Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Những đôi gót hồng in dấu son lịch sử

29/04/2025 - 06:38

PNO - Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc: miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Chiến thắng ấy là kết tinh của lòng yêu nước, ý chí quật cường và tinh thần bất khuất của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của nhiều phụ nữ.

Từ trận đánh đầu đời

Tháng 6/1966, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Thị Thu (Năm Lợt) chính thức thoát ly gia đình (huyện Hóc Môn), tham gia cánh thanh niên công nhân của Thành đoàn, bắt đầu những ngày hoạt động cách mạng âm thầm giữa lòng Sài Gòn. Theo sự sắp đặt của tổ chức, bà về sống một mình trong ngôi nhà thuê giữa cù lao Nancy (nay thuộc quận 4, TPHCM) với nhiệm vụ rải truyền đơn và viết khẩu hiệu cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Thu (giữa) kể lại những kỷ niệm thời tham gia kháng chiến chống Mỹ với thế hệ cán bộ hội phụ nữ hôm nay - ẢNH: THU LÊ
Bà Nguyễn Thị Thu (giữa) kể lại những kỷ niệm thời tham gia kháng chiến chống Mỹ với thế hệ cán bộ hội phụ nữ hôm nay - Ảnh: Thu Lê

Thiếu nữ Nguyễn Thị Thu đã nghĩ ra cách cắt đầu trái cau, dùng mủ cau viết khẩu hiệu lên tường gạch, nền xi măng. Mủ cau khi viết thì không thấy chữ, nhưng khi nắng chiếu vào thì chữ hiện rõ như được viết bằng sơn và rất khó xóa. Có những lúc đang viết thì có người đi ngang, cô liền lấy mảnh gạch vụn đánh dấu rồi rời đi. Khi quay lại, nhìn vào dấu kẻ, cô có thể viết tiếp khẩu hiệu ngay hàng, thẳng lối. Do lúc nhỏ không được học hành nên việc viết khẩu hiệu trở nên quá sức với cô gái trẻ. Có lúc cô muốn bỏ cuộc, nhưng trong đầu cô lại văng vảng lời dặn của cha trước lúc ra đi: “Đi rồi thì đi luôn, không được về, không được đầu hàng”. Bà dặn lòng phải kiên định.

Cuối năm 1966, chính quyền Sài Gòn phát hiện chị em Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Thu đã vào chiến khu nên ruồng bắt. Để đảm bảo an toàn, tổ chức rút bà về căn cứ cách mạng ở Tam Phước (tỉnh Bến Tre). Tại đây, bà Thu chuyển sang công tác hậu cần, đào hầm, xây dựng cơ sở cách mạng. Lúc này, bộ đội chính quy về đóng quân ở các khu căn cứ khá đông. Những giờ nghỉ ngơi, bà Thu đi tìm rau, bông chuối về nấu canh chua mang qua mời bộ đội, từ đó lân la làm quen, học lóm cách sử dụng các loại vũ khí, từ lựu đạn đến súng AK “để lỡ giặc càn thì biết cách chống càn”.

Nữ biệt động “chim sắt” Lê Thị Thu Nguyệt (giữa) lần giở những tấm ảnh kỷ vật, kể lại những ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm cho các bạn trẻ - Ảnh: H.L.
Nữ biệt động “chim sắt” Lê Thị Thu Nguyệt (giữa) lần giở những tấm ảnh kỷ vật, kể lại những ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm cho các bạn trẻ - Ảnh: H.L.


Đầu năm 1967, sau sự hy sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định thành lập đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi, cử bà Thu làm tổ trưởng một tổ vũ trang, có nhiệm vụ trực tiếp đánh đồn cảnh sát Hòa Hưng ở Sài Gòn với 2 quả lựu đạn. Bà nhớ lại: “Giao cho tôi nhiệm vụ đó nhưng không ai hỏi tôi có biết sử dụng vũ khí không. Nhưng được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi phấn khởi lắm. Sau này nghĩ lại, mới thấy lúc đó mình liều”.

Sáng 15/11/1967, Nguyễn Thị Thu ném quả lựu đạn vào đồn địch ngay lúc chúng đang giao ban. Cùng lúc đó, đồng đội của cô ném bồi một quả từ hướng ngược lại khiến địch không xác định được hướng tấn công đến từ phía nào. Xong nhiệm vụ, cô gái 19 tuổi thong thả đạp xe về căn nhà trọ cách đó vài con hẻm. Trận đánh đầu đời của cô khiến 4 tên địch chết tại chỗ, 14 tên khác bị thương.

Đến trận đánh ngay trên đất Mỹ

Tháng 3/1963, báo chí thế giới rúng động khi chiếc máy bay mang số hiệu FHA007 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất chở 300 quân Mỹ - trong đó có 80 sĩ quan cao cấp và các tài liệu mật, vũ khí - đã nổ tung khi hạ cánh quá cảnh ở sân bay Honolulu, tiểu bang Hawaii, Mỹ. Người thực hiện vụ nổ chấn động đó là cô gái 19 tuổi có dáng người nhỏ nhắn Lê Thị Thu Nguyệt - nữ chiến sĩ biệt động có biệt danh “chim sắt”.

Bà Thu Nguyệt kể: “Để thực hiện trận đánh đó, tôi phải đóng vai tình nhân của một đồng chí được ta cài vào làm việc ở sân bay, phụ trách việc đưa hàng hóa lên máy bay. Xấu hổ, nhục nhã lắm. Trước đó, bị vợ đồng chí đó đánh ghen, nước mắt tôi cứ chảy mà không thể nào nói được. Về đến nhà, tôi bị chú thím mình rầy la”. Dàn cảnh đôi tình nhân trốn vào khu vực hàng hóa để âu yếm, nữ chiến sĩ biệt động đã nghiên cứu từng bước đi cho kế hoạch lớn được đơn vị giao, đó là đặt bom hẹn giờ lên máy bay. Ngày hành động cũng là lúc “cái bầu” của bà với tình nhân vừa đủ lớn để giấu chất nổ bên trong. Bà bước vào sân bay với đôi chân va vào nhau lập cập.

Bà Nguyễn Thị Lệ (bìa phải) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - trao biểu trưng in bức ảnh “Bắc Nam sum họp” cho những nữ chiến sĩ cách mạng từng bị giặc bắt tù đày nhân dịp họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - ẢNH: THU LÊ
Bà Nguyễn Thị Lệ (bìa phải) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM - trao biểu trưng in bức ảnh “Bắc Nam sum họp” cho những nữ chiến sĩ cách mạng từng bị giặc bắt tù đày nhân dịp họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Thu Lê

Mật thám đứng dày đặc trong sân bay. “Người tình” ra hiệu cho bà biết, ông đã đặt một cái túi trong phòng vệ sinh. Nhiệm vụ của bà là mang đồ bỏ vào túi để ông đưa lên băng chuyền của máy bay. Do túi này thường được dùng cho sĩ quan cao cấp nên đã được đưa thẳng lên khoang thương gia. Máy bay cất cánh, Thu Nguyệt vẫn nghe trống ngực mình đập dồn dập. Bà ngồi đếm nhịp thời gian và chờ nghe tin tức chiếc FHA007 nổ trên biển Thái Bình Dương sau 20 phút cất cánh như dự tính. Nhưng 20 phút, rồi 4 giờ trôi qua, bà vẫn không thấy tin tức gì. Lo lắng kế hoạch thất bại sẽ khiến mình bị lộ, bà liền trở về chiến khu.

18 giờ sau, bà mới nghe tin máy bay nổ. Bà giải thích: “Do áp suất không khí trên cao giảm khiến đồng hồ bom hẹn giờ ngừng hoạt động. Đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Honolulu, áp suất trở lại bình thường, đồng hồ hoạt động trở lại, bom liền nổ ngay. Vụ nổ không như kế hoạch nhưng đã tạo tiếng vang lớn. Ngay sau vụ nổ, Bác Hồ nói: “Quân dân miền Nam không chỉ đánh Mỹ ở Sài Gòn mà còn đánh Mỹ ngay trên nước Mỹ, truy kích tận sào huyệt”. Vụ nổ khiến rất nhiều lính Mỹ quay ra phản chiến”.

Biệt danh “chim sắt” của nữ chiến sĩ biệt động Thu Nguyệt có ý nghĩa “bay cao, bay xa, đánh nhanh, đánh đau, thắng lớn” được hình thành từ “chuyên môn” đánh máy bay và đánh vào cố vấn quân sự Mỹ của bà. Trước đó, ngày 26/10/1962, tại cuộc triển lãm trưng bày sức mạnh quân sự của chính quyền Sài Gòn ngay trước tòa đô chánh Sài Gòn, Thu Nguyệt dùng chiếc khăn thêu gói trái lựu đạn rồi cùng một đồng chí đi coi triển lãm. Chính quyền Sài Gòn trưng bày súng “ngựa trời” của ta bên cạnh máy bay, xe tăng, súng đạn, bom mìn tối tân của Mỹ để làm nổi bật sự tương phản. Thuyết minh viên của triển lãm cũng cười cợt: “7 thằng cộng phỉ đeo tàu đu đủ cũng không gãy”.

Máu căm thù nổi lên, nữ chiến sĩ biệt động bàn với người đồng chí đi cùng là sẽ cho nổ tung chiếc trực thăng H01A. Bà rút chốt lựu đạn ném vào. Giữa làn khói mù mịt và bên cạnh chiếc trực thăng trơ ra như đống sắt là chiếc khăn thêu hoa hồng nằm hiên ngang. Địch hô lên: “Là phụ nữ!”. Vụ nổ đã đánh mạnh vào lòng kiêu hãnh của kẻ thù, khiến cuộc triển lãm dự kiến kéo dài 7 ngày bị hủy, kế hoạch duyệt binh của chính quyền Sài Gòn cũng phá sản hoàn toàn.

Cuối năm 1963, Thu Nguyệt bị bắt khi chuẩn bị đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua. Bị kẻ thù kết án 20 năm tù và trải qua 11 năm khổ sai trong tù ngục, bà vẫn kiên trung, bất khuất. Ngày 30/4/1975, trên đường dẫn đoàn về tiếp quản dinh Độc Lập, nước mắt bà trào ra khi thấy đồng bào đứng 2 bên đường hô vang khẩu hiệu mừng chiến thắng.

Thu Lê

Thông điệp về lòng kiên trung và ý chí quật cường

Tình yêu quê hương, đất nước của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn nữ chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt, giam cầm trong các nhà tù khắc nghiệt.

Nhiều cô, dì đã phải hy sinh điều thiêng liêng nhất của người mẹ, người vợ khi phải xa gia đình, gác lại tình cảm cá nhân, thậm chí còn phải gửi lại núm ruột của mình để lao vào vùng địch. Các chị, các mẹ đã phải chịu đựng những đòn tra tấn cực hình, khủng bố man rợ nhất nhưng vẫn không bao giờ khuất phục, vẫn luôn giữ vững tinh thần cách mạng kiên trung, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ đồng đội, bảo vệ phong trào đấu tranh. Tinh thần ấy đã tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin, động viên cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường tiếp tục chiến đấu, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về lòng kiên trung và ý chí quật cường của phụ nữ Việt Nam.

Dù là nơi chiến trường đỏ lửa hay chốn lao tù khắc nghiệt, ý chí quật cường, kiên định, những hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do dân tộc của các nữ chiến sĩ là một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh toàn diện của dân tộc ta, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI