Những chiếc 'cần câu' nghĩa tình

13/07/2017 - 08:30

PNO - Sáng 11/7, Hội LHPN TP.HCM tổ chức lễ trao phương tiện mưu sinh cho 45 hội viên (HV), phụ nữ (PN) có hoàn cảnh khó khăn tại các quận 4, Gò Vấp và các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh.

Đây là đợt đầu tiên trong chuỗi hoạt động thực hiện công trình mà Đại hội đại biểu PN TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề ra:  trao 1.000 phương tiện mưu sinh cho HV, PN nhằm giúp chị em vươn lên thoát nghèo. 

Nhung chiec 'can cau' nghia tinh
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - trao bảng tượng trưng phương tiện mưu sinh cho HV, PN có hoàn cảnh khó khăn

Quà tặng đặc biệt của Hội

Đến hội trường A Hội LHPN TP.HCM từ sớm, chị Hồ Tuyết Mai ngụ tại khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè chọn một góc khuất ngồi lặng lẽ. Chị Mai đang sống cùng hai con gái và ba người cháu. Bị tiểu đường, cao huyết áp và đau bao tử hơn một năm nay, nhưng chị vẫn đi bán vé số mỗi ngày. Hôm nào đau, mệt quá, chị mua thuốc uống cầm chừng.

Em Nguyễn Thanh Loan (18 tuổi, con gái chị Mai) bị hở van tim, sức khỏe rất yếu. Các cháu đều đang tuổi ăn tuổi học, trong khi kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào xấp vé số trên tay chị và lương công nhân của người con gái lớn Ngọc Trúc (SN 1985). 

Nhận xe bánh mì của Hội, chị Mai phấn khởi: “Tuy lao đao chuyện kinh tế, nhưng tôi vẫn thích Hội lắm. Tôi tham gia công tác Hội, làm tổ trưởng tổ PN tại địa phương cũng hơn 10 năm rồi. Đây là món quà thể hiện sự quan tâm của Hội cho PN nghèo lẫn cán bộ Hội cơ sở. Tôi sẽ cố gắng làm đồ ăn ngon, sạch, thu hút được nhiều khách đến với xe bánh mì này”. 

Sinh năm 1968 nhưng với vẻ mặt khắc khổ, trông chị Nguyễn Thị Chiến (ngụ tại P.10, Q.Gò Vấp) già hơn tuổi. Chị Chiến bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng, có giai đoạn phải nằm bệnh viện mấy tháng liền.

Cậu con trai đầu Nguyễn Trung Kiên chuẩn bị lên lớp 12, còn cậu út Nguyễn Trung Nguyên (16 tuổi) của chị bị rối loạn cơ vòng bàng quang suốt ba năm nay. Sức khỏe yếu, Nguyên phải nghỉ học, việc điều trị của em sẽ kéo dài, nhưng kinh tế gia đình vô cùng chật vật. 

Từ Nam Định khăn gói vào TP.HCM mưu sinh, chị Chiến từng làm công nhân nhiều năm trước khi chuyển qua thu mua ve chai. Anh Nguyễn Văn Cương (SN 1962, chồng chị) mở tiệm sửa xe ngay tại nhà trọ trong hẻm nhỏ nên tiệm ế khách, thu nhập bấp bênh. “Bao năm rồi, tôi cứ ước có chiếc xe đạp đi làm cho tiện. Chỉ vậy thôi mà không sắm nổi” - chị Chiến bộc bạch. Lần này, được Hội LHPN TP.HCM hỗ trợ xe đạp, mắt chị lấp lánh tia vui. 

Chữ "thương" làn đầu 

Chương trình kết thúc, chị Phạm Thị Mẫn (ngụ tại xã Trung Lập Hạ, H.Củ Chi) vẫn đứng nấn ná bên ngoài hành lang hội trường cùng với chị Phan Thị Hoa (ngụ tại xã Long Thới, H.Nhà Bè).

Miết tay lên tấm bảng tượng trưng phương tiện mưu sinh vừa được trao, chị Mai xúc động: “Từ hôm biết tin Hội sẽ tặng xe bánh mì, tôi vui quá, cứ nôn nao mãi”. Còn chị Mẫn thì nghẹn giọng: “Em mong cái xe nước mía cả chục năm nay, giờ thì có rồi”. 

Ly hôn năm 2005, chị Mẫn một mình nuôi bốn người con, trong đó, hai em Võ Thị Kim Hà, Võ Hoàng Bạch đang học cấp III. Lúc trước, chị Mai mở quán bán hủ tíu, cơm buổi sáng, nhưng ế ẩm quá, đành dẹp.

Để có tiền cho con ăn học, chị miệt mài làm thuê, từ làm nông, giúp việc nhà đến xe nhang. Rồi chị bị tai nạn giao thông, đứt dây chằng gối phải, tiền điều trị, phẫu thuật hết gần 50 triệu đồng, đến giờ vẫn còn nợ.

Thời gian gần đây, chị bán nước giải khát tại nhà và ao ước có ngày sắm được một xe nước mía. “Nghĩa tình này của Hội là động lực cho tôi cố gắng nhiều hơn nữa, lo buôn bán, bươn chải làm ăn để các con được học tới nơi tới chốn” - chị Mẫn nói. 

Do bị thoái hóa khớp gối nặng, bốn tháng nay, bước đi của chị Hoa khập khiễng, lâu lâu phải vịn tay vào tường mới đứng vững. Chồng mắc bệnh ung thư phổi đã hơn 10 năm, bản thân chị Hoa không có nghề nghiệp ổn định, mọi gánh nặng chi tiêu trong gia đình đè hết lên vai người con lớn đang làm công nhân.

Chị Hoa bộc bạch: “Vợ chồng tôi có ba con, hiện hai đứa nhỏ đang học cấp II. Cũng muốn làm ăn lắm, mà đâu có vốn. Nay được hỗ trợ xe bán bánh mì, tôi vui quá, tính tới tính lui mong ngày “khai trương” cái xe, bán kiếm đồng ra đồng vô, lo học phí cho con”. 

45 chị nhận phương tiện mưu sinh lần này, mỗi người một cảnh, tựu trung đều nghèo khó, lao đao vì bệnh tật. Để có phương tiện trao cho chị em, bên cạnh sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, còn có sự chắt chiu tiết kiệm của cán bộ, HV ở cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, nhiều cán bộ, HV cũng chật vật về kinh tế, nhưng các chị vẫn đồng lòng “góp gió thành bão” vì những cảnh đời khó hơn mình; do đó, bên cạnh giá trị vật chất, quà tặng lần này của Hội là tình nghĩa, là chữ “thương” làm đầu. 

Trong khuôn khổ chương trình, ngay sau lễ trao phương tiện mưu sinh, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức nói chuyện chuyên đề “Giá trị gia đình truyền thống và hiện đại” do tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh đến từ Học viện Cán bộ TP.HCM làm diễn giả. 

Sau khi tặng phương tiện mưu sinh cho chị em, cán bộ Hội ở cơ sở sẽ thường xuyên ghé nhà thăm, hướng dẫn cách buôn bán, tiết kiệm sao cho thật hiệu quả.

Ngoài ra, các quận huyện cũng tập trung khảo sát, tìm hiểu những khó khăn, thiếu thốn của chị em để kịp thời hỗ trợ, như học bổng cho con, vốn làm ăn, nhu yếu phẩm… Chúng tôi mong rằng, trong quá trình mưu sinh, nếu gặp khó khăn gì, chị em hãy mạnh dạn chia sẻ với Hội. 

Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI