Những huyền thoại trên cung đường Nam sông Hậu

13/12/2021 - 07:20

PNO - Lời kể ngọn ngành của một lão nông khiến tôi giật mình về những câu chuyện huyền bí gắn với tuyến đường Nam Sông Hậu.

Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, tôi trở lại thăm cung đường đầy huyền thoại: quốc lộ Nam Sông Hậu. 

Công trình này bắt đầu từ chân cầu Cần Thơ nối đến đầu vào cảng Cái Cui (TP. Cần Thơ) rồi băng qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đến cầu Bạc Liêu 2, thuộc tỉnh Bạc Liêu; trong đó, tỉnh Sóc Trăng được hưởng lợi nhiều nhất với 117km đi qua các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.

Cầu Cái Côn nhìn từ sông Hậu
Cầu Cái Côn nhìn từ sông Hậu

Việc công trình chính thức đi vào hoạt động đã giải phóng áp lực trên tuyến Quốc lộ 1. Nhiều chiếc cầu đang được bắc qua những con kênh, rạch và qua những vùng đất đầy huyền thoại như đánh thức, khơi dậy tiềm năng trù phú của những vùng đất “ngủ quên” suốt nhiều thế kỷ trước.

Đứng trên cầu Cái Côn thuộc thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, cửa ngõ vào tỉnh Sóc Trăng, ông Ba Thời - một lão nông sống cách đó không xa - chỉ tay ra vàm sông đầy sóng bạc đầu, cười sảng khoái: “Chú mày biết không, già đã gần 90 tuổi rồi, có nằm mơ cũng hổng dám tưởng tượng sẽ có được cây cầu bắc qua vàm sông này. Đây là tuyến sông độc đạo, nối liền đất mũi Cà Mau lên Sài Gòn, ngày xưa chủ yếu chở lúa gạo và trái cây lên đó”.

Ông mải mê nhìn trời, nhìn vàm sông hướng về vàm sông Lục Sĩ, người dân địa phương thường gọi là cù lao Mây, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long rồi lặng người như nhớ lại cả một thời quá khứ, ông hỏi tiếp: “Vậy chớ chú mày có biết truyền thuyết về vàm sông này gắn với đền đài của vương quốc Phù Nam cách nay hơn 2.000 năm hay ngọn núi đá sắp mọc ở Giồng Đá giữa lung sen trong xã Xuân Hòa không?”.

Thấy tôi tỏ ý ngạc nhiên, ông gật gật đầu đắc chí, rồi kể ngọn ngành, khiến tôi giật mình về những câu chuyện huyền bí gắn với tuyến đường Nam Sông Hậu.

Nghe nói dưới lòng sông cặp sông Hậu tại vàm Cái Côn ngày nay có những bậc tam cấp bằng đá xanh dài hàng chục mét mà những tay thợ lặn chuyên nghiệp vớt đồ chìm bên chợ Trà Ôn kể lại.

Thỉnh thoảng, họ vớt được những vật dụng lạ mắt hay trang sức bằng vàng ròng có hình dáng rất lạ kỳ, thậm chí khó hiểu. Hay chuyện từ vàm sông này trở vào tận Giồng Đá thuộc xã Xuân Hòa, tới rạch Cái Trâm, giáp Tha la ông Tà thuộc Trinh Phú cũng của huyện Kế Sách có những tảng đá liền một khối khổng lồ dưới lòng sông, lòng kênh mà thỉnh thoảng đi xuồng ghe vào mùa nước kém hay bị mắc cạn. 

Bên cạnh đó còn có những lời “sấm” rằng khi nào đôi bờ sông được nối liền thì vùng đất này như con rồng đang ngủ sẽ thức dậy vươn lên sánh với những đô thị phồn hoa khác… Bởi thế, lão nông Ba Thời rất mãn nguyện vì lời “sấm” ấy đang trở thành hiện thực. 

Đặc sản miệt vườn Kế Sách
Đặc sản miệt vườn Kế Sách

Quốc lộ Nam Sông Hậu trải dài theo tuyến ven sông Hậu, ven Biển Đông và xuyên qua các vùng quê với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; nối liền các xóm ấp là những chiếc cầu bê tông vững chắc bắc qua kênh rạch chằng chịt. Từ trên những chiếc cầu này, du khách có thể dõi mắt về những dãy cồn, cù lao xanh. Với hơn 5.000ha cây ăn trái đặc sản, cụm cù lao dọc sông Hậu có khí hậu mát mẻ, trong lành gắn liền với những địa danh, những huyền thoại về vua quan nhà Nguyễn. 

Dự án Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách đang được triển khai. Cồn được phù sa lắng tụ, bồi đắp thành dãy cù lao hình bầu dục, hình dáng từa tựa trái cà na. Đất xứ cồn từ xưa đã nổi tiếng với sa-pô-chê, xoài, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, cam, quýt...

Trước đây, du khách có thể đến cồn Mỹ Phước bằng đường bộ hoặc đường thủy xuôi dòng sông Hậu về phía hạ lưu; còn bây giờ, quốc lộ Nam Sông Hậu cho phép du khách về cồn bằng ô tô hoặc xe máy.

Giữa mênh mông sông nước, cồn Mỹ Phước xuất hiện với dãy cù lao xanh ngát, ngút ngàn cây trái, cứ nối tiếp nhau trải dài. Các nhà vườn nơi đây đã nắm bắt nhu cầu được trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên của du khách, thiết kế cảnh quan vườn đặc trưng miền Nam bộ, các chòi nghỉ chân, nơi nghỉ ngơi thưởng thức trái cây đặc sản, nơi du khách trực tiếp trồng cây ăn trái hoặc tham gia chăm sóc và thu hoạch trái cây...

Lễ hội rước trái cây cồn ở Mỹ Phước
Lễ hội rước trái cây cồn ở Mỹ Phước

Xưa, vàm sông Đại Ngãi còn được gọi là Vàm Tấn. Bên kia cù lao còn đó các địa danh: rạch Long Ẩn (nơi vua ẩn náu), rạch Tràng Tiền (nơi đặt xưởng đúc tiền) mà ngày nay thỉnh thoảng người ta vẫn còn nhặt được tiền xu.

Vàm sông Đại Ngãi còn ghi lại dấu ấn của đoàn tàu rước các nhà yêu nước cách mạng từ nhà tù Côn Đảo trở về lúc Cách mạng tháng Tám thành công, trong đó có rất nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà tiêu biểu là Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người trực tiếp lái tàu về đây neo đậu. Đại Ngãi vốn đã trù phú, nay có thêm Quốc lộ 60 và Quốc lộ Nam Sông Hậu hứa hẹn phát triển thành thị tứ đầu mối của miền Tây về các mặt hàng nông sản tỏa đi các nơi (Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau… hay qua tận Campuchia).

Hầu hết những con rạch mà tuyến đường Nam Sông Hậu đi qua có chiều ngang rất rộng. Không ai ngờ, đến một ngày, bà con có thể “hiên ngang” chinh phục con sông trên những chiếc cầu kiên cố như thách đố với sóng gió. Một trong những chiếc cầu “lịch sử” ấy là cầu phà Đại Ngãi nối liền Quốc lộ 60 từ Sóc Trăng qua Trà Vinh rồi Bến Tre đến Tiền Giang. Quốc lộ này giúp thu ngắn đoạn đường đến khoảng 80km, việc lưu thông hàng hóa lên TPHCM dễ dàng hơn rất nhiều.

Quốc lộ Nam Sông Hậu kết nối cầu Mỹ Thanh 2 với khu du lịch Hồ Bể của thị xã Vĩnh Châu, có bãi cát mịn thoai thoải trải dài. Vùng đất này xưa kia ít người lui tới, chỉ có cư dân vùng biển gắn bó mưu sinh.

Đứng giữa cầu Mỹ Thanh 2 có thể phóng tầm mắt nhìn về cửa biển, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, ngắm dòng Mỹ Thanh chảy vào làng mạc, mang phù sa đỏ ngầu bồi đắp các cánh đồng. Nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó nhìn sang khu vực Xâm Pha vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh, theo vua Gia Long, khi mất được chôn tại đây) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đáy, đi ghe cào.

Một góc Hồ Bể, Vĩnh Châu
Một góc Hồ Bể, Vĩnh Châu

Khu du lịch Hồ Bể là vũng nhỏ thụt vào phía trong đất liền, nằm gần cửa Mỹ Thanh. Vũng này được tạo thành chủ yếu nhờ cát bồi. Những đụn cát này thường thay đổi theo mùa gió và sóng biển.

Vào mùa nồm Nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng đóng lại khi càng ra phía ngoài.

Đến mùa chướng (khoảng cuối tháng Chín - đầu tháng Mười âm lịch), sóng lớn đập vào chủ yếu từ hướng bắc xuống, cộng với nước triều cường lại lấy đi những vành hồ bên ngoài vừa hình thành trước đó trong mùa nồm nam. Khi đó, mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh “Hồ Bể”.  

Một truyền thuyết khác, khi đoàn tùy tùng của vua Gia Long trú ngụ nơi này, quân lính đào một hồ để công chúa Mỹ Thanh tắm, một hồ để quân lính sử dụng. Thủy triều lên, sóng lớn đã vỗ bể bờ bao nên đây được gọi là hồ bể còn hồ kia do cát tràn vào nhiều nên được gọi là hồ lạng.

Hiện nay, bãi biển Hồ Bể vẫn còn rất hoang sơ. Vào những ngày xuân rộn ràng hay những ngày hè oi bức, nam thanh nữ tú từ các vùng lân cận thường chọn nơi này tắm biển hoặc làm điểm 
dã ngoại. 

Bài và ảnh: Hoàng Liên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI