Những ngành học "lạ", tiếp tục “ế” thí sinh

21/10/2020 - 07:29

PNO - Sau đợt xét tuyển đại học theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, nhiều ngành khó tuyển ở một số trường lại tiếp tục “vắng” thí sinh. Có trường tuyên bố đóng cửa ngành học, có trường tìm giải pháp thu hút thí sinh bằng học bổng…

Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay lại chứng kiến cảnh “vắng vẻ” thí sinh ở một số ngành học vốn là ngành truyền thống của các trường. Thực tế, với những ngành khó tuyển, xã hội vẫn có nhu cầu nhân lực nhưng người học không muốn theo, nên có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển.

Đóng cửa ngành, “hét” điểm chuẩn

Năm nay, ngành địa chất học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ tuyển được 29 sinh viên so với 100 chỉ tiêu; ngành hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu. Ở trường này, có ba ngành học nhiều năm nay rất khó tuyển sinh, gồm: địa chất học, kỹ thuật địa chất và hải dương học.

Sinh viên ngành hải dương học Trường đại học  Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)  trong chuyến khảo sát thực tế - Ảnh: Gia Tuệ
Sinh viên ngành hải dương học Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong chuyến khảo sát thực tế - Ảnh: Gia Tuệ

Trường ĐH Nha Trang vốn là trường thủy sản duy nhất của cả nước trước năm 2006 nên có năm ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng giờ thì có đến ba ngành rất khó tuyển.

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay: các ngành khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản mỗi năm chỉ tuyển được rất ít sinh viên. Ngành khai thác tuyển được 10-15 sinh viên/năm, ngành chế biến được 30-40 sinh viên, cao nhất là ngành nuôi trồng được khoảng 100 sinh viên. Tuy nhiên, trường vẫn phải duy trì đào tạo vì đây là những ngành thế mạnh kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và cả khu vực lân cận. 

Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng có một số ngành khó tuyển như thiết kế thời trang (chất lượng cao), chỉ có một thí sinh trúng tuyển. Rồi ngành môi trường, vật liệu, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… nhiều năm nay cũng không tuyển được bao nhiêu người học. 

Vừa qua, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM phải xét tuyển bổ sung năm ngành học tại TP.HCM, gồm: khoa học môi trường, công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng. Đây đều là những ngành “kén” người học trong nhiều năm nay. Đợt này, trong khi điểm chuẩn hầu hết các ngành đều cao, những ngành này chỉ 16 điểm, thấp nhất cơ sở chính nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. 

Thực tế, với những ngành khó tuyển, xã hội vẫn có nhu cầu nhân lực nhưng người học không muốn theo, nên có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển. Chính điều này đã gây khó khăn cho các trường, dẫn đến tình huống có trường phải “hét” điểm chuẩn lên cao ngất hoặc phải tạm đóng cửa ngành học.

Như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã quyết định ngừng tuyển sinh hai ngành khoa học thủy sản và công nghệ vật liệu. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, lý giải trường buộc ngừng tuyển sinh hai ngành này trong năm nay vì lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển quá ít. Ngành công nghệ vật liệu năm ngoái tuyển được tầm 20 thí sinh nhưng năm nay tuyển không được thí sinh nào. Dù ngành này cơ hội việc làm cao, có thể có việc làm khi đang thực tập nhưng điều kiện làm việc thường phải xa nhà, xa thành phố nên thí sinh không thích. 

Kết quả xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường ĐH Đà Lạt cho thấy ngành sư phạm tin học có điểm chuẩn 24, cao nhất trường, nhưng bất ngờ là không có thí sinh nào trúng tuyển.

Theo nhà trường, ban đầu, cũng có một số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm tin học nhưng vì số lượng quá ít nên trường quyết định điểm sàn là 24 để thí sinh đăng ký nguyện vọng điều chỉnh sang ngành khác, không ảnh hưởng đến thí sinh. Cùng chung cảnh ngộ còn có hai ngành sư phạm sinh học và sư phạm vật lý, điểm chuẩn lần lượt là 22 và 21 điểm. Mỗi ngành chỉ có hai thí sinh trúng tuyển. Dù có thí sinh trúng tuyển nhưng không ai đến nhập học.

Đổi tên ngành mới mong hết “ế”?

Các nhà tuyển sinh - đào tạo thừa nhận rằng khâu điều tiết đầu vào hiện nay phụ thuộc vào người học, chính sách vĩ mô gần như không có. Mà người học thì thực tế, muốn chọn “việc nhẹ lương cao”, ngồi máy lạnh và dễ có vị thế. Đôi khi thí sinh chỉ nghe tên ngành học đã chạy dài như lâm nghiệp phải đi làm và sống trong rừng, thủy sản thì lội ao nuôi trồng thủy sản... Lãnh đạo một số trường cho biết sẽ đến lúc phải rà soát lại những ngành khó tuyển để dừng đào tạo. Vì để duy trì ngành học, vẫn phải vận hành cả bộ máy nhân sự, thiết bị, phòng thí nghiệm… Với các trường tự chủ hoặc trường tư buộc phải tính bài toán tài chính. 

Trước thực trạng này, các trường buộc phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo vẫn tìm cách duy trì những ngành truyền thống đặc thù. Tiến sĩ Tô Văn Phương cho biết: “Những ngành khó tuyển đều là những ngành phát triển kinh tế biển rất cần nhân lực của địa phương nên trước mắt, trường miễn phí ký túc xá cho sinh viên các ngành học này, tặng nhiều suất học bổng hơn (như ngành khai thác thủy sản mỗi năm có đến mười suất học bổng) để thu hút người học”.

Về lâu dài, trường đang làm việc với chi cục thủy sản các tỉnh nhằm thống nhất đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù (miễn học phí) và đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5-10 năm tới. Từ đó, trường tổng hợp và làm đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thủy sản và Chính phủ phê duyệt. 

Theo thạc sĩ Phùng Quán, đối với các ngành khó tuyển, dù ít sinh viên nhà trường vẫn mở lớp bình thường vì đây là những ngành đặc biệt và xã hội có nhu cầu. Năm nay, ngành địa chất học sẽ dành năm suất học bổng toàn phần, bán phần cho thí sinh có điểm trên 22. Trường cũng mở một số ngành mới từ ngành truyền thống khó tuyển, phù hợp hơn với thị hiếu người học. Ví dụ như ngành mới vật lý y khoa có điểm chuẩn 22 là ngành mới được tách ra từ ngành kỹ thuật hạt nhân và vật lý học. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI