Những thay đổi khiến Hà Nội lọt top 10 chỉ số năng lực cạnh tranh

11/05/2020 - 14:59

PNO - Những cải cách về môi trường đầu tư, kinh doanh giúp Hà Nội có năm thứ 2 liên tiếp nằm trong nhóm 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo kết quả về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI VN) công bố, năm 2019 là năm thứ hai Hà Nội duy trì nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chỉ số này.

PCI năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (không thay đổi xếp hạng so với năm trước), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012.

Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trong những năm qua giúp Hà Nội nhận được những đánh giá tích cực từ giới đầu tư - Ảnh minh họa
Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trong những năm qua giúp Hà Nội nhận được những đánh giá tích cực từ giới đầu tư - Ảnh minh họa

Như vậy, mục tiêu của Hà Nội “Đến năm 2020, PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” đã đạt được. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của TP. Hà Nội đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của Thành phố trong chỉ đạo điều hành với phương châm “Lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”.

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, việc xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là trọng điểm đột phá đã đem lại kết quả tích cực cho Thành phố.

Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp (DN) như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện năng đều được chú trọng để giảm chi phí và thời gian cho DN. Đồng thời, Thành phố cải thiện các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như: đất đai, vốn, lao động...; đào tạo nguồn lực cho DN; tăng cường đối thoại chính quyền – DN...

Từ cuối năm 2017 đến nay, Hà Nội duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Triển khai mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện” song song với các chính sách hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Trong lĩnh vực thuế, cấp mã số DN tự động cho DN thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 95%; trao đổi thông tin với DN 100% qua thư điện tử.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Tỷ lệ đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 97,3% trên tổng số đơn vị tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.

Về chỉ số cải thiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như đất đai, vốn, lao động… Đặc biệt phải kể đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội đã có những cải cách đột phá khi thời gian cấp giấy từ 30 ngày xuống còn 17 ngày.

Trong kết quả của VCCI, Hà Nội có 3 chỉ số thành phần trong nhóm 10 tỉnh, thành phổ dẫn đầu cả nước, gồm: chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ DN”, chỉ số “Đào tạo lao động” đều xếp thứ 4/63; chỉ số “Gia nhập thị trường” xếp thứ 10/63). 

CPI năm 2019 của HN đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), xếp thứ 9/63 tỉnh, TP không thay đổi xếp hạng so với năm trước. (Hình minh họa)
PCI năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố không thay đổi xếp hạng so với năm trước - Hình minh họa

VCCI đánh giá, niềm tin của các nhà đầu tư, DN với Hà Nội được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển DN trong thời gian vừa qua. 

Tính từ năm 2016 đến ngày 30/4/2020, Hà Nội có 107.283 DN thành lập mới với số vốn điều lệ  khoảng 1,340 triệu tỷ đồng (gấp 1,36 lần về số lượng thành lập mới, tốc độ tăng trung bình là 9,6%/năm). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23,702 tỷ USD, gấp 3,97 1ần so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong hai năm 2018, 2019 TP. Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Hiện nay, tỉnh xếp hạng cao nhất có điểm số 1à 73,4/ 100 và Hà Nội có điểm số 68,8/100. Theo VCCI, các tỉnh, thành phố đều còn dư địa cho cải cách.

Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020. UBND TP Hà Nội đánh giá, dư địa cho cải cách và tăng hạng PCI ở vị trí cao hơn là rất lớn. Theo đó, chính quyền thành phố xác định tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: duy trì các chỉ số thành phần có truyền thống xếp hạng tốt của Hà Nội như: “Dịch vụ hỗ trợ DN”, chỉ số “Đào tạo lao động”; tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho DN, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch COVID-19.  Đồng thời, Thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia hiệp định EV-FTA và EV-IPA.

Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách về phát triển DN và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN tiếp cận thông tin và khai thác, mở rộng thị trường...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI