Nửa tin nửa ngờ!

25/01/2018 - 09:35

PNO - “Nửa tin nửa ngờ” là tâm trạng chung của nhiều giáo viên một số trường phổ thông tại TP.HCM khi những tố cáo, khiếu nại của họ được lãnh đạo cấp trên tiếp nhận, giải quyết. Sao lại có chuyện trớ trêu đó?

Xin được bắt đầu lại chuyện này từ Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11). Còn nhớ, đầu năm 2016, sau một thời gian dài tiết kiệm đến từng cây bút, tờ giấy phô-tô, cuộn giấy vệ sinh… với hy vọng thu nhập sẽ được tăng thêm, nhưng khoản tiền các giáo viên (GV) cố gắng tiết kiệm ấy cứ ngày càng giảm, sau 5 năm đã giảm gần một nửa (từ 16 triệu đồng còn 7,2 triệu đồng), trong khi các khoản thu chi của trường thì cứ ngày càng khuất tất.

Điển hình là vụ trường có 2.300 học sinh (HS) theo học nhưng trong báo cáo công khai về học phí chỉ ghi 1.700 HS và vụ chi 300 triệu đồng sửa chữa nhà vệ sinh nhưng thực tế không hề có chuyện sửa chữa. 

Nua tin nua ngo!
Không thể nói học sinh Trường THPT Trần Quang Khải không bị ảnh hưởng xấu khi thầy cô của các em phải lo chống tiêu cực chứ không tập trung giảng dạy

Vụ việc bị GV tố cáo lên Sở GD-ĐT, rồi lên Thành ủy và UBND TP.HCM. Không rõ sở có thanh tra hay không, thanh tra lúc nào, nhưng một phó giám đốc sở, khi về trường dự họp đã “vừa đấm vừa xoa”: “Tôi khẳng định hiệu trưởng (HT) và kế toán không công khai minh bạch. Tôi sẽ kiểm điểm kế toán đầu tiên”.

Rồi trả lời thắc mắc của GV về thu nhập tăng thêm, ông cho là HT và kế toán chẳng... tội tình gì: “Thu nhập thấp (ý nói về thu nhập tăng thêm) là do khủng hoảng kinh tế, chỉ vì không công khai rõ ràng nên đã gây hiểu lầm cho GV”. Ông còn tranh thủ “đổ lỗi” cho GV là không quan tâm góp ý kỹ cho quy chế chi tiêu nội bộ. Nhiều GV đã bực tức rời khỏi cuộc họp.

Ông phó này còn khẳng định: “Đơn Thành ủy gửi về, sở sẽ làm. Thầy cô cứ yên tâm”. Về “dự án” 300 triệu đồng sửa chữa nhà vệ sinh, ông xác định “hồ sơ đúng quy trình”. Nhưng, khi GV hỏi “thực tế có làm không?”, ông... hứa sẽ trả lời sau. Lời hứa gió bay, đã gần 2 năm trôi qua, câu trả lời vẫn chưa có. 

Câu chuyện thứ hai chúng tôi xin nhắc lại xảy ra tại Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8). Sau 2 năm đấu tranh quyết liệt, đến tháng 3/2016, dưới sự chỉ đạo lần thứ hai của UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT mới đưa ra kết luận vụ việc. Theo đó, HT Trường THPT Ngô Gia Tự là ông Trương Quang Dũng đã có những sai phạm về tài chính và chỉ đạo HT phải khắc phục. Đã ngót nghét 2 năm, tất cả những sai phạm đó vẫn không được khắc phục.

Đầu năm học 2017-2018, sau khi Báo Phụ Nữ phản ánh chuyện HT Trường THPT Long Trường là ông Đào Phi Trường “bắt chẹt” phụ huynh và GV đóng góp tiền bạc, vật chất khi muốn chuyển trường, Sở GD-ĐT đã cho kiểm tra, chỉ đạo phải trả lại tiền và máy lạnh cho những trường hợp bị làm khó. Lại là kiểu chỉ đạo... gió bay!

“Không kết luận” hoặc “có kết luận nhưng không kiểm tra xem cấp dưới có thực hiện không” là thực trạng hiển nhiên của ngành giáo dục, khiến GV ngày càng mất niềm tin, thậm chí nghi ngờ cơ quan quản lý đã bao che, giảm nhẹ tội cho cấp dưới khi họ cố tình sai phạm.

Bởi đã gần hai năm qua, sở vẫn chưa có kết luận hay câu trả lời cụ thể nào cho những khiếu nại của tập thể GV Trường THPT Trần Quang Khải, trong khi những người bị tố cáo là HT thì được về hưu non, kế toán được chuyển công tác sang trường khác.

Bởi, mỗi nhiệm kỳ HT chỉ 5 năm, nhưng có HT đã đem tài sản của trường (gồm nhà học, hội trường, hồ bơi, sân bãi…) cho đối tác thuê 25 năm với giá rẻ mạt; ký hợp đồng cho “đối tác” độc quyền cung cấp đồng phục HS trong 10 năm (!).

Người “cố ý làm trái” sau đó lại được sở điều về làm hiệu phó một trường hoành tráng hơn. Nếu những cán bộ như thế còn được dung dưỡng thì tình hình giáo dục sẽ tiếp tục rối rắm hơn. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI