PNO - Sản xuất lúa gạo là ngành truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân, những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Xuyên suốt quá trình phát triển ấy, những “kỳ tích” đạt được có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… những người nặng tình với cây lúa và luôn khát khao đưa hạt gạo Việt vươn xa.
Tôi gặp Võ Tòng Xuân ở Đại hội V của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Lúc ấy, Nam Bộ còn nhiều tỉnh chưa thành lập liên hiệp khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh, tôi và anh phải đến các tỉnh vận động và xây dựng phong trào. Anh Xuân với tôi cùng tuổi con rồng, anh nhỏ hơn tôi vài tháng nhưng lúc nào cũng xưng em. Chúng tôi thân nhau từ những ngày ấy, đến nay đã gần 1/4 thế kỷ.
Đưa giống lúa chống rầy về Việt Nam
Võ Tòng Xuân là nhà khoa học. Anh nói: “Khoa học hàn lâm thì lúc nào cũng cần, nhưng nếu cứ hàn lâm thì còn khoảng cách xa với cuộc sống lắm, phải bám thực tế và đưa khoa học ứng dụng vào cuộc sống”. Anh nói rất đúng! Mỗi lần chúng tôi về miền Tây thăm anh, anh xắn quần lội ruộng, hết đưa đi xem lúa, lại xem cây trái và xem cả nuôi tôm.
Những năm sau giải phóng, anh Xuân nổi tiếng về giống lúa IR36, còn gọi là giống lúa chống rầy, có người còn gọi là “lúa Xuân” (ý gọi anh là tác giả). Anh cười: “Gọi như thế chỉ đúng một phần. Không phải tôi tạo ra giống này, mà là người đưa giống này về với Việt Nam”.
Sự thể là những năm 1970, Võ Tòng Xuân làm việc ở Viện lúa Quốc tế tại Philippines và luôn trăn trở về cây lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tốt nghiệp tiến sĩ ở Nhật Bản đúng vào dịp đất nước giải phóng, anh trở về vùng lúa Nam Bộ với bao nhiêu khát vọng. Thời gian sau ngày giải phóng, chính sách ngăn sông cấm chợ khiến cả nước thiếu lương thực, nông dân Nam Bộ không được bán lúa, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Đã vậy, năm 1977 bệnh rầy nâu càn quét khiến nông dân cùng cực. Thuốc trừ sâu dùng đủ liều vẫn không ngăn được rầy.
Trước thực tế đó, lãnh đạo các tỉnh, Học viện Cần Thơ (sau này là Trường đại học Cần Thơ) và Võ Tòng Xuân cùng nhau tìm phương cách. Chợt nghĩ đến Viện lúa Quốc tế nên anh đã đánh điện tín nhờ hỗ trợ. Mấy tuần sau anh nhận được một bưu kiện có 4 phong bì, mỗi phong bì đựng 5 gam cho một giống lúa, đó là các giống IR32, IR34, IR36, IR38. Anh nhớ giống IR36 là loại ít bị sâu bệnh nhất, lại rất ngắn ngày, nên nói với Viện trưởng Học viện Cần Thơ Phạm Sơn Khai: “Cái này quý như vàng, mình phải nhân ra”.
Chỉ 1 năm sau, Võ Tòng Xuân đã có 2.000kg lúa giống IR36. Anh đề nghị cho toàn bộ sinh viên học cách cấy “một bụi một tép”, vì hạt lúa quý như hạt vàng, phải tiết kiệm. Trường đại học Cần Thơ sau đó đóng cửa 2 tháng để sinh viên ra đồng hướng dẫn nông dân cấy lúa chống rầy.
Anh Xuân cười, nhớ lại: người nông dân mình là chúa bảo thủ, họ chỉ làm theo truyền thống, đâu có tin khoa học. Tôi cho sinh viên đem mạ về nhà thuyết phục cha mẹ, họ bảo: “Mấy ông thầy của tụi con làm sao hơn ông bà mình, tin sao nổi cây lúa lại không rầy”. Chúng tôi liền nghĩ ra mẹo bày sinh viên nói với cha mẹ: “Cha mà không cấy lúa này là con mất điểm ở trường, lúa không lên tốt điểm của con sẽ thấp”. Vậy mà hiệu nghiệm. Muốn con có điểm tốt, phụ huynh phải cấy và chăm bón lúa rất kỹ.
Mấy tháng sau, lúa sai trĩu. Họ gặt, vui và tin. Tiếng lành đồn xa nên giống lúa mới lan tỏa rất nhanh. Những ngày tháng này Võ Tòng Xuân đến từng thửa ruộng, nâng niu từng tép mạ và đêm ngủ cũng mơ thấy lúa. Lúa không bị rầy, làm được 2 vụ và năng suất lên đến 10 tấn/ha, gấp 4 lần giống lúa mỗi năm 1 vụ. Vậy là 3 năm sau, toàn bộ ĐBSCL cấy giống lúa IR36.
![]() |
Giáo sư Trình Quang Phú (bìa trái) - tác giả bài viết - và giáo sư Võ Tòng Xuân (ngồi) là 2 người bạn thân thiết đã gắn bó gần 1/4 thế kỷ |
Giấc mơ giúp nông dân thoát nghèo
Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học, một bác học, nhưng như anh nói là “nhà khoa học của ruộng đồng”, nên anh rất giản dị, chân tình. Tôi đã ngồi với anh rất nhiều lần, đặc biệt là ở khu du lịch Sao Mai tỉnh Phú Yên quê tôi, và những lần như thế chúng tôi lại trao đổi với nhau như một tọa đàm bỏ túi. Chủ đề của chúng tôi thường là làm sao để người nông dân được giàu lên.
Anh Xuân cho rằng, nếu cứ bắt nông dân trồng lúa thì họ cứ nghèo hoài. ĐBSCL, theo quy hoạch, là phải trồng lúa. Đâu đâu cũng lúa. Vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn cũng trồng lúa. Mỗi hộ nông dân nhiều thì có 1ha, còn trung bình là 0,5ha. 1ha, mỗi năm 2 vụ, làm giỏi thì được 10 tấn lúa. Mỗi tấn bán cao lắm được 9 triệu đồng, 10 tấn được 90 triệu đồng, trừ chi phí họ còn một nửa. Trung bình mỗi hộ nông dân có 4 người làm. Như vậy, mỗi người chưa được 1 triệu đồng/tháng. Vậy thì làm sao giàu được?
Anh cho rằng phải bớt trồng lúa. Nước ta, năm xuất khẩu gạo cao nhất lên đến 8 triệu tấn (90% là của Nam Bộ) thu được 4,7 tỉ đô la (11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỉ USD-PV). Còn rau quả, năm 2023 ta xuất khẩu được 5,6 tỉ đô la, chỉ riêng sầu riêng đã thu về 2 tỉ đô. Rau quả có giá trị xuất khẩu cao hơn gạo, trong khi ĐBSCL chỉ mới trồng nửa triệu ha cây ăn trái.
Võ Tòng Xuân say sưa: “Nước mình có đến 50 loài cây ăn quả của vùng ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới. Ngoài Bắc có nhãn, vải là đặc sản, còn Nam Bộ thì phong phú hơn với dừa, bưởi da xanh, thanh long, chôm chôm Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, cam Lai Vung, sầu riêng Cái Mơn... Trồng cây ăn trái ở dưới còn nuôi được tôm cá. Vùng phèn, mặn nên nuôi tôm cá thay cho trồng lúa. Khi nào người nông dân trồng lúa bên cạnh có cây ăn trái, có nuôi tôm, nuôi cá thì đời sống mới được nâng lên gấp 4-5 lần, thậm chí 10 lần. Đừng ép đất, đất nào hợp với cái gì thì trồng thứ đó. Thuận thiên mà”.
1 tháng sau, từ Hà Nội, Võ Tòng Xuân gọi điện cho tôi, anh cười vang rồi khoe: “Tôi mới gặp Thủ tướng, tôi nói: “Thủ tướng tháo giùm cái vòng kim cô trên đầu nông dân Tây Nam Bộ đi”. Thủ tướng hỏi tôi: “Cái gì là kim cô?”. Tôi nói là chuyện bắt nông dân Tây Nam Bộ phải trồng lúa. Ta dư lúa, dư gạo vẫn trồng, đến đất ven biển bị nhiễm mặn vẫn phải trồng lúa, mà lẽ ra đất này nuôi tôm nuôi cá, trồng cây ăn trái thì hiệu quả hơn. Bữa nay tôi vui vì được Thủ tướng đồng ý phải thuận thiên. Nông dân mình sẽ thoát nghèo”.
![]() |
Ông Lê Minh Hoan (bên phải) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - luôn trân quý những đóng góp cho ngành nông nghiệp của giáo sư Võ Tòng Xuân (bên trái) - ẢNH: VĂN PHƯỚC |
Giữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long
Cuộc “tọa đàm bỏ túi” sau cùng giữa tôi và anh là vào đầu năm 2024 ở Cần Thơ. Chúng tôi ngồi bên bờ sông Hậu. Hôm đó chúng tôi nói chuyện Campuchia dự định đào kênh Funan Techo. Về giải pháp cho việc thiếu nước phục vụ phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL, anh cho rằng phải đào hồ (thực ra là biển nhân tạo) lấy nước ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên để chứa 10-15 tỉ m3 nước bù cho lượng nước mất mát, đồng thời phải học Hà Lan cách ngăn mặn và đặc biệt phải chuyển đổi cây trồng theo hướng thuận thiên.
“Từ lâu, tôi đã nói chỉ cần 1 triệu ha lúa sản lượng cao là đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, phần diện tích còn lại nên dành cho lúa và tôm, hoặc chuyên canh cây ăn trái, chuyên nuôi thủy sản. Nên nhớ 1 ha lúa cần lượng nước gấp 5-7 lần 1 ha cây ăn trái. Vả lại, 2 cái biển hồ sẽ là vùng sinh thái có lợi. Việc này Nhà nước phải chủ động, toàn xã hội phải vào cuộc. Đây cũng có thể gọi là cách mạng giữ nước” - anh Xuân nói.
Hôm nay, khi tôi ngồi nhớ anh, thì anh đã đi rất xa. Tôi ghi lại vài việc làm, vài ý tưởng của anh với hy vọng đất nước sẽ vẫn lắng nghe anh, sẽ giúp thực hiện ước nguyện của anh là làm cho nông dân giàu lên như ở các nước phát triển.
Giáo sư Trình Quang Phú
Kỳ tới: Kỹ sư Hồ Quang Cua và hành trình gạo ngon nhất thế giới
Chia sẻ bài viết: |
Ngày 19/7, tại lô 166, khoảnh 1, tiểu khu 1, thuộc phường Phong Phú, TP Huế xảy ra vụ cháy rừng trồng.
Đến 20g30 ngày 19/7, đã cứu được 11 người sống và vớt được 27 thi thể (trong đó có 8 trẻ em) vụ lật tàu du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh).
Khoảng 13g45 chiều nay (19/7), do giông lốc bất ngờ, tại khu vực gần hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long đã xảy ra vụ đắm tàu du lịch.
Do ảnh hưởng của bão Wipha, Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành chiều nay xuất hiện trận mưa dông rất lớn, gây ra những thiệt hại về tài sản.
Do bị bồi lấp nghiêm trọng, ngư dân phải “canh con nước” hoặc neo đậu thuyền ở cửa biển rồi thuê thuyền nhỏ vận chuyển hải sản vào bờ.
Nhiều người dân ở xã Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) phản ánh bị yêu cầu đóng 600.0000 đồng để tiêu hủy 1 con heo chết vì dịch tả heo châu Phi.
Gần 300 người đã được huy động tham gia dập lửa cứu rừng thông bùng cháy dữ dội từ trên đỉnh núi giữa đêm khuya.
Sự xuất hiện của những chiếc xe phun sương công nghệ cao – còn gọi là “pháo xa sương mù” – trở thành tâm điểm chú ý trên đường phố Thủ đô.
Lăng Ngọc Diễm tự xưng là nhân viên ngân hàng huy động của 4 người dân với tổng số tiền gần 30 tỉ đồng rồi chiếm đoạt và bỏ trốn.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận một trường hợp thiếu nữ 19 tuổi tử vong vì sốc sốt xuất huyết.
Mỗi ngày Phòng CSGT Hà Nội có thể thành lập 5-7 hội đồng thi nhưng lại gặp khó khăn khi số lượng thí sinh đăng ký còn thấp.
Trần Thanh Hải khai có mâu thuẫn với nạn nhân trong chuyện tiền bạc nên đã mua súng trên mạng rồi đến nhà anh T. để gây án.
Mỗi ngày, ở bản làng phía tây xứ Nghệ, khung cửi vẫn đều nhịp. Những phụ nữ Thái dệt vải để vừa có nguồn thu, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa.
Chúng ta học cách tự đứng lên, bằng tư thế của một xã hội văn minh, không cúi đầu, không quá tay, nói rõ tôn trọng là điều không thể mặc cả.
Rạch Bà Tiếng (phường An Lạc) từng ô nhiễm nặng đã được cải tạo thành tuyến đường rộng 14m, dài 2km, với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng.
Tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ bổ sung 2 dự án đường ven biển với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỉ đồng phục vụ APEC 2027.
Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo Nghị định Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng từ 1/1/2026.
Từ đêm 20-25/7, khu vực Bắc bộ có thể mưa lớn trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại vùng trũng, đô thị.