Những hồi ức đẹp

29/08/2016 - 06:15

PNO - Hơn ba mươi năm qua, người dân xã Tam Thôn Hiệp, H.Cần Giờ quá quen thuộc với tôi, một bà già mê đi làm chuyện bao đồng. Vì khắp đất này, chỗ sông sâu, nơi ruộng cạn, khi trời nắng, lúc mưa gió bão bùng…đều có mặt tôi.

Bởi chính những nơi đó, lúc đó, chị em hội viên, phụ nữ (HV, PN) nghèo, khó khăn của xã Tam Thôn Hiệp này vẫn từng ngày vất vả mưu sinh, mình không đến … sao gọi là “Hội” được!

Năm 20 tuổi, tôi cùng ba má lặn lội về Cần Giờ. Để có cái ăn, cả nhà phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Tôi trụ lại vì anh Trưng, chồng tôi, với hai con. Là giáo viên, anh Trưng thấy rõ vùng đất nghèo nàn, khó khăn này cần anh nhiều lắm. Anh động viên tôi tham gia hoạt động ở địa phương. Năm 1981, tôi nhận làm phát thanh viên ở đài truyền thanh ấp và bắt đầu tập tành tham gia công tác Hội. Không ngờ từ cái “chức” tổ trưởng tổ PN khu vực ngày đó, tôi dần đi lên: Hết chi hội trưởng, rồi đến chủ tịch Hội LHPN xã, và từ tháng 6/2010 đến bây giờ là bà già 61 tuổi, tôi lại trở về làm HV. Coi như cả quãng đời mình, tôi không thể rời xa Hội. Nhưng nếu không có Hội, tôi đã quỵ ngã từ lâu bởi những khó khăn của cuộc sống cứ chất chồng khi hai con còn nhỏ.

Nhung hoi uc dep

Năm 26 tuổi, người thân về lại hết Sài Gòn, thì nhà tôi mất. Ôm hai con thơ giữa nơi xứ lạ. Ngày thì lủi thủi trên đồng, đêm về lạnh lẽo nhìn bóng mình trên vách. Hai đứa con vừa là niềm an ủi, vừa là động lực để tôi không buông xuôi. Tôi lao vào làm việc quần quật suốt ngày. Các dì, các chị ở Hội PN xã, huyện đã động viên, an ủi tôi. Tôi thấy cuộc đời le lói chút niềm tin để sống.

Năm 1997, khi đi khảo sát các trường hợp vay tiền làm ăn theo các chương trình của Hội, thấy các chị lơ ngơ không biết ký tên mình dưới bản hợp đồng vay: toàn xã có đến 18 chị mù chữ. Tôi tới nhà vận động từng chị đến lớp học. Lớp học vừa là nhà trẻ. Mẹ ê a tập đọc, còn con thì quấy khóc bên cạnh.

Nhìn mấy chị học, tôi tự thấy mình … còn dốt. Vậy là sáng đi làm, trưa dạy xóa mù chữ, chiều về chăm hai con ăn uống xong, tôi lại chạy về trung tâm thành phố học bổ túc văn hóa. Gần 50 tuổi, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thấy nhiều chị em PN không có việc làm, toàn bộ gánh nặng đổ hết lên vai các ông chồng cũng nghèo khó, tôi bàn với các chị trong Ban chấp hành lập tổ PN tương trợ hàng tuần luân chuyển vốn không lãi cho gần 40 HV. Khoảng cuối năm 1999, có trên 400 lao động nữ nông nhàn. Lúc đó, nghe một chị báo tin có quen người gia công mũi giày ở thành phố.

Tôi tìm đến công ty để xin nhận hàng về gia công. Vậy là hơn 200 PN Tam Thôn Hiệp có việc làm, thu nhập bình quân từ 500 đến 600 ngàn đồng/ tháng. Sau đó, nhờ Hội LHPN huyện, các chị lại có thêm nghề gia công kết chuỗi mành. Thu nhập dù ít nhưng ổn định. Khi nghe chuyện bình đẳng, chống bạo lực gia đình, các chị em cứ như từ trên trời rơi xuống. Tôi xin cho chị em ở xã mình đi tập huấn, tổ chức hội thi. Nhờ những cuộc thi, chị em hiểu hơn về pháp luật, bảo vệ được cho mình nhiều giá trị mà các chị quên mất như quyền được bình đẳng trong mái ấm gia đình.

Niềm vui lớn nhất của tôi hôm nay là ở nhà quẩn quanh với hai đứa cháu nội. Nói vậy chứ cái chân lúc nào cũng muốn nhổm lên, muốn đi tiếp ta bà đây đó. Việc Hội, việc chị em làng xóm đã thấm vào máu thịt rồi!

Bà Hoàng Thị Xuyến (sinh ngày 18/5/1954)

- Thời gian công tác Hội: 35 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN” năm 2001.

- Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2009.

- Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận, đạt danh hiệu gương điển hình “Dân vận khéo” năm 2007” của UBND TP.

- Giấy khen “Đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua điển hình tiên tiến 5 năm giai đoạn 2001 - 2005” năm 2006 của UBND huyện.

- Giấy khen “Đã có thành tích tốt trong hoạt động Hội và phong trào PN H.Cần Giờ nhiệm kỳ 1996 - 2000” của UBND huyện.

Hoàng Thị Xuyến 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI