Những lá cờ trên phố sáng nay

01/09/2023 - 08:36

PNO - Một đứa trẻ tự hào về gốc gác của mình sẽ gia tăng sức mạnh, sức bật trong mọi cuộc cạnh tranh với những đứa trẻ ở các quốc gia khác. Việt Nam ở đâu trong trái tim những đứa trẻ hôm nay?

 

Người dân tại chung cư trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) treo cờ mừng Quốc khánh 2/9 - ẢNH: TAM NGUYÊN
Người dân tại chung cư trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM) treo cờ mừng Quốc khánh 2/9 - Ảnh: Tam Nguyên

Sáng nay, trên đường, tình cờ tôi nghe cô bé chừng lớp Một hỏi mẹ mình: “Mẹ ơi, sao hôm nay người ta treo cờ nhiều vậy?”. Tôi không biết câu trả lời của người mẹ ấy thế nào, vì mẹ con cô bé đã rẽ sang đường khác. Thế nhưng, câu hỏi đó cứ vang mãi trong đầu tôi. Ừ, vì sắp đến lễ Quốc khánh, mọi nẻo đường đều chăng đầy cờ, hoa. Câu trả lời có thể giản đơn như vậy. Nhưng tôi không mong các bậc cha mẹ sẽ chỉ trả lời con như thế.

Nhiều bậc cha mẹ luôn cho rằng giáo dục lòng yêu nước là trách nhiệm của trường học, của bộ môn lịch sử, của những giờ học ngoại khóa hay tiết giáo dục công dân, những buổi chào cờ đầu tuần. Nên có lẽ nhiều cha mẹ lúng túng khi con hỏi: “Tại sao phải yêu nước?”. Hay nhiều người lớn mặc định rằng: yêu nước là bẩm sinh, không cần phải dạy.

Một đứa trẻ IELTS 8.0, nói tiếng Anh nhanh như gió là niềm tự hào của cha mẹ và lỡ nó có nói tiếng Việt kém cũng chẳng sao. Nhiều cha mẹ còn khuyến khích con đi du học rồi ở lại đó, nhập quốc tịch ở đó, lấy chồng/vợ bên đó, sinh con mang dòng máu quốc gia đó…

Hay đôi khi, trên mạng, chúng ta vẫn gặp những đứa trẻ (hoặc người đã trưởng thành) mở miệng ra là chê bai Việt Nam, đem chuẩn xứ người ra để dè bỉu người mình. Internet xóa nhòa mọi biên giới, khoảng cách địa lý và tạo ra một định danh bóng lộn: “Công dân toàn cầu”. Rất nhiều ngôi trường đưa định danh này vào chương trình giáo dục của mình như một sự khẳng định đẳng cấp. Việt Nam ở đâu trong trái tim những đứa trẻ hôm nay?

Tôi không có ý “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, cũng không chê trách những người cha, người mẹ muốn con mình trở thành “Công dân toàn cầu”. Chỉ là nếu cha mẹ quên hay phó mặc việc giáo dục con về lòng yêu nước cho nhà trường, không truyền cho con 2 chữ Việt Nam, đó quả thật là một thiếu sót. Bởi thứ chúng ta nhận lại sau này đôi khi đắng đót lắm. Đứa trẻ của chúng ta sẽ trở thành đứa trẻ mất gốc và côi cút lắm khi trưởng thành. Dù đứa trẻ ấy đi khắp năm châu bốn bể cũng sẽ không có một ngôi nhà để về. Gia đình là một ngôi nhà. Tổ quốc là ngôi nhà lớn của ngôi nhà đó. 

Cho con lòng yêu nước, niềm tự hào 2 tiếng Việt Nam chính là cho con nơi chốn trở về, gốc gác nguồn cội. Gốc có vững, cây mới lớn và tỏa nhiều bóng mát. Nếu không có gốc, chỉ một cơn gió thoảng qua, cái cây sẽ đổ. Là từ chính chúng ta, những người cha, người mẹ, dạy con tự hào về 2 chữ Việt Nam.

Tôi ước người mẹ sáng nay và cả những người cha, người mẹ khác hãy bắt đầu nói chuyện với con về những lá cờ được treo trên phố. Là niềm vui của “nhà có việc”: “Sinh nhật đất nước mình con ạ! Ai cũng có một quê hương, Việt Nam chính là quê hương của con, ngôi nhà của con. Dù mai này con lớn có đi khắp nơi trên thế giới, khi trở về Việt Nam là con trở về nhà…”. 

Tôi mong các bậc cha mẹ dạy con yêu nước bằng việc truyền cho con lòng tự hào về đất nước mình. Lòng tự hào sẽ giúp con tự tin khi bước ra thế giới thay vì nhút nhát, sợ sệt, e ngại, lo lắng, tự ti, cảm thấy mình thua thiệt… Con sẽ tự hào vì mình mang máu đỏ da vàng.

Một đứa trẻ tự tin sẽ làm được những điều nó khát khao. Một đứa trẻ tự hào về gốc gác của mình sẽ gia tăng sức mạnh, sức bật trong mọi cuộc cạnh tranh với những đứa trẻ ở các quốc gia khác. Đặc biệt, khi học về lòng yêu nước, con còn học được cả sự biết ơn - biết ơn những xương máu cha ông đã ngã xuống cho độc lập hôm nay. Như thế, một đứa trẻ nhân ái được ra đời.

Hãy bắt đầu cùng con nói về những lá cờ Tổ quốc treo trên phố sáng nay được không? 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI