Những phản đề thời trang

12/08/2022 - 06:35

PNO - Không chỉ những sản phẩm lộng lẫy thể hiện sự xa xỉ được làm từ hàng trăm giờ thủ công khiến người xem choáng ngợp, các nhà mốt cao cấp còn thường xuyên tung ra những món đồ có thiết kế hết sức bình thường, thậm chí rách như xơ mướp với giá… ngất ngưởng.

 

Sọt rác bằng gỗ phong của nhà Hermès có giá 7.650 USD
Sọt rác bằng gỗ phong của nhà Hermès có giá 7.650 USD

Mật độ xuất hiện ngày càng nhiều của các món đồ… không thể hiểu nổi từ các nhà mốt cao cấp khiến người yêu thời trang phản ứng rằng các thương hiệu thiếu tôn trọng và chỉ biết bòn rút tiền của khách. Điều đáng nói là các thiết kế này, từ quần áo, phụ kiện cho đến nước hoa, mỹ phẩm vẫn được ráo riết săn lùng và thường rơi vào cảnh cung không đủ cầu. Có những khách hàng trung thành thậm chí còn tuyên bố: “Chanel sản xuất nước rửa chén hay cọ rửa nhà vệ sinh với giá hàng ngàn USD thì tôi cũng mua”.

Câu hỏi đặt ngược lại: “Sự “cuồng tín” của những khách hàng trung thành - vốn chỉ mua hàng vì giá trị thương hiệu hơn là chú ý đến tính thực tế đã “làm hư” các hãng hay phía sau đó là câu chuyện phản đề để các thương hiệu nhắc nhở người tiêu dùng hay nhấn mạnh một thông điệp nào đó?”.

Những món đồ gây chia rẽ giới thời trang 

Bạn có sẵn lòng bỏ ra 3.000 USD để mua một chiếc hộp đựng thức ăn của Gucci?
Bạn có sẵn lòng bỏ ra 3.000 USD để mua một chiếc hộp đựng thức ăn của Gucci?

Tháng Năm năm nay, Gucci và Adidas bắt tay nhau cho ra một sản phẩm có giá 1.649 USD. Đó không phải "siêu phẩm" giày, trang sức, quần áo hay nước hoa mà là một “chiếc dù vô dụng”. Chiếc dù có màu đỏ, hoa văn màu xanh đậm, cán bằng gỗ có chữ G trong logo Gucci ở phần tay cầm. Công dụng của chiếc dù này cũng như bất kỳ chiếc dù bình thường nào khác: che mưa nắng.

Trước đó, nhà mốt Gucci từng lấn sân ngành hàng gia dụng khi thiết kế mẫu hộp nhựa đựng đồ ăn. Gucci mô tả, đây là một thiết kế có cấu trúc gợi nhớ đến những hộp cơm cổ điển, còn hình in kết nối với chủ đề tuổi thơ xuyên suốt bộ sưu tập. Tất nhiên, chiếc hộp quai màu xanh biển, hình nền sắc xanh lá này sẽ thuộc về ai sẵn sàng chi 3.000 USD cho nó.

Năm 2020, hai mẫu clutch bánh mì baguette và bánh sừng bò của Moschino cũng trở thành đề tài bàn tán và chế giễu khi có giá gần 1.300 USD. Túi xách hệt túi ni-lông hay túi đựng gạo, dép cao su, mắt kính ngược… giá ngàn USD không còn là chuyện lạ trên các sàn diễn những năm trở lại đây. Nhưng, chừng đó chưa phải là tất cả.

Chiếc quần tất thủng của Gucci được niêm yết với giá 190 USD. Khi sản phẩm được bày bán, nhiều người dùng mạng đã không tiếc lời châm biếm. "Tất cả chúng ta đều có thể tự làm rách chiếc quần tất 5 USD của mình thay vì ném 190 USD qua cửa sổ" - một tài khoản mạng xã hội nhận định. Ý kiến khác bổ sung: "Tôi có thứ này trong ngăn kéo suốt nhiều năm qua". Một bà mẹ còn mỉa mai: "Con gái tôi đi học về mỗi ngày với một chiếc quần tất rách nhưng không bao giờ ra khỏi nhà với chúng".

Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua đôi giày rách tả tơi và đầy vết cáu bẩn như vừa được nhặt về từ bãi rác của nhà mốt Balenciaga. Logo thương hiệu được vẽ nguệch ngoạc sát phần đế cao su theo phong cách graffiti. Thiết kế mang kiểu dáng đa dạng gồm: cơ bản, cao cổ, mule với tông màu kem, xám và đen.

Bạn có sẵn sàng chi 1.850 USD cho một đôi giày nhận về đầy lời chế giễu như thế: “Thiết kế này chẳng khác nào đôi giày rách thời trung học mẹ bắt tôi vứt đi”, “Balenciaga đang trêu mọi người thì phải. Mang đôi giày này khiến bạn sở hữu phong cách “nghèo mà sang” chăng?”, "Trông như nó vừa được moi ra từ thùng rác nhưng lại có giá trên trời". “Việc gì phải bỏ ra gần 2.000 USD để mua? Hãy lục lại tủ đồ, lấy đôi Converse cũ rích ra và đừng giặt, bạn sẽ có ngay một đôi y hệt”.

Thông điệp nào ẩn chứa sau đó?

Mẫu túi hình máy sấy tóc của Moschino được bán với giá 995 USD
Mẫu túi hình máy sấy tóc của Moschino được bán với giá 995 USD

Dù vậy, vẫn có không ít tín đồ thời trang ủng hộ các nhà mốt trước những thiết kế này vì “vẻ ngoài khác biệt” hay “phong cách hoàn toàn mới”.

Trước Balenciaga, kiểu "giày bẩn" từng được Golden Goose - hãng sản xuất giày nổi tiếng của Ý - lăng xê với mức giá từ 6 - 15 triệu đồng. Những mẫu này được thiết kế có vết ố như thật, tạo nên vẻ bụi bặm, cá tính cho người dùng. Chúng từng được nhiều sao Hàn yêu thích và tích cực quảng bá vào hè năm 2015.

Từng có nhiều lời lý giải được đưa ra. Viện dẫn việc thể hiện tác động của thời trang đến môi trường được nêu trước tiên. Tất nhiên, chẳng ai có thể chấp nhận vì lý do này quá gượng ép và vô lý. Mặt khác, trong thực tế, các nhà mốt đều đang nỗ lực cắt giảm lượng khí carbon trong quá trình sản xuất cũng như vận hành, bao gồm việc bãi bỏ lệnh tiêu hủy hàng tồn, tích cực truyền đi thông điệp môi trường trên sàn diễn và cả việc rót tiền để nghiên cứu vật liệu sinh học mới thay thế dần các loại vải, sợi tổng hợp.

Có một lý do khác thuyết phục hơn: Những món đồ đi ngược lại tiêu chuẩn thẩm mỹ đang góp phần phá vỡ ranh giới giữa thời trang cao cấp và đời sống hằng ngày. Với cái giá ngất ngưởng cho những thiết kế dị biệt, dễ dàng nhận thấy đối tượng các hãng hướng đến là những người lắm tiền.

Luôn có một nguyên tắc trong thế giới của những người siêu giàu, rằng với các sản phẩm độc lạ, mang đến những câu chuyện phi thường hoặc hiếm hoi, càng ít người muốn sở hữu, chúng càng trở nên đáng mơ ước. Thứ các nhà mốt bán đi không phải là một món đồ mà là sự khẳng định vị trí của người sở hữu nó trong xã hội. Nếu xét ở góc độ này, giá vài ngàn USD liệu có đắt?

Bộ cờ vua trị giá  75.000 USD của thương hiệu trang sức Tiffany
Bộ cờ vua trị giá 75.000 USD của thương hiệu trang sức Tiffany

Lý do tiếp đến được không ít người nhận ra: Thực chất những sản phẩm gây chia rẽ, tranh cãi lại là những sản phẩm được bàn tán, chia sẻ nhiều nhất, khiến cho những người không biết gì về thời trang cũng phải chú ý. Có vẻ đây là một chiến lược vô cùng thông minh: Ít tốn kém nhưng đầy hiệu quả.

Trong thế giới công nghệ làm chủ, tiêu chuẩn về cái đẹp dần được phá vỡ, hết giới hạn này đến giới hạn khác. Suy cho cùng, khi một bông hoa tàn phai cũng có vẻ đẹp của nó thì những đồ vật bình thường nhất, kể cả đã cũ mòn, thậm chí nằm trong bãi rác vẫn có vẻ đẹp riêng - vẻ đẹp của sự tàn phai, của những thứ bị bỏ lại và của một thế giới hậu hiện đại khi con người liên tục bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng.

Ở khía cạnh đó, những món đồ trông buồn cười và bị gắn mác điên rồ hay vô bổ, thậm chí ra đời chỉ để vơ vét túi tiền của số ít người dùng trên hành tinh này vẫn mang ý nghĩa cũng như giá trị riêng. 

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI