PNO - Từ giữa năm 2024 đến nay, Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp mang tính đồng bộ, bài bản nhằm “hồi sinh” sông Tô Lịch.
![]() |
Không còn là những cuộc tranh cãi hay thử nghiệm đơn lẻ, Hà Nội đang thực sự bước vào cuộc đại phẫu để "cứu" dòng sông Tô Lịch. Từ thi công hệ thống cống ngầm, vận hành nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, đến các giải pháp cải tạo cảnh quan, đô thị… tất cả đang chuyển động trên một mặt trận thống nhất: đưa sông Tô trở lại là một phần sống của thành phố. |
![]() |
Dọc theo sông Tô Lịch, công nhân đang vận hành máy xúc chuyên dụng để nạo vét lớp bùn đen tích tụ hàng chục năm. Tổng khối lượng dự kiến nạo vét hơn 60.000m³ – một khối lượng khổng lồ tích tụ từ nước thải, rác thải, và dòng chảy tù đọng. Đây là bước quan trọng nhằm làm sạch nền đáy sông, giảm phát sinh khí độc và tạo điều kiện cho nước lưu thông tự nhiên trở lại. |
![]() |
Tuyến ống dẫn nước sạch từ sông Hồng về hồ Tây, sau đó bổ cập cho Tô Lịch, đang trong quá trình hoàn thiện. |
![]() |
Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ giúp đưa dòng nước mới, giàu oxy về nuôi sống sông Tô – vốn đã quen với trạng thái tù đọng. Việc điều tiết lưu lượng sẽ được kiểm soát qua các trạm bơm hiện đại và hệ thống đập điều tiết cuối sông. |
![]() |
Trong lòng đất ven sông Tô Lịch, hàng chục mét cống hộp bê tông đang dần hoàn thiện. Đây là tuyến cống thu gom nước thải chính của Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, chạy song song với sông từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến cầu Dậu. |
![]() |
Tổng chiều dài hơn 21km, tuyến cống này sẽ “thu” toàn bộ nước thải sinh hoạt từ 4 quận nội đô, không để nó tiếp tục xả thẳng ra sông. |
![]() |
Dự kiến đến cuối tháng 8/2025, toàn bộ hệ thống này sẽ được đấu nối hoàn chỉnh. |
![]() |
Nhà máy Yên Xá, công trình xử lý nước thải lớn nhất miền Bắc đã bước vào giai đoạn chạy thử. |
![]() |
Với công suất 270.000 m³/ngày đêm, nhà máy này là trung tâm xử lý nước thải tập trung cho khu vực nội đô, trong đó có phần lớn lượng nước đổ vào sông Tô Lịch. Sau xử lý đạt chuẩn, nước thải được trả về tự nhiên qua kênh Kim Ngưu, góp phần làm sạch nguồn nước chảy qua đô thị. |
![]() |
Tuyến đường đôi ven sông Tô Lịch bắt đầu được mở rộng tại một số đoạn như Thanh Xuân, Hoàng Mai. |
![]() |
Không chỉ là đường giao thông, đây còn là hành lang bảo vệ sông, kèm hệ thống chiếu sáng, thoát nước mưa, và cây xanh. Việc thiết kế mở sẽ ngăn lấn chiếm, tăng cường tiếp cận công cộng với mặt nước đô thị. |
![]() |
Ngoài việc xây mới, các tuyến cống hiện có cũng được rà soát, gia cố chống thấm và chống rò rỉ. Nước thải phải đi đúng tuyến, không thể “chảy tắt” ra sông qua những điểm hở hay mối nối yếu. Việc này không chỉ là kỹ thuật, mà còn là cách để đảm bảo sự minh bạch và bền vững trong xử lý môi trường. |
![]() |
Tại đoạn cầu Quang (phường Thanh Liệt, Hà Nội), một đập điều tiết hiện đại đang được thiết kế để giữ mực nước ổn định quanh năm. Đập sẽ hoạt động linh hoạt, vừa giữ nước khi cần tạo cảnh quan, vừa có thể xả khi có mưa lớn. Đây là nút chốt kỹ thuật để duy trì sự sống cho dòng sông trong mọi điều kiện thời tiết. |
![]() |
Từ năm 2025, Sở Xây dựng Hà Nội đã lắp đặt hàng chục camera tại các điểm xả thải và cửa cống ven sông Tô Lịch. Hệ thống camera kết nối với Trung tâm điều hành thông minh sẽ giám sát liên tục, phát hiện hành vi xả trộm và gửi cảnh báo về các cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 45/2022. |
Bảo Khang
Chia sẻ bài viết: |