Nỗi niềm tài xế

23/08/2016 - 09:16

PNO - Ngày nay phương tiện giao thông hiện đại, đường sá cũng tốt hơn nhưng chẳng hiểu sao nhiều người vẫn đi đứng bất chấp luật lệ. Dù đi bộ, đi xe gắn máy, có khi cả ô tô nhưng thích là đi… ngược chiều...

Sau khi đọc bài Hiểm họa xe đầu kéo và “điểm mù” trong quy hoạch giao thông (báo Phụ Nữ ngày 19/8), tài xế Trần Kiêm Hạ, người có hơn 30 năm lái xe (tác giả cuốn Cuộc đời sau tay lái, NXB Tổng Hợp TP.HCM) đã gửi đến tòa soạn bài viết chia sẻ những nỗi niềm, áp lực của người làm công việc này.

Phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người ở nước ta, hễ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là quy hết trách nhiệm cho tài xế. Vì vậy, nhiều vụ tai nạn lỗi hoàn toàn do nạn nhân đi ẩu, say xỉn… nhưng tài xế vẫn phải nhanh chóng bỏ xe rời khỏi hiện trường để không bị đuổi đánh; sau đó thì ngoài việc phải bồi thường, tài xế còn có thể vướng vòng lao lý. Là lái xe lâu năm, tôi hiểu, dù lỗi thuộc về ai thì cũng không thể bù đắp được nỗi mất mát cho người bị nạn, nhưng nhiều lúc rất oan uổng cho tài xế.

Noi niem tai xe
Người đàn ông chở theo trẻ em vượt lên cúp đầu xe container khiến tài xế thót tim

Bao năm rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước để mưu sinh, tôi thấm thía những nhọc nhằn người tài xế phải thường xuyên đối mặt. Xe lăn bánh đồng nghĩa với những nỗi lo canh cánh trong lòng. Đề phòng người đi bộ bất chợt băng qua đường; đề phòng những người điều khiển xe gắn máy bất thình lình cúp ngay trước đầu xe mình; cảnh giác với những đồng nghiệp nghiện ngập, say xỉn, thiếu ngủ… Rồi cả những cú khua gậy, tuýt còi của những người “làm luật”; cách khoán thời gian, khoán lộ phí của chủ xe cũng góp phần gây áp lực không nhỏ cho tài xế. Những mối lo đó khiến tài xế luôn căng thẳng, chỉ sơ sẩy một chút là gây tai nạn.

Ngày nay phương tiện giao thông hiện đại, đường sá cũng tốt hơn nhưng chẳng hiểu sao nhiều người vẫn đi đứng bất chấp luật lệ. Dù đi bộ, đi xe gắn máy, có khi cả ô tô nhưng thích là đi… ngược chiều, băng qua đường hoặc chuyển hướng bất thình lình khiến tài xế xe khác trở tay không kịp. Tôi từng lái xe container và nhiều loại xe tải nặng đi qua những chỗ đông người, mỗi lần như vậy là nơm nớp lo. Loại xe vừa to vừa dài này chuyển hướng không nhẹ nhàng như xe du lịch. Thao tác nặng nề và luôn để lại sau đuôi xe một khoảng trống, có thể cuốn các vật thể gần nó vào gầm xe, nhất là khi có luồng gió mạnh. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Tôi luôn mong ước tất cả những người có liên quan đến lĩnh vực vận tải, an toàn giao thông thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của tài xế. Ngoài những bất trắc trên đường, mắt tài xế còn phải nhìn ngược nhìn xuôi đề phòng cả những người giữ gìn trật tự giao thông. Gặp phải những người thi hành công vụ tha hóa, chỉ chăm chăm lấy mãi lộ thì khó tránh chuyện bị mất tiền oan. Không sách nhiễu, chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ là chúng tôi thấy nhẹ lòng. Hãy siết chặt khâu đào tạo, chấm dứt việc “sản xuất” thêm nhiều tài xế kém về chuyên môn và đạo đức. Đừng tiếp tục khám sức khỏe tuyển chọn tài xế qua loa, cốt thu tiền như một số phòng khám đang làm.

Để đề phòng sự cố xe bị mất phanh, mất lái đột ngột vẫn thường xảy ra, cơ quan kiểm định phải làm việc thật sự nghiêm túc, không du di cho những sai sót khi có tiền lót tay. Thanh tra giao thông cũng cần kiểm tra lại biển báo, phương tiện, tránh đánh đố tài xế, đừng cố tình dừng xe vạch lá tìm sâu để làm tiền. Lực lượng cảnh sát giao thông thì đừng tơ hào mãi lộ. Xử phạt nghiêm minh, đúng luật thì không chủ xe nào dám chở quá tải, không dám cho xe hết hạn kiểm định lưu hành. Tôi tin, thực hiện tốt những điều trên, TNGT sẽ giảm.

Có lẽ không ai có tiền mà chịu làm nghề tài xế vì quá nhiều áp lực. Phương tiện giao thông gia tăng chóng mặt, nhưng đường sá phát triển không đáp ứng kịp, cộng thêm ý thức tham gia giao thông chưa cao của nhiều người đã khiến việc tranh giành từng tấc đường trở thành nỗi ám ảnh thường trực của cánh tài xế chúng tôi.

Trần Kiêm Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI