Nữ công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp kiến nghị: Làm sao để an toàn cho con, nhẹ nhàng cho mẹ!

30/09/2019 - 06:22

PNO - Hơn 100 nữ công nhân có mặt tại buổi đối thoại đã mong mỏi Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của họ, đặc biệt là quan tâm đến nơi gửi con theo tinh thần: toàn cho con, nhẹ nhàng cho mẹ!

Nhà nước cần hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở các khu vực có khu chế xuất, khu công nghiệp, nâng mức lương tối thiểu đủ sống, quan tâm đến chế độ thai sản và có chính sách giảm giờ làm cho nữ công nhân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, giúp cuộc sống của nữ công nhân được nhẹ nhàng hơn… Đó là những kiến nghị vừa được các nữ công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND TP.HCM tổ chức hôm qua, 29/9. 

Đưa rước con đi học... liên tỉnh!

Hai năm nay, cứ 5g sáng, chị Bùi Thị Hoa, công nhân Công ty FAPV (khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, Q.7) lại đèo đứa con 4 tuổi của mình vượt hàng chục cây số từ xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến KCX Tân Thuận, Q.7. Đến nơi, khoảng 7g sáng, chị gửi con vào trường mầm non KCX rồi tất tả vào công ty để kịp giờ làm việc. Phí gửi trẻ là 1,7 triệu đồng/tháng, nhưng có trường mầm non dành cho con em công nhân vẫn là “ưu ái” so với các nơi khác. Năm 2018, để thuận tiện cho chị em công nhân, trường đã tổ chức giữ trẻ cả ngày thứ Bảy. “Em làm ở công ty được 12 năm nay. Lương em khoảng 9 triệu đồng, ông xã làm công nhân đóng tàu, không có điều kiện nên phải dạt qua Đồng Nai”- chị Hoa tâm sự. 

Nu cong nhan cac khu che xuat, khu cong nghiep kien nghi: Lam sao de an toan cho con, nhe nhang cho me!
Con em công nhân đang gặp phải khó khăn trong việc đến trường

Với mức lương của cả hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng, nhưng chi phí thuê nhà và nuôi con mỗi tháng khoảng 7,8 triệu đồng (chưa kể các chi phí phát sinh đột xuất), vợ chồng chị Phan Thị Minh Thu, công nhân Nikkiso (KCX Tân Thuận) phải tính toán cắt giảm tiền chợ và tăng thêm giờ làm. 

Một số trường hợp sau khi sinh con đã phải gửi về quê cho ông bà nuôi giúp và đành “nhớ con quay quắt” vì lương không đủ nuôi con.

Nhà giữ trẻ xây ở khu vực trạm biến thế!

Lương thấp, điều kiện sống thiếu thốn, công việc thường xuyên phải tăng ca và còn phải bảo đảm “thiên chức” làm mẹ khiến cuộc sống của các nữ công nhân trở nên quá vất vả. Vì thế, có được nhiều khu nhà trẻ an toàn, khang trang để gửi con là nguyện vọng chính đáng của chị em.  

Với mục đích hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực KCX, khu công nghiệp (KCN), góp phần giải quyết vấn đề nhà trẻ cho con công nhân, đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCX, KCN đến năm 2020” (đề án 404) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 và giao cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ ngành triển khai tại 20 tỉnh/thành, trong đó có BTP.HCM.

Nu cong nhan cac khu che xuat, khu cong nghiep kien nghi: Lam sao de an toan cho con, nhe nhang cho me!

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban điều hành để án 404 Trung ương, trao học bổng cho 30 con em công nhân tại diễn đàn

 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban điều hành Đề án 404, ở các KCX, KCN tập trung nhiều công nhân, đặc biệt là nữ công nhân, nhu cầu gửi con là rất lớn. “Theo khảo sát năm 2017 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có khoảng 52,6% lao động nữ tại các KCN có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi có nhu cầu gửi trẻ, nhưng chỉ 19% gửi được con vào các cơ sở mầm non công lập, còn lại phải gửi ở các nhà trẻ hoặc nhóm trẻ tư thục, chưa đảm bảo các điều kiện cơ bản về chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ” - bà Nguyễn Thị Tuyết, đánh giá. 

Theo ông Phạm Chí Tâm - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - với 17 KCX, KCN, TP.HCM hiện có hơn 174.000 lao động nữ (chiếm 62,6%) là lao động ngoài tỉnh và khoảng 31% đang nuôi con dưới 5 tuổi có nhu cầu gửi con đi nhà trẻ, mẫu giáo. Tỷ lệ này là rất cao và ngày càng gia tăng. Còn theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, thành phố hiện có 1.326 trường mầm non, chủ yếu phân bổ tại địa bàn dân cư; riêng tại KCX, KCN có 18 trường đang trông giữ khoảng hơn 5.000 trẻ em, trong đó có hơn 2.300 trẻ là con công nhân. Tuy nhiên, số trường có tổ chức giữ trẻ ngoài giờ (từ 16g30 - 18g và thứ Bảy hằng tuần) chỉ có 7 trường, đạt tỷ lệ 10,91% so với nhu cầu.

“Do khung thời gian trả trẻ không hợp lý, một bộ phận lớn công nhân lao động phải gửi con tại các nhà trẻ tư thục hoặc các nhóm trẻ gia đình, các nhóm trẻ tự phát, hoặc gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. Thậm chí có nhiều trường hợp nữ công nhân lao động sau thời gian nghỉ thai sản phải nghỉ việc ở nhà nuôi con vì không tìm được người chăm sóc con” - ông Tâm cho biết.  

Ông Nguyễn Hoàng Năng - Trưởng ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM - cho biết, ở các KCN quy hoạch trước năm 2009, không có quy định dành quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nên không thể xây dựng trường mầm non cho con công nhân. Muốn xây dựng phải sử dụng một phần đất cây xanh, đất công trình hạ tầng kỹ thuật. Thậm chí có nhà trẻ được bố trí ở khu vực trạm biến thế 500kV như Trường Họa Mi, KCX Linh Trung 2. 

Mong nhà nước quan tâm hơn nữa

Hơn 100 nữ công nhân có mặt tại buổi đối thoại đã mong mỏi Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của họ, đặc biệt là quan tâm đến nơi gửi con. 

“Công nhân chúng tôi luẩn quẩn trong vòng quay đi làm - tăng ca, ít có điều kiện để trang bị kỹ năng nuôi dạy con, dẫn đến tình trạng trẻ thiếu sự quan tâm về giáo dục, thể chất lẫn tinh thần. Trẻ không được gửi ở những nơi an toàn cũng dễ bị bạo hành, lạm dụng” - nữ công nhân Phạm Thị Minh Thu chia sẻ. 

Ngoài vấn đề nơi giữ trẻ, công nhân còn mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ và bảo vệ nữ công nhân như: tăng cường xây dựng khu vui chơi giải trí miễn phí cho công nhân, xem xét việc tái ký hợp đồng lao động đối với nữ công nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ; phổ biến những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi và cách phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ em cho công nhân; quy định mức lương đủ sống và giảm giờ làm cho nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi...

Nu cong nhan cac khu che xuat, khu cong nghiep kien nghi: Lam sao de an toan cho con, nhe nhang cho me!

Nữ công nhân đề đạt ý kiến

 

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 404 của thành phố - cho rằng, sau buổi đối thoại này, các sở ngành tổng hợp ý kiến của các nữ công nhân, kiến nghị nào phù hợp thì nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách để thực hiện. UBND các quận, huyện rà soát nhóm trẻ gia đình, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất cho nữ lao động đến gửi trẻ. Nhanh chóng cấp phép cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không đủ điều kiện, gây mất an toàn cho trẻ. 

Bài và ảnh: Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI