Nước Mỹ đang "rớt điểm" trong lòng du học sinh?

19/05/2025 - 17:16

PNO - Những thay đổi về chính sách dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn đối với sinh viên quốc tế, hủy bỏ thị thực và cắt giảm tài trợ giáo dục... khiến nhiều sinh viên có nguyện vọng du học Mỹ băn khoăn.

Ngày càng có nhiều sinh viên tiềm năng cảm thấy lo lắng hơn về việc đến Mỹ học tập - Ảnh: iStock
Ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế tiềm năng cảm thấy lo lắng về việc đến Mỹ học tập - Ảnh: iStock

Không còn là “giấc mơ Mỹ”

Trong nhiều tháng, Noah (19 tuổi) đến từ Malaysia đã nghiên cứu về chương trình đào tạo ngành nghiên cứu sinh học biển tại Mỹ. Chàng trai tìm hiểu về các quy định thị thực, cơ hội việc làm và thực tập. Nhưng vào tháng 4/2025, Noah đã từ bỏ ước mơ của mình.

"Tôi từng muốn đến Hawaii - một số người gọi nơi này là Disneyland dành cho các nhà khoa học biển" - Noah nói với tờ The Straits Times (Singapore).

Các trường cao đẳng và đại học Mỹ từ lâu đã là điểm đến được mong muốn nhất của sinh viên trên toàn cầu. Hàng trăm ngàn người đổ xô đến Mỹ hàng năm để đăng ký vào các chương trình đại học và sau đại học.

Chỉ riêng trong năm học 2023-2024, sinh viên nước ngoài đã đóng góp hơn 43 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA.

Trong nhiều thập kỷ, sinh viên quốc tế đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống giáo dục Mỹ. Nhưng những thay đổi gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với chính sách nhập cư và giáo dục đã dẫn đến sự bất ổn lan rộng tại các trường học, nơi các nhà quản lý cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn nếu ít sinh viên nước ngoài lựa chọn học tập tại Mỹ.

Trong một động thái chưa từng có, Bộ An ninh Nội địa vào tháng 4/2025 đã đe dọa sẽ loại bỏ khả năng tuyển sinh viên nước ngoài của Đại học Harvard, trong một động thái không khỏi khiến các trường đại học khác lo ngại.

Suzanne Ortega - Chủ tịch Hội đồng các trường sau đại học tại Mỹ - cho biết: “Nếu điều đó xảy ra tại Harvard, hậu quả ở những nơi khác sẽ rất tàn khốc. Điểm mấu chốt là sinh viên có quyền lựa chọn nơi để đến, và nếu họ chọn đến các quốc gia khác có vẻ chào đón hơn, thì lợi ích của các quốc gia đó sẽ là tổn thất của Mỹ".

Mặc dù sinh viên quốc tế chỉ chiếm khoảng 6% trong giáo dục đại học, nhưng họ đóng vai trò to lớn trong việc hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu và ngân sách của trường.

Clay Harmon - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý Tuyển sinh Quốc tế, một tổ chức giúp các trường cao đẳng tuyển sinh sinh viên quốc tế - tiết lộ: Không giống như sinh viên trong nước, sinh viên nước ngoài có nhiều khả năng phải trả toàn bộ học phí.

Tại nhiều trường, việc tuyển 1 sinh viên nước ngoài có thể có hiệu quả tài chính ít nhất gấp 3 lần so với việc tuyển 1 sinh viên trong tiểu bang.

Theo dữ liệu từ Hội đồng các trường sau đại học tại Mỹ, các chương trình sau đại học tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, thu hút số lượng sinh viên quốc tế lớn hơn hẳn so với số lượng sinh viên trong nước.

Ở nhiều trường hợp, động lực đó giúp sinh viên sinh ra tại Mỹ có thể lấy được nhiều bằng cấp hơn. Bằng cách trả học phí và dạy học, sinh viên quốc tế giúp nhiều cơ sở giáo dục duy trì các chương trình học thuật vốn sẽ gặp khó khăn.

Sinh viên quốc tế xem xét lựa chọn khác

Báo cáo Mùa thu năm 2024 của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) ban đầu ghi nhận mức tăng 3% về số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký vào các trường cao đẳng và đại học Mỹ vào đầu năm học 2024-2025 so với năm trước.

Tuy nhiên, phân tích mới dựa trên dữ liệu từ Hệ thống thông tin sinh viên và học viên trao đổi (SEVIS), do Bộ An ninh Nội địa Mỹ quản lý, cho thấy sự sụt giảm đáng kể về số lượng sinh viên đến Mỹ.

Cụ thể, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký vào các tổ chức giáo dục của Mỹ từ tháng 3/2024 đến tháng 3/2025 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm học 2023-2024, và có khả năng khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại tới 4 tỉ USD.

Đối với Noah, những lo lắng mới buộc cậu phải chuyển sang các lựa chọn đại học tại địa phương hoặc cân nhắc du học Singapore và Úc.

Noah chia sẻ: "Tôi đã hướng sự chú ý về gần nhà hơn. Đông Nam Á cũng có hệ sinh thái biển đáng kinh ngạc và có lẽ đây là một dấu hiệu để tôi bắt đầu công việc của mình ngay tại đây, nơi gần gũi nhất".

Vào tuần đầu tiên của tháng 5/2025, một số nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Liên minh Châu Âu (EU) đã tập trung để khởi động một sáng kiến ​​mới có tên gọi "Chọn Châu Âu vì khoa học".

Phát biểu từ Sorbonne - trường đại học nổi tiếng nhất của Pháp, họ đã công bố khoản đầu tư 500 triệu euro nhằm thu hút các nhà nghiên cứu và sinh viên nước ngoài đến các trường đại học trên khắp châu Âu.

Trong một động thái ngầm chỉ trích ông Trump, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - lưu ý rằng chương trình mới này hoàn toàn trái ngược với tình trạng cắt giảm tài trợ nghiên cứu ở các khu vực toàn cầu khác, nơi "vai trò của khoa học trong thế giới hiện đại đang bị nghi ngờ". Theo bà, việc đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, miễn phí và cởi mở đang bị đánh giá thấp. Đây thật sự là một tính toán sai lầm.

Linh La (theo USA Today, Straits Times, VNExpress)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI