PNO - Bình yên đến với ông từ cái tâm vẫn vững với nghề, cái tầm trong cách cư xử với hậu bối và gia đình hạnh phúc luôn là điểm tựa phía sau.
Ở tuổi 71, trải qua nhiều thăng trầm trong nghề nghiệp, nhưng NSND Minh Vương vẫn mê hát dẫu sức khỏe không còn được như xưa. Ông nói vẫn muốn được tận hiến đến những giờ phút cuối cùng, bởi với ông, cải lương là máu thịt, khán giả là người thân.
Không ai tránh được quy luật của thời gian, nhưng càng lớn tuổi, NSND Minh Vương lại được nhiều khán giả, đồng nghiệp nhận xét ông ngày càng "trẻ" hơn. Ông nói, có lẽ là nhờ tâm hồn mình lúc nào cũng thoải mái, nhiều sự hứng khởi.
Người trẻ phải giỏi nghề để tiếp nối
Phóng viên: Nghệ sĩ không có tuổi, điều đó thể hiện rõ ở ông qua những bài vọng cổ cách tân được chia sẻ rất nhiều trong thời gian gần đây?
NSND Minh Vương: Không chỉ bây giờ mà cả trước đây, tôi luôn tìm tòi những sáng tạo mới để tạo cho mình những dấu ấn riêng khi xuất hiện trên sân khấu. Không riêng cải lương mà nghệ thuật nói chung luôn cần những sáng tạo mới.
Vượt qua những cơn bạo bệnh, tôi càng muốn đổi mới trong những bài vọng cổ để bản thân có nguồn năng lượng mới, đó cũng là cách tôi thông báo đến khán giả rằng mình vẫn khoẻ. Sau Con bướm xuân, Không cảm xúc, Bạc trắng tình đời, Nhỏ ơi... tôi vẫn đang ấp ủ một số sáng tác khác.
Cải lương đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại thì sự đổi mới lại càng cần thiết. Làm sao để có thêm khán giả trẻ luôn là điều khiến tôi trăn trở. Tôi chỉ mong những gì mình làm có sự tác động tích cực nào đó. Chúng ta không thể mong người trẻ quay về với truyền thống mà không làm gì.
![]() |
* Hiện có nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát triển cải lương, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Theo ông, chúng ta làm chưa đúng hay vẫn chưa làm đủ?
- Nói thì dễ nhưng nói phải đi đôi với làm và lời nói phải xuất phát từ người biết nghề, hiểu nghề mới thật sự có hiệu quả. Chúng ta bàn luận quá nhiều nhưng người thực hiện có đủ giỏi nghề, công tâm? Thế hệ chúng tôi đã dần lùi về sau, việc ở hiện tại phải giao lại cho những người trẻ hơn. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là người trẻ phải giỏi nghề mới có thể tiếp nối được.
* Ông và NSND Lệ Thủy từng gầy dựng thành công chương trình Sân khấu vàng để vừa làm nghề, vừa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nay chương trình đó không còn, ông có tiếc nuối?
- Từ chương trình đó, chúng tôi vừa phục vụ khán giả, vừa xây được mấy mươi căn nhà tình thương, điều đó quá hạnh phúc. Nhưng sau những lần bạo bệnh, sức khoẻ không cho phép tôi tiếp tục. Lệ Thuỷ cũng có cuộc sống và công việc riêng. Vì thế, chương trình phải ngưng lại. Nhưng chí ít trong thời gian đó, chúng tôi đã làm được những việc ý nghĩa nên không có gì để tiếc nuối.
![]() |
Mong người trẻ tự tin hơn
* Ở tuổi U80, nhiều người chọn việc nghỉ ngơi nhưng ông vẫn miệt mài với vai trò "cầm cân nảy mực" ở các cuộc thi. Dẫu biết đây cũng là sự đóng góp, nhưng sau mỗi cuộc thi cũng có không ít ồn ào...
- Làm giám khảo không phải chuyện dễ dàng. Ví như Chuông vàng vọng cổ, chỉ có một khoảng thời gian ngắn để giám khảo chia sẻ trên sóng truyền hình. Vì thế, buộc chúng tôi phải nói gọn, đúng trọng tâm. Điều đó khiến khán giả khó thể hiểu được toàn diện vấn đề.
Tôi vẫn chú trọng góp ý chuyên môn để giúp các em hát tốt hơn, hát chuẩn một bài vọng cổ. Qua đó, khán giả, những ai yêu thích cải lương, vọng cổ cũng biết cách hát. Tôi nghĩ đó cũng là sự tận hiến dành cho cải lương. Tôi không muốn nói nhiều mà các em không hiểu gì, cũng không thể giúp họ tốt lên.
Tôi luôn tin vào suy nghĩ và kinh nghiệm của mình. Trước khi nhận một vai trò nào đó, tôi luôn phải chắc chắn mình đủ khả năng chuyên môn, nói ra phải đúng. Tôi không bị phân tâm bởi những ý kiến trái chiều. Mạng xã hội vốn là nơi tự do ngôn luận, nhưng tự do quá thành ra ai muốn nói gì cũng được. Chuyện nghề hát, có những quy chuẩn nhất định mà người bên ngoài không nắm rõ. Tôi vẫn lắng nghe, theo dõi, nhưng lập trường thì chưa bao giờ bị lung lay.
* Tâm lý này xuất phát từ việc ông không sử dụng mạng xã hội, không tiếp xúc quá nhiều với phương tiện truyền thông?
- Thời điểm này, tôi cần sự bình yên. Tôi không có và cũng không biết cách sử dụng mạng xã hội, nhưng điều đó lại hay. Ở tuổi này còn bị lung lay trước những sóng gió từ dư luận thì mình thiếu bản lĩnh.
Tôi thẳng tính, có sao nói vậy chứ không cố nói để vừa lòng ai cả. Nói thẳng đôi khi khó tránh mất lòng, nhưng nếu nói dối tâm mình, tôi càng hổ thẹn hơn. Tôi phải nói để các em biết đúng, biết sai, biết hay, biết dở mà sửa chữa kịp thời. Hơn nữa, tôi ngồi chấm thi trước rất đông khán giả, mỗi câu mỗi lời của tôi phải đúng. Đó cũng là cách để mình biết trọng mình, người sẽ trọng mình.
![]() |
* Qua những lần tiếp xúc với người trẻ trong các sân chơi ấy, ông thấy gì ở họ?
- Các em bây giờ hát hay. Tôi chỉ mong họ luôn tự tin trên sân khấu, chỉ khi đó các em mới thật sự toả sáng. Tôi gặp nhiều trường hợp, giọng rất hay và đẹp nhưng vì không tự tin nên chinh dây, trật nhịp. Họ đánh mất cơ hội tưởng đã nắm trong tay.
Trời sinh ra mỗi người có một chất giọng khác nhau, trừ khi chúng ta chấp nhận đánh mất cái riêng của mình. Vì thế, ngoài việc tập luyện, sự tự tin sẽ giúp các em có được màu sắc khác biệt hơn. Các em cứ tự tin ca diễn, khán giả nghe quen dần và họ sẽ chấp nhận. Chúng tôi đi trước vẫn toả sáng theo cách như vậy. Tài năng thời nào cũng có cả.
* Nhưng sự tự tin không thể giúp tạo nên danh tiếng khi cải lương đã qua thời…
- Chuyện thời thế thay đổi, chúng ta phải chấp nhận. Nghĩ thoáng hơn, hiện tại cũng có rất nhiều sân chơi, nhiều cuộc thi được mở ra để trở thành bệ phóng cho các em. Ngày trước, chúng tôi theo nghề phải mất rất nhiều năm mới được lên sân khấu, đóng vai nhỏ, rồi dần dần mới được vai chính. Còn các em hiện nay, chỉ với một danh hiệu đã có thể đóng vai chính, được đón nhận trên truyền hình.
Bây giờ nghệ sĩ lớn tuổi cũng hạn chế nhận vai. Sân khấu đang thuộc về người trẻ. Chẳng hạn như hội diễn vừa rồi, tôi đảm nhận vai cụ Nguyễn Sinh Sắc, chỉ xuất hiện 4 phút trên sân khấu. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, đó là lần đầu tiên tôi nhận vai như thế.
* Gắn bó với NSND Lệ Thuỷ suốt mấy thập niên, ông có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ để có sự kết hợp lâu dài với bạn diễn?
- Chúng tôi gắn bó từ thời hoạt động ở Đoàn Kim Chung đến tận bây giờ và vẫn còn được khán giả yêu mến, từ tuồng cải lương đến những bản tân cổ. Thời gian đó, Lệ Thuỷ vừa nổi tiếng dẫu chỉ lớn hơn tôi một vài tuổi.
Chúng tôi gắn bó với nhau nhờ tình cảm của khán giả. Điều đó cũng tạo nên sự hưng phấn cho chúng tôi trong nghề. Ngoài chuyện mê nghề, nghệ sĩ phải biết nhường nhịn nhau một chút. Ai cũng có danh tiếng, nếu không biết nhịn nhau thì sẽ không có bạn diễn lâu năm như thế. Nhường nhau ở đây là việc biết nâng, biết đỡ, biết góp ý cho nhau chân thành.
![]() |
Vẫn mê sân khấu, trọng gia đình
* Người bạn diễn ăn ý của ông đã ra mắt hồi ký, để họ có cái nhìn thật hơn về phía sau hào quang trên sân khấu. Ông có dự định cũng sẽ viết hồi ký?
- Tôi không có ý định này. Tôi sưu tầm được nhiều hình ảnh về quá trình làm nghề của mình, nhưng chỉ muốn trưng bày chúng ở một nơi nào đó thật trang trọng. Sức khoẻ không cho phép tôi làm được nhiều hơn. Tôi cũng muốn giữ lại một chút gì đó cho cuộc sống của riêng mình.
Tuổi này, tôi chỉ mong có sức khoẻ để được tiếp tục phục vụ, cống hiến cho khán giả đến những ngày cuối đời. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là được ra đi trên sân khấu. Tôi đi đâu, khán giả cũng động viên: “Minh Vương ơi, ráng khoẻ để hát cho tụi tui nghe nữa nhe”, bấy nhiêu đủ cho một đời theo nghiệp Tổ.
![]() |
* Vài lần thoát “lưỡi hái tử thần”, ông cảm nhận được điều gì sau tất cả?
- Khán giả luôn là người động viên tôi, giúp tôi vượt qua tất cả. Sau khi thay thận, bác sĩ bảo tôi không còn là Minh Vương nữa, mà là Minh Vương 2. Trước tôi ít nói, sau này lại thích nói nhiều vì bác sĩ khuyên nên vui vẻ hơn. Nhiều khi bà xã tôi nói: “Bây giờ anh nói nhiều, nên cẩn trọng để bạn bè không hiểu sẽ giận đó”.
Đam mê lớn nhất của tôi đến nay vẫn là sân khấu. Tổ nghiệp còn thương, còn muốn tôi hát để cống hiến cho khán giả. Tôi vẫn sẽ hát đến khi không thể hát được nữa. Mỗi cuối tuần tôi lại tập hợp bạn bè để hàn huyên tâm sự, đó cũng là cách tìm niềm vui.
* Ngoài sân khấu, có lẽ hạnh phúc gia đình giúp ông có niềm vui, sự yên bình ở tuổi xế chiều?
- Bây giờ, tôi vẫn hạnh phúc vì được bà xã chăm sóc hàng ngày. Phục trang của tôi đều do một tay bà xã lo. Quá hiểu ý thích, thói quen của tôi nên bà xã mua vải rồi tự may cho chồng. Mái tóc tôi cũng tự chải, tự cắt, phía sau với không tới, bà xã cắt giúp. Tôi vô cùng hạnh phúc vì tất cả những chăm lo đó. Nghệ sĩ gặp nhiều quyến rũ, cám dỗ nhưng gia đình luôn là điều khiến tôi phải giữ mình.
![]() |
* Ông trân quý nhất điều gì ở bà xã?
- Chung thuỷ, lo cho gia đình, chồng con. Tình nghĩa giữa chúng tôi vẫn tràn đầy sau ngần ấy năm. May mắn, chúng tôi không cãi nhau. Khi nào bà xã bực bội, tôi chỉ nói nhỏ: “Em nên nhỏ nhẹ với người lớn tuổi”, điều đó giúp chúng tôi lấy lại sự cân bằng.
* Xin cảm ơn ông!
Thành Lâm (thực hiện)
Chia sẻ bài viết: |
Thuy Bình 14-08-2020 15:41:19
Mình cố gắng lấy hết can đảm để có một ý kiến nhỏ của riêng minh khi thấy dòng chữ :"Bạn nghĩ gì vế bài viết này " ở cuối bài .Những trình bài quá chuẩn của Chú Minh Vương cũng như tài năng nghệ thuật của Chú thì khỏi phải ca ngợi thêm .Riêng phần nếu Chú có muốn khán giả giao lưu đóng góp ý kiến chân thành cho những điều Chú muốn được đóng góp thì Chú nên dùng mạng xã hội .Bởi mạng xã hội sẽ giúp cho những khán giả ở xa đóng góp và có khi có những ý kiến không thể trình bài một cách công khai trước mọi người . Chú chỉ cần nhờ một em biết kích hoạt tài khoản và hướng dẫn cho Chú vài kỷ năng thì dùng dễ dàng như dùng điện thoại thôi.Đọc cho vui chút thôi nghen Chú ,chúc Chú luôn dồi dào sức khỏe để khán giả luôn có một tượng đài sân khấu cải lương để hãnh diện, để yêu mến .
Chị Bùi Kim Chi cho biết điều kiện kinh tế gia đình không thoải mái lắm nên chị khá lo lắng phần viện phí cho chồng.
Nam ca sĩ và công ty quản lý im lặng, phát ngôn lập lờ khiến mọi việc đến nay vẫn chưa được sáng tỏ, trong khi công chúng chờ đợi điều đó.
Nghệ sĩ Thương Tín nhập viện vào tối 25/2 trong tình trạng bất tỉnh ở Bệnh viện đa khoa Tâm Trí (Q.12, TPHCM).
Hơn 300 trang sách ấy không giản đơn là những câu chuyện kể, mà gói trọn cả cuộc đời anh.
Khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều cổ tự tại Thừa Thiên- Huế không tổ chức lễ cầu an trong Tết Nguyên Tiêu như mọi năm.
Lâu nay, quyền lợi của người chấp bút chủ yếu tùy thuộc vào ứng xử của nhân vật được khai thác trong tác phẩm và đơn vị thực hiện tác phẩm.
Áo dài đẹp nhất khi tồn tại ở cấu trúc truyền thống, căn bản nhất.
Nhìn bàn “tiệc xi nê” hơn 5 năm qua, bạn thấy gì? Tôi không dám chắc món Song lang là tuyệt đỉnh, nhưng thiếu Song lang thì thật vô vị.
Tác phẩm best-seller suốt hơn hai năm liền trên tờ The New York Times: "Where The Crawdads Sing" của nhà văn Delia Owens vừa được chuyển thể thành phim.
Không chỉ ca khúc mang giai điệu bi luỵ, sầu khổ khiến người nghe não ruột. Hoạt động karaoke còn trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Việt Nam trong loạt tranh poster của nữ họa sĩ Valerie Baumal (48 tuổi, đến từ Pháp) dù mang phong cách cổ điển nhưng rất thân quen với mọi người.
Sinh ra, lớn lên và viết trong thời hiện đại, lứa nhà văn 9x đã đưa cuộc chơi văn chương ngày càng đến gần hơn với sự đa dạng, muôn màu.
Ngoài ủng hộ tiền, nhiều nghệ sĩ tranh thủ giải cứu nông sản từ Hải Dương khi nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ.
Sáng 22/2 nhà nghiên cứu cổ phục Nguyễn Đức Lộc xác nhận, bà Lê Thị Dinh (102 tuổi) cung nữ cuối cùng triều Nguyễn đã từ trần tại phủ Kiên Thái Vương.
Những tập tục bắt rễ sâu rộng vào đời sống văn hóa - tinh thần của người Việt
Không chỉ là động vật quen thuộc trong đời sống, con trâu còn là nguồn cảm hứng dồi dào trong nghệ thuật của người trẻ.
Với NSND Thu Hà, danh xưng "Lá ngọc cành vàng" không thể ngăn chị bước ra khỏi vùng an toàn và chinh phục những vai diễn khác biệt.
Nhiều người dùng chia sẻ thông tin “cấm Zalo chia sẻ hình ảnh, tin nhắn” vì xâm phạm quyền riêng tư. Zalo khẳng định đây là thông tin giả mạo.