Niên lịch miền gió cát và sự tuyệt mỹ của muôn loài

01/08/2020 - 19:20

PNO - Sau hơn nửa thế kỷ, "Niên lịch miền gió cát" vẫn có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến phong trào bảo tồn tự nhiên của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Niên lịch miền gió cát (A sand county almanac and Sketches here and there, Aldo Leopold, dịch giả: Dương Mạnh Hùng, Phương Nam Book và nhà xuất bản Lao động - Xã hội ấn hành) là quyển sách thứ ba trong bộ ba cuốn sách nổi tiếng về chủ đề môi trường: Mùa xuân vắng lặng (Rachel Carson) và Đời sống bí ẩn của cây (Peter Wohlleben).

Giáo sư Aldo Leopold có một trang trại ở Wisconsin. Những ngày cuối tuần, ông và gia đình thường đến đây để “trốn khỏi thế giới hiện đại bủa vây”. Chỉ với xẻng và cưa, ông cùng những người thợ đã gầy dựng lại một không gian xập xệ tưởng chừng bị lãng quên. Và rồi cũng từ nơi ấy, mọi điều tuyệt mỹ của thiên nhiên và muôn loài trải ra trước mắt. Đó là những gì mà tác giả nói rằng “con người đã đánh mất ở nơi khác”. 

“Với chúng tôi, cơ hội ngắm nhìn một đàn ngỗng còn quan trọng hơn xem ti vi, việc tìm thấy một bông hoa đồng nội là một quyền lợi không thể chối cãi như quyền tự do ngôn luận vậy” - Aldo Leopold bày tỏ ngay từ đầu cuốn sách. Và từ đó, hành trình trở về với “tự do và hoang dã” được ông kể bằng giọng văn có chút hài hước nhưng đầy uyên bác về thế giới tự nhiên, lịch sử, nghệ thuật và cả triết học.

Tất cả những gì ông bày ra trước mắt bạn đọc thông qua ngôn từ là những mỹ cảnh trải dài từ tháng Giêng mùa tuyết tan đến những mùa nước nổi, điệu múa trác tuyệt của bầy thiên điểu, khúc tráng ca của những động thực vật trong đầm lầy, qua những mùa cỏ xanh nõn trên cánh đồng… Bức tranh ấy mỹ miều và huyền diệu bởi những điều con người chưa có cơ hội ngắm nhìn, khám phá.

Aldo Leopold khai thác trang trại nhưng ông đối đãi với đất bằng “tình thương và sự tôn trọng”. Mọi ứng xử với tự nhiên đều khởi nguồn bằng những nỗ lực thấu hiểu vạn vật và yêu thương như thể đó là một phần không thể tách rời/mất đi của sự sống.

Đọc những trang viết của Aldo Leopold dành cho cây sồi, hoa cải, bầy ngỗng, những sinh vật trên thảo nguyên, những rặng thông trên tuyết… lại nhớ cách tác giả cuốn Đời sống bí ẩn của cây đã viết cho những cái cây trong khu rừng suốt 30 năm. Chỉ có quan sát cặn kẽ đến thấu hiểu, các tác giả mới có thể mang đến cho người đọc những câu chuyện, kiến thức và cảm nhận sâu sắc, thấm thía; đạt đến siêu việt về sự tuyệt mỹ của muôn loài và những giá trị bất biến cùng thời gian.

Niên lịch miền gió cát được xuất bản lần đầu năm 1949. Sau hơn nửa thế kỷ, cuốn sách vẫn có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến phong trào bảo tồn tự nhiên của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Tác phẩm đến nay đã được dịch sang 14 thứ tiếng, hơn 40.000 bản sách được bán ra mỗi năm.

Aldo Leopold (1887-1948) là nhà khoa học, nhà địa chất học, nhà triết học, nhà môi trường học người Mỹ, đồng thời là giáo sư tại Đại học Wisconsin. Ông không chỉ viết cho muôn loài và thiên nhiên vùng Wisconsin mà còn viết về những vùng đất khác, khám phá đời sống hoang dã trải rộng khắp châu lục.

Bức tranh tự nhiên đầy những gam màu, chuyển động quyến rũ suốt hơn 250 trang sách - mà ở đó, con người cũng chỉ là những nét bình đẳng hòa cùng vạn vật. Như cách Aldo Leopold lý giải: “Con người là thuyền trưởng lái con tàu nhưng chúng ta không phải là hành khách duy nhất, con người chỉ là những người bạn đồng hành cùng những sinh vật khác trong chuyến phiêu lưu tiến hóa”. 

“Đạo đức đất đai” là cụm từ được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách. Đó cũng là vấn đề được đặt lên bàn thảo luận của các nhà bảo vệ môi trường Mỹ trong phong trào bảo tồn môi trường hàng chục năm qua. Niên lịch miền gió cát được Hiệp hội Nghiên cứu tự nhiên Mỹ bầu chọn là một trong những cuốn sách đáng trân trọng và chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ XX.

Lục Diệp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI