phá chính mình vừa thành thật đến choáng váng, vừa phổ quát trong từng câu chữ"

The Washington Post

Vẫn còn một điều đáng ngạc nhiên về Vuong và có lẽ, chỉ riêng điều này thôi cũng đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người. Thật khó có thể tưởng tượng rằng một cậu bé tị nạn da vàng trên đất Mỹ, vật lộn với chứng khó đọc di truyền suốt chín năm trời, thuở nhỏ nói thứ tiếng Anh của người da đen ít học, sống cùng người bà và người mẹ mù chữ lại trở thành một nhà thơ có sức ảnh hưởng với ngôn từ đẹp đẽ thắp sáng trái tim hàng triệu người trên thế giới.

Tuy nhiên, chính chứng khó đọc này đã tạo nên ảnh hưởng tích cực đến việc viết lách của Vuong. Anh nói với tờ The Guardian: “… bởi vì tôi viết rất chậm và xem từ ngữ y như các vật thể. Tôi luôn cố gắng tìm từ ngữ bên trong từ ngữ. Thật tuyệt vời cho tôi khi thấy được từ laughter [tiếng cười] nằm bên trong từ slaughter [sự tàn sát]”.

Ocean Vuong sinh năm 1988, tên khai sinh là Vương Quốc Vinh. Cả gia đình sáu người đến Mỹ vào năm Vuong hai tuổi và sống trong căn hộ một phòng ngủ ở Hartford (bang Connecticut). Nơi này giống như một ngôi làng toàn phụ nữ Việt Nam và đã để lại nhiều dấu ấn trong thơ văn của Vuong. Vì thế với Vuong, văn hóa Việt gồm đồ ăn và ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày.

Vuong kể với New York Times, cái tên Ocean được mẹ anh đặt lại cho con từ một sự tình cờ. Một bữa, đang làm việc tại tiệm nail, bà kêu lên nóng quá và muốn được ra bãi biển (beach). Một người khách hỏi: “Why not ocean?”. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, bà ngơ ngác. Khi được giải thích đó là “vùng nước giữa nước Mỹ và Việt Nam”, bà quyết định lấy từ Ocean làm tên con.

Ký ức tuổi thơ và những tháng ngày gian khó mưu sinh cùng bà, mẹ và dì Mai được Vuong trải dài qua trang giấy. Câu chuyện về Vuong bắt đầu từ hai thế hệ trước khi anh chào đời, khi người lính trẻ Michigan mang theo ước mơ “trở thành Miles Davis” với chiếc kèn trumpet trên lưng gia nhập quân đội Mỹ và phải lòng “cô thôn nữ mù chữ đến từ cánh đồng ruộng lúa” để rồi sau đó là sự ra đời của hai thế hệ nối tiếp gồm mẹ và Vuong.

“Sau tất cả, ông bà tôi đã yêu nhau và bài học lớn cho một nghệ sĩ như tôi là cuộc đời phức tạp hơn rất nhiều so với những dòng tiêu đề. Và thơ ca xuất hiện khi tin tức không đủ để giãi bày tất cả”.

Là đứa bé da vàng sống trong một quận phần đông là người da trắng, Vuong ý thức rõ sự khác lạ của mình. Dù thường xuyên bị bắt nạt vì màu da nhưng anh cũng tìm thấy sự an ủi ở những người hàng xóm gốc Á, gốc Phi, đi nhà thờ cùng họ. Sống trong một quận phồn thịnh, Vuong chứng kiến những mặt tối của nước Mỹ như bạo lực, nỗi tuyệt vọng của người nghèo và người gốc Á, Phi với bạo hành gia đình, chơi ma túy và chết vì sốc thuốc...

Ngay cả trong gia đình, Vuong cũng hứng chịu bạo lực từ người mẹ kiệt quệ vì công việc thường trút bực tức và mệt nhọc xuống đứa con và từ những ký ức chiến tranh, nhà cháy, người chết của bà ngoại nửa điên nửa tỉnh. Thế nhưng đó cũng là một gia đình tràn ngập tình yêu, thứ tình yêu của những con người bấu víu vào nhau vì không còn ai.

“Phần đẹp nhất của cơ thể là bất cứ nơi đâu/ Phủ hình bóng mẹ”

Vuong đi học từ năm tuổi nhưng phải nhiều năm sau anh mới có thể đọc hiểu được tiếng Anh. Từ đó, cậu bé da vàng yếu ớt, thường xuyên bị bắt nạt tìm niềm an ủi qua sách vở và bắt đầu tập làm thơ. Thầy giáo đọc được bài thơ của Vuong. Ông nghi ngờ đứa trẻ nghèo mắc chứng khó đọc, xuất thân từ một gia đình mù chữ, phát âm chữ “the” cũng ngọng làm sao có thể viết được bài thơ hay đến thế. Vậy là Vuong bị phạt vì tội ăn cắp thơ.

On earth we’re briefly gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) hiện đã được dịch ra 29 thứ tiếng và vừa được phát hành tại Việt Nam vào cuối tháng 12/2021
On earth we’re briefly gorgeous (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) hiện đã được dịch ra 29 thứ tiếng và vừa được phát hành tại Việt Nam vào cuối tháng 12/2021

Nhưng có một điều thầy giáo không biết rằng những phụ nữ xung quanh Vuong - từ người bà mắc chứng tâm thần phân liệt đến người mẹ cả đời quần quật ở tiệm nail để nuôi con, luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về chiến tranh và dì Mai tội nghiệp dù mù chữ, dù khó đọc vẫn thuộc làu làu hàng trăm bài ca dao, có thể ngân nga bất kỳ câu Kiều nào mỗi khi hát ru con đã truyền cho Vuong nghị lực, tình yêu, sức mạnh, đức tính kiên trì và cả con mắt nhìn nhận được cái đẹp của thế giới, dù là một cánh chim ruồi, một vạt hoa hay một chiếc đầm trong cửa hiệu.

Bà ngoại có ảnh hưởng lớn đến Vuong. Chính bà đã dạy cho anh văn chương bình dân của người Việt, kể cho anh nghe về cuộc chiến tranh của Việt Nam. Bà còn dạy anh cách nhìn vào những bức tường trống như tấm vải canvas để trí tưởng tượng bay cao bay xa. Khi bắt đầu làm thơ, Vuong đã học cách chừa lại một phần của tấm canvas đó cho độc giả.

Ocean Vuong từng được tạp chí Foreign Policy, Mỹ bình chọn là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới năm 2016
Ocean Vuong từng được tạp chí Foreign Policy, Mỹ bình chọn là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới năm 2016

“Tôi nghĩ chúng ta thường nhìn vào khoảng trống, vào sự tĩnh lặng như một dạng thức của cái chết, của sự yếu đuối. Nhưng thơ ca dạy cho chúng ta rằng sự tĩnh lặng, sự trống rỗng và khoảng trống mới là nơi chứa đựng sức mạnh thực sự”.

Vuong yêu mẹ và thương bà. Hình ảnh họ trở đi trở lại trong tác phẩm của anh, rõ mồn một, vừa là câu chuyện cá nhân, vừa là đại diện cho người phụ nữ Việt tị nạn trên đất Mỹ. Trong bài Head first, Vuong viết: “Nhưng chỉ có người mẹ, có thể bước đi, với sức nặng của nhịp đập của quả tim thứ hai”. Tập thơ Earth we’re briefly gorgeous là món quà Vuong dành tặng bà và mẹ, những người đã nuôi Vuong khôn lớn, những người giờ đây đã không còn ở bên anh nữa.

“Điều con biết là tiệm móng không chỉ là một nơi làm việc và xưởng làm ra sắc đẹp, đó còn là nơi trẻ con của dân ta lớn lên - không ít đứa, như anh Victor, sẽ bị suyễn sau nhiều năm liền hít cái thứ khí độc hại vào hai lá phổi vẫn đang còn phát triển. Tiệm còn là nhà bếp, nơi cánh phụ nữ ta ngồi xổm trên sàn ở những căn phòng phía trong, xúm xít quanh mấy cái chảo to lách tách và xì xèo trên bếp điện, mấy nồi phở lớn liu riu làm hấp hơi không gian chật chội sực mùi gừng, quế, bạc hà, đinh hương, bạch đậu khấu trộn lẫn với formol, toluene, acetone, Pine-Sol, thuốc tẩy. Là nơi mà các tin đồn, truyện dân gian, chuyện bịa và truyện cười từ cố hương ta được kể lại, bổ sung, nơi mà tiếng cười bùng lên trong những căn phòng chỉ rộng bằng tủ đồ của người giàu, rồi nhanh chóng lụi đi để lại cái thinh lặng phẳng lì, rờn rợn. Đó còn là phòng học tạm bợ nơi ta đến, những ngày mới chân ướt chân ráo rời khỏi thuyền, máy bay hay vực thẳm; lòng hy vọng tiệm này chỉ là trạm dừng tạm thời - cho tới khi chân ta đủ cứng hay đúng hơn, cho tới khi hàm ta đủ mềm để nhả ra những âm tiết tiếng Anh - nơi ta cắm mặt vào những cuốn bài tập trên các bàn làm móng, làm bài về nhà ở các lớp tiếng Anh buổi tối ngốn của ta một phần tư lương…” - một đoạn trong tác phẩm đã bao hàm được tất cả tình cảnh của người Việt tha hương trên đất Mỹ.

Night sky with exit wounds mang về cho Vuong nhiều lời khen tặng và giải thưởng
Night sky with exit wounds mang về cho Vuong nhiều lời khen tặng và giải thưởng

Bà ngoại của Vuong mất vì ung thư xương còn mẹ anh qua đời vì ung thư vú. Người mẹ mù chữ ấy một lần đến dự buổi ra mắt sách của con, nghe con đọc thơ bằng tiếng Anh mà chẳng hiểu gì, chỉ lặng lẽ quan sát cử tọa rồi sau đó bật khóc nói với con: “Má không bao giờ nghĩ mình sẽ sống để nhìn thấy ngày những người da trắng lớn tuổi vỗ tay tán thưởng con của má!”.

Lê Phan

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI