Nụ cười anh Bảy Chà

18/11/2018 - 11:30

PNO - Đầu thập niên 1960, nhiều sản phẩm được tung ra thị trường nhưng sức mua hạn chế. Vì thế, đài phát thanh Sài Gòn cho ra chương trình phát thanh thương mại để quảng bá các sản phẩm. Nhờ vậy, thị trường càng lúc càng sôi động...

LTS: Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam, đến nỗi mà giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa rất nhiều người vẫn còn nhớ...

Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.

Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…

Bài 1: Chuyện chưa nói hết về huyền thoại xà bông Cô Ba

Bài 2: Sự trở lại của Dạ Lan

Bài 3: Thorakao - Một thời vàng son

Bài 4: Bột ngọt Vị Hương Tố - Ly kỳ chuyện 'châu chấu đá xe'

Bài 5: 'Vua ngân hàng' Nguyễn Tấn Đời - Bài 1: Tay trắng thành tỷ phú

Bài 6: 'Vua ngân hàng' Nguyễn Tấn Đời - Bài 2: Tỷ phú bỗng chốc thành trắng tay

Bài 7: Bác sĩ Bùi Kiến Tín và chai dầu khuynh diệp

Anh yêu em hay anh yêu kem...

Chương trình được phát từ 11g - 12g mỗi ngày. Nội dung không rườm rà, chủ yếu sau những bài hát thật hay do ca sĩ nổi tiếng trình bày là những đoạn quảng cáo về những sản phẩm đang lưu hành trên thị trường.

Trong số các tiết mục quảng cáo thời bấy giờ, sau hơn 50 năm đến nay nhiều người vẫn còn nhớ câu hát cho đoạn quảng cáo này. "Anh yêu em hay anh yêu kem yêu anh Bảy Chà da đen?? Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen” Rồi một đoạn với vài lời nói về sản phẩm, đoạn nhạc theo điệu cha cha cha tiếp tục vang lên :

"Chà chà chà, Hynos, chà chà chà.

Chà chà chà, hàm răng em trắng bóc.

Cha cha cha, cha cha cha.

Và ngàn nụ cười, nụ cười tươi như hoa".

Điệu nhạc viết rất hay, lời bài hát dễ nghe và dễ thuộc. Suốt chương trình, tiết mục này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần kèm theo những lời rao hết sức hấp dẫn. Trong các xóm lao động, những bầy trẻ nô đùa rong chơi vẫn thường hát theo bài hát đó.

Nu cuoi anh Bay Cha
Biển quảng cáo kem đánh răng Hynos dọc theo quốc lộ

Vậy kem đó là kem gì và anh Bảy Chà là ai? Đó là một loại kem đánh răng mới nổi có tên là Hynos và anh Bảy Chà có nước da đen nhánh, nụ cười với hàm răng thật trắng là biểu tượng của sản phẩm.

Bên cạnh đài phát thanh, Hynos còn quảng cáo rất rầm rộ và liên tục trên hàng chục tờ báo. Những câu quảng cáo rất mộc mạc đậm chất dân quê đã làm nhiều người dân hưởng ứng : "Trồng lúa mới có gạo mà ăn, thế mà có người đã phải trồng răng mới có răng mà ăn. Vì không săn sóc răng một cách chu đáo có người đã bị sâu răng và mất nhiều răng. Với Hynos phosphate đánh răng sớm chiều răng vững bền nhiều".

Bên cạnh còn có hình ảnh một bàn tay cấy từng bụi lúa và hộp kem với anh Bảy Chà cười tươi rói.

Trên các trục đường quốc lộ dẫn vào các tỉnh thành, thị trấn, những tấm pano thật lớn vẽ hình cây kem, hàng chữ Hynos và hình ảnh anh Bảy Chà đập vào mắt mọi người.

Trên thị trường, 2 loại kem bán chạy nhất là Perlon và Leyna có dấu hiệu khựng lại. Từ vị trí khiêm tốn trên các kệ hàng, Hynos dần dần vươn lên ngang tầm với các đối thủ lớn mạnh.

Nu cuoi anh Bay Cha
Quảng cáo Hynos xuất hiện trên báo

Thời điểm này, truyền hình còn rất phôi thai. Quảng cáo trên truyền hình là điều không tưởng. Vậy mà, Hynos đánh một chiêu hết sức táo bạo, tốn khá nhiều tiền mà ít có nhãn hàng nào dám áp dụng: quảng cáo trên phim chiếu trong các rạp chiếu bóng.

Thời ấy, diễn viên Hồng Kông đóng phim võ hiệp rất ăn khách. Một đoạn phim ngắn chừng 10 phút với các diễn viên gạo cội xuất hiện làm chấn động cả thương trường ...

Hynos bị... cướp chiếm đoạt

Một ngày đầu năm 1972, chúng tôi vào rạp Văn Hoa để xem bộ phim được cho là rất hay, Thập tam thái bảo. Khách quá đông chật cứng cả dưới đất và trên lầu. Chúng tôi may mắn mua được vé và có được ghế ở vị trí tốt.

Đèn trong rạp tắt. Màn cửa kéo kín lại. Trên màn ảnh bắt đầu xuất hiện những slot (thời điểm quảng cáo cụ thể trong khung giờ phát sóng) quảng cáo các sản phẩm trong nước đang có mặt trên thị trường.

Sau hơn 10 phút, đến đoạn giới thiệu những bộ phim sắp chiếu, trên màn ảnh đại vĩ tuyến, cảnh núi rừng trùng điệp. Trên con đường đất xuyên qua cánh rừng, đoàn bảo tiêu trang bị gươm dáo đang đẩy chiếc xe chở báu vật di chuyển. Chỉ huy nhóm là một tráng sĩ râu hùm hàm én với thanh đao sắc bén trong tay.

Nu cuoi anh Bay Cha
Trong các khu dân cư cũng không thiếu quảng cáo Hynos

Đến đoạn đường hẹp, một nhóm thảo khấu xuất hiện, yêu cầu nhóm bảo tiêu giao nộp xe. Trận đấu dữ dội xảy ra, sau cùng bọn cướp đã thắng. Tên cầm đầu mở tung thùng hàng lấy ra... một hộp kem Hynos đưa lên. Cả rạp đang thót tim, bỗng cười ồ.

Cầm đầu nhóm bảo tiêu là diễn viên La Liệt, nhóm cướp là Vương Vũ. Cả hai đều rất nổi tiếng nên dĩ nhiên chi phí để thực hiện đoạn quảng cáo này không nhỏ. Sau khi có được đoạn phim, Hynos phải tốn thêm một khoản chi phí để được trình chiếu tại rạp.

Đến lúc này trên thị trường, kem đánh răng Hynos đã chiếm ngôi vị độc tôn. Từ Quảng Trị đến Cà Mau, đâu đâu cũng nghe tiếng anh Bảy Chà và tuýp kem đánh răng Hynos. 

Sự lớn mạnh và thành công của Hynos được nhiều người thừa nhận. Kết quả này có sự đóng góp rất tích cực của quảng cáo. Không dừng lại trong nước, Hynos tiếp tục lan tỏa ra các thị trường Đông Nam Á. Đoạn phim do Vương Vũ và La Liệt đóng được đưa đến các rạp ở Lào, Thái, Campuchia, Singapore, Mã Lai chiếu và mặt hàng Hynos cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường các nước này.

Bí quyết thành công: Trung thực trong kinh doanh

Nhiều người thắc mắc: người chủ của Hynos là ai? Ông vốn là một công nhân làm việc trong các hãng xưởng. Không xuất thân từ trí thức, không phải là một nhà kinh doanh nhưng ông có tầm nhìn bao quát và ý tưởng kinh doanh táo bạo. 

Nu cuoi anh Bay Cha
Tại chợ, quảng cáo Hynos xuất hiện rất hoành tráng

Trước khi trở thành ông chủ của Hynos, ông chỉ là một công nhân của cơ sở sản xuất này. Khai sinh ra Hynos là một người Mỹ gốc Do Thái. Ông này lấy vợ Việt, có ý định sống hẳn ở Việt Nam nên đã mở ra cơ sở sản xuất kem Hynos. Không may, chỉ được vài năm người vợ ông bạo bệnh qua đời. Buồn rầu, ông có ý định bán cơ sở quay về cố quốc.

Bấy giờ, anh thanh niên Vương Đạo Nghĩa đang làm công cho Hynos và rất được vợ chồng ông bà chủ tin tưởng. Thay vì rao bán nhãn hiệu, ông chủ Mỹ đã nhượng lại Hynos cho Vương Đạo Nghĩa với giá mềm. Không ngờ, chỉ 10 năm sau, Hynos từ một xưởng nhỏ đã lớn mạnh, đủ sức đánh gục các ông lớn kem đánh răng tại miền Nam lúc bấy giờ như Colgate của Mỹ, C’est của Pháp và hai ông lớn Perlon và Leyna.

Trở thành ông chủ buộc Vương Đạo Nghĩa phải vắt óc suy nghĩ tìm mọi cách đưa mặt hàng của mình vươn lên. Là người có óc làm ăn cấp tiến kiểu phương Tây, Vương Đạo Nghĩa có rất nhiều sáng kiến quảng cáo sản phẩm trên các cửa hàng ăn uống, chợ, hệ thống truyền thanh nên Hynos chỉ sau vài năm đã trở thành một xí nghiệp lớn với các thiết bị sản xuất hiện đại.

Không những độc chiếm thị trường trong nước, Hynos còn có mặt ở các nước Đông Nam Á và rất được người tiêu dùng bản xứ hoan nghênh.

Sự tín nhiệm của người tiêu dùng không nằm ở quảng cáo bởi quảng cáo chỉ giúp họ đến gần sản phẩm chứ không giữ chân. Nắm rõ điều này, ông chủ Hynos Vương Đạo Nghĩa luôn chú trọng đến chất lượng. Ông quan niệm: phải luôn trung thực trong kinh doanh, quảng cáo phải đúng thực tế mới mong có sự phát triển bền vững. Kết quả không bất ngờ, ông đã thành công như trong dự tính của mình.

Nu cuoi anh Bay Cha
Kem Hynos sau năm 1975

Được kết quả mỹ mãn như thế phải nói đến tầm nhìn của ông chủ Hynos. Theo như nhiều người kể lại, ông sẵn sàng trích 50% lợi nhuận đổ vào quảng cáo. Kiểu làm ăn táo bạo mang tính đột phá như vậy, đến hôm nay tại Việt Nam cũng không mấy doanh nghiệp hay doanh nhân nào dám thực hiện.

Sau 1975, nhà nước tiếp quản, hãng kem đánh răng Hynos trở thành doanh nghiệp quốc doanh. Hynos được sát nhập với công ty Kolperlon lập nên Xí nghiệp kem đánh răng Phong Lan. Sau đó, Phong Lan liên doanh với công ty nước ngoài đổi tên là công ty Hóa phẩm P/S, cuối cùng P/S chuyển nhượng vốn liên doanh cho Unilever để quay trở lại sản xuất kem Hynos.

Cũng sử dụng lại nụ cười anh Bảy Chà trên vỏ hộp kem, đồng thời làm mới bằng hình ảnh gia đình hiện đại, Hynos đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị. Tiếc rằng nụ cười của anh Bảy Chà đã không còn sáng chói bởi những hộp kem Hynos sau này chỉ nằm một cách khiêm tốn trên các kệ hàng...

Trần Chánh Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI